NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

Người Trưởng ban công tác mặt trận - “cầu nối” trong giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4
Ngày đăng 06/05/2024 | 22:07  | View count: 23

Luôn nhiệt tình, tâm huyết với công việc, khéo léo trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, tin và đồng thuận, đồng tình bàn giao mặt bằng triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ông là Nguyễn Đình Khảm - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận, Tổ trưởng Tổ hoà giải thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín.

Trưởng thành từ quân đội, trở về địa phương từ năm 2018 đến nay, ông Nguyễn Đình Khảm được đảng viên và Nhân dân bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận, Tổ trưởng Tổ hoà giải thôn Văn Giáp. Ông đã chứng minh cho mọi người thấy phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ. Không chỉ là người gương mẫu đi đầu, chủ động tìm tòi, học hỏi, tìm hướng đi phát triển kinh tế cho gia đình, ông Khảm còn đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Với vai trò Tổ trưởng Tổ hòa giải, người có uy tín trong cộng đồng, ông Khảm đã đi sâu, bám sát địa bàn để giải quyết mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh. Thông qua công tác ông đã tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trực tiếp tham gia giải quyết các vụ việc mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Giải quyết tốt những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong Nhân dân ngay từ cơ sở góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế xảy ra. Ông như chiếc cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với người dân, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc ổn định chính trị, tư tưởng, an ninh trật tự ở khu dân cư và cũng góp phần vào thành tích chung của Chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, thôn Văn Giáp đạt danh hiệu Làng Văn hóa 5 năm liền từ năm 2019 - 2023. Tổ hòa giải nhiều năm liên tục đạt tổ hòa giải 5 tốt. Bản thân ông được Đảng ủy - UBND xã tặng Giấy khen nhiều năm.

Cũng trong nhiều năm qua, ông đã cùng cấp uỷ, chính quyền thôn huy động các nguồn lực xã hội tu bổ, tôn tạo Chùa Pháp Vân với số tiền trên 3 tỷ đồng, đền quan Tiến sĩ Đinh Doãn Tín với số tiền trên 300 triệu đồng, Giếng Xóm 1 với kinh phí hơn 150 triệu đồng, xây dựng nhà văn hoá thôn… góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, từ đó góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo làng quê, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. 

Đặc biệt, là một trong 2 thôn của xã Văn Bình có dự án đường Vành đai 4 đi qua, thôn Văn Giáp có 17,8 ha đất nông nghiệp của 392 hộ gia đình; có 0,39 ha đất ở của 46 hộ gia đình; 02 doanh nghiệp với diện tích đất 1,33 ha và hơn 2.100 ngôi mộ nằm rải rác ở các xứ đồng thuộc diện phải di dời, giải phóng mặt bằng.

Ông Khảm chia sẻ: Nhớ lại thời điểm từ khi Dự án còn mới chỉ dừng lại ở các phương án ban đầu, ông Khảm cho hay: Khi ấy, với kinh nghiệm của một cán bộ về hưu, ông đã lường trước là GPMB sẽ rất khó khăn, bởi Dự án Vành đai 4 đi qua Đống Chùa Cửi (Nghĩa trang Chùa Cửi) nằm trên địa bàn xã đã có lịch sử vài trăm năm. Ở đó có cả ngôi mộ đá của Tiến sĩ thời nhà Lê, nên đây không chỉ là nghĩa trang mà còn là tâm linh, là văn hóa lịch sử. “Xã Văn Bình, huyện Thường Tín chúng tôi là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, khoa bảng. Từ hàng ngàn năm trước, Văn Bình đã là trung tâm của phủ Thường Tín, với những công trình tâm linh nổi tiếng như chùa Pháp Vân, Pháp Lôi, Văn Từ Thượng Phúc … Nói thế để biết rằng yếu tố văn hóa truyền thống nơi đây là rất sâu đậm. Vì thế, việc di chuyển một vài ngôi mộ còn khó hơn cả trăm ngôi nhà”.

Nhìn lại hơn 1 năm qua, đối với ông Nguyễn Đình Khảm, đó là khoảng thời gian "thần tốc", cả hệ thống chính trị của xã Văn Bình đã vào cuộc thực hiện dự án với tinh thần chủ động, tích cực và hết sức quyết liệt. Xã đã tổ chức nhiều hội nghị với các hộ dân của 2 thôn Văn Giáp và thôn Văn Hội để thông báo, quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách, chế độ, hỗ trợ bồi thường GPMB cũng như tuyên truyền, vận động các hộ dân có mồ mả cần phải di dời. Nhiều cuộc họp dòng họ cũng đã được tổ chức để tạo sự thống nhất tư tưởng trong nội bộ.

Ông Nguyễn Đình Khảm tại Nghĩa trang Chùa Cửi (cũ) – nơi phải thực hiện di chuyển mộ

Là cán bộ nhiều năm công tác trong quân đội, ông Khảm từng là người không tin vào tâm linh cũng như không bao giờ tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng ở địa phương cho tới khi nghỉ hưu, về sinh sống tại quê nhà. Tới khi làm Bí thư Chi bộ rồi kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận, tham gia các phong trào của địa phương, ông Khảm ý thức được rằng, trong tuyên truyền, vận động, cần “bám” vào những tư tưởng, thói quen tại địa phương, nhất là văn hóa, tín ngưỡng thì mới dễ lấy được sự đồng thuận từ người dân, các cán bộ cơ sở, đặc biệt là Trưởng ban Công tác Mặt trận càng cần phải sâu sát, tăng cường tham mưu, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho chính quyền xã. “Trong di dời mộ thực hiện GPMB, chúng tôi chú trọng tới yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo. Về cơ bản người dân đều đồng thuận nhưng lăn tăn về tâm linh trong di chuyển mộ là điều không tránh khỏi. Vì vậy, tôi đề đạt với chính quyền phải thực hiện các lễ nghi một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Ngoài mời thầy chùa về cúng còn mời các bậc lão thành, các trưởng họ tham gia cùng để đảm bảo tính tôn nghiêm. Đồng thời, hỗ trợ một cách tối đa trong công tác di chuyển mộ cho các hộ gia đình”- ông Khảm cho biết.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Văn Giáp Nguyễn Đình Khảm

"Đối với công tác di dời hơn 2.100 ngôi mộ nằm trong chỉ giới đỏ để phục vụ cho giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4, xác định đây là vấn đề tâm linh, nhạy cảm, tổ công tác phải rất thận trọng và khéo léo. Chúng tôi không quản ngại, đến từng hộ gia đình có mộ thuộc chỉ giới đỏ để động viên và giải thích một cách có lý, có tình và có phương án thống nhất ngày giờ, cách thức di chuyển hơn 2.100 ngôi mộ phù hợp về văn hóa tâm linh. Có hộ gia đình, chúng tôi phải vận động và thuyết phục tới lần thứ 3 mới nhận được đồng thuận", ông Khảm chia sẻ.

Riêng dòng họ nhà ông Khảm cũng có 40 ngôi mộ thuộc diện phải di dời. Gia đình ông đã tiên phong đưa ông bà tổ tiên về nghĩa trang mới ngay từ những ngày tháng đầu công tác GPMB được triển khai hồi cuối năm 2022.

Nhờ sự gương mẫu, khéo léo của người Bí thư Chi bộ Nguyễn Đình Khảm, thôn Văn Giáp đã hoàn thành di dời được hơn 2.100 ngôi mộ nằm trong chỉ giới đỏ tuyến đường Vành đai 4 về khu quy tập mộ của xã.

Cũng theo ông Khảm: Để có được sự tín nhiệm, yêu quý của Nhân dân, mỗi người cán bộ là "công bộc" của Nhân dân phải thực sự gương mẫu, xây dựng lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; phải biết lắng nghe ý kiến và tâm tư nguyện vọng của Nhân dân. Mỗi công việc từ lớn tới nhỏ đều phải nỗ lực thực hiện thật tốt việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và người dân thụ hưởng.

Còn với nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4, để người dân hiểu được tầm quan trọng của dự án, vận động nhân dân di dời hoạt động sản xuất canh tác, di dời phần mộ tổ tiên của gia đình, cần phải có sự bàn bạc, vào cuộc, thống nhất về cách làm giữa chi bộ Đảng, Chính quyền và Nhân dân và quan trọng nhất người cán bộ phải gương mẫu luôn đi đầu, đôi khi phải biết hy sinh lợi ích cá nhân vì nhiệm vụ của tập thể.

Là một trong các gia đình, dòng họ thực hiện di dời mộ phần của tổ tiên, ông Nguyễn Hữu Tôn - Trưởng tộc Nguyễn Hữu (dòng họ phải thực hiện di chuyển hơn 300 ngôi mộ trên địa bàn thôn Văn Giáp) chia sẻ: "Đồng chí Bí thư Chi bộ Nguyễn Đình Khảm rất gần dân, sát sao với mọi công việc trong thôn. Đồng chí thường xuyên tuyên truyền giúp chúng tôi hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyến đường Vành đai 4. Bản thân đồng luôn "nói đi đôi với làm", gương mẫu thực hiện trước nên bà con cũng đồng lòng giao lại ruộng vườn, nhà cửa, di dời mồ mả... cho Nhà nước để làm đường".

Đánh giá cao sự gương mẫu, tận tụy của Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Văn Giáp Nguyễn Đình Khảm, Bí thư Đảng ủy xã Văn Bình Nguyễn Chí Tình nhận xét: "Đồng chí Nguyễn Đình Khảm là Bí thư Chi bộ có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng hết sức vì cộng động, vì công việc chung của Nhân dân, luôn được dân tin và làm theo. Những người như đồng chí Khảm chính là cánh tay nối dài của Cấp ủy, Chính quyền, mang chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước thấm sâu vào quần chúng…"

Có thể nói, ông Nguyễn Đình Khảm là tấm gương điển hình trong cuộc vận động và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thôn. Những đóng góp của ông Khảm đã được chính quyền địa phương khen thưởng nhiều danh hiệu, nhưng có lẽ với ông niềm vui lớn nhất là nhận được sự tin yêu, tín nhiệm tuyệt đối từ bà con và được nhìn thấy thôn làng mình ngày một đoàn kết, phát triển hơn.

 

Dương Thị Mơ

 

  Phóng sự ảnh

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh