NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

Hội viên nông dân Đỗ Hữu Tiến sản xuất kinh doanh giỏi với mô hình chăn nuôi lợn sinh sản và thương phẩm theo tiêu chuẩn Vietgap
Ngày đăng 25/03/2024 | 22:05  | View count: 18

Trong những gương điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh giỏi của xã Vân Tảo, cán bộ và hội viên Nông dân thường nhắc đến ông Đỗ Hữu Tiến ở thôn Nỏ Bạn - xã Vân Tảo - huyện Thường Tín - Thành phố Hà Nội như một hình mẫu tiêu biểu. Là một Chi ủy viên Chi bộ Nỏ Bạn, hội viên Nông dân xã Vân Tảo, ông luôn sáng tạo trong cách làm giàu, tuyên truyền, vận động hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương. Ông là một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào dân vận khéo, làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Bản thân ông và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Luôn rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống, được hội viên nông dân và nhân dân quý mến; tích cực cùng với gia đình thực hiện tốt các phong trào do Hội Nông dân các cấp phát động, tuyên truyền vận động gia đình, hội viên và nhân dân cùng thực hiện, tích cực lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tham gia thực hiện và đóng góp tiền, vật chất xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao do địa phương phát động. Tích cực tham gia các hoạt động của Hội, của địa phương phát động như phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thi đua xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Ông Đỗ Hữu Tiến sinh năm 1975 tại làng Nỏ Bạn, xã Vân Tảo, nằm ở phía Đông huyện Thường Tín. Với phần lớn diện tích đất phù sa bạc màu, toàn thôn có 490 hộ với 2.250 nhân khẩu, người dân nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và làm nghề phụ, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Năm 1997, sau khi hoàn thành nghĩa vụ phục vụ Quân đội nhân dân Việt Nam trở về quê hương, là người Đảng viên phát huy bản chất tốt đẹp của anh bộ đội cụ Hồ tích cực tham gia các hoạt động phong trào sản xuất kinh doanh tại địa phương, là gương điển hình trong lao động sản xuất, là tấm gương sáng cho nhân dân trong thôn, trong xã noi theo.

Ông Đỗ Hữu Tiến cho biết: Năm 1998 sau khi lập gia đình cha, mẹ cho ra ở riêng với căn nhà cấp bốn lụp xụp thuộc diện hộ nghèo, diện tích đất canh tác, sản xuất chỉ có 3 sào ruộng, với ý chí quyết tâm làm giàu, ông Đỗ Hữu Tiến bắt tay vào khởi nghiệp với nghề nuôi lợn thương phẩm, ông đã làm đơn xin Ủy Ban nhân dân xã Vân Tảo cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình VAC trên diện tích đất nông nghiệp quanh năm ngập úng chỉ canh tác được một vụ lúa của gia đình được cấp và thuê lại với tổng diện tích 6.000 m2 tại xứ đồng mương cụt. Thời gian đầu, việc chăn nuôi của gia đình không đạt được kết quả như mong muốn do thiếu vốn làm ăn, thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi như: Việc chọn lợn giống F1 bản địa thiếu chất lượng, chưa đem lại năng suất kinh tế; lợn giống thương phẩm lai tạo nhiều dòng không thuần chủng tạo ra con lai bị thoái hóa giống, trọng lượng thấp, sức đề kháng kém, dễ mắc các bệnh về hô hấp, dịch tả, đường ruột như: Hội chứng hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS), bệnh tiêu chảy dịch ở lợn (PED), bệnh cúm lợn và nhiều bệnh khác; kỹ thuật phối trộn thức ăn kiểu truyền thống như rau, khoai, ngô, gạo, bã bia, bã đậu, cám công nghiệp chưa đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho lợn theo giai đoạn độ tuổi sinh trưởng; việc phòng trừ dịch bệnh còn sơ sài, vệ sinh chuồng trại thiếu khoa học, thiếu thuốc và vacxin phòng chống dịch bệnh nên thường xuyên xảy ra tình trạng lợn ốm chết, còi cọc; việc tìm đầu ra cho sản phẩm khó khăn do sản lượng thương phẩm thấp, chất lượng chưa cao do giống lợn lai Móng Cái nhiều mỡ, ít thịt, trọng lượng con trong đàn chưa đồng đều nên thường xuyên bị thương lái ép giá khiến trang trại của ông bị thua lỗ, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.

Đầu những năm 2000, với sự quyết tâm của bản thân, ông tham gia theo học lớp sơ cấp nghề thú y do Chi Cục Thú y tỉnh Hà Tây tổ chức, sau khóa học ông được cử làm cộng tác viên thú y của Trạm chăn nuôi và thú y huyện Thường Tín từ đó đến nay, ông nói: “Cộng tác viên thú y là những người rất quan trọng bởi họ yêu cái nghề về kiểm soát dịch bệnh cho vật nuôi. Bản thân những cộng tác viên trực tiếp tham gia tiêm phòng theo kế hoạch của Trạm cho gia súc, gia cầm, vật nuôi; thực hiện giám sát dịch bệnh và nắm bắt chính xác tình hình từng hộ chăn nuôi có bao nhiêu con, dịch bệnh thế nào để kịp thời báo cáo xử lý”. Sau khi tích lũy kiến thức cơ bản trong quá trình công tác và phục vụ người dân, ông tham gia Tổ hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi lợn thương phẩm của Hội Nông dân xã để tích lũy và chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn thương phẩm và sinh sản. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, nhất là Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho vay vốn Quỹ hỗ trợ Nông dân, hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn và Ngân hàng chính sách xã hội Huyện, cùng với số vốn của gia đình ông đã mở rộng trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm và sinh sản trên diện tích 1.000m2 có 15 lao động chính thức và 05 lao động thời vụ, quy mô chăn nuôi 90 con lợn nái, 25 con lợn đực để phối giống và 800 lợn thương phẩm, rút kinh nghiệm các năm về trước, các khâu trọn giống được ông chú trọng hơn, ông thử nghiệm nuôi 03 loại giống lợn chính của Canada: Yorkshire, Landrace, Duroc, giống được cung cấp bởi một số trang tại Miền Bắc.

Giai đoạn đầu từ năm 2000 đến năm 2010, do chất lượng lợn con giống của một số trại giống tại khu vực không được đảm bảo, với kinh nghiệm tích lũy qua thời gian chăn nuôi nên đến năm 2011 ông tiếp tục mở rộng trang trại chăn nuôi lên 2.000m2, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, ứng dụng chế phẩm sinh học, thiết bị máy móc, tủ lưu trữ tinh, xây bể xử lý chất thải trong chăn nuôi và lấy thêm lao động tại địa phương để mở rộng nuôi lợn sinh sản để phục vụ trang trại cũng như cung cấp con giống, cung cấp dịch vụ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho lợn nái của các hộ dân trên địa bàn Huyện và vùng lân cận các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình.

Ông Đỗ Hữu Tiến thực hiện kỹ thuật lấy tinh trên lợn đực giống Duroc.

Ông hồ hởi kể: “Từ năm 2011, sau khi sàng lọc các giống lợn cho hiệu quả kinh tế, gia đình tôi đã đặt niềm tin vào con giống thuần chủng cụ, kỵ của Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương trực thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, được trung tâm hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn ngoại, quy trình thú y, phòng bệnh, tiêu chuẩn, quy chuẩn về lĩnh vực chăn nuôi lợn. Sau 13 năm chăn nuôi giống lợn ngoại, gia đình tôi đúc rút ra bài học và hiệu quả kinh tế đối với dòng lợn ngoại giống Duroc của Canada, Mỹ để tập trung chăn nuôi thương phẩm và sinh sản vì giống lợn này phù hợp với đặc tính thời tiết, khí hậu, môi trường, thức ăn ở Việt Nam, khỏe mạnh, đồng đều, tăng trọng nhanh trọng lượng trưởng thành con đực trên 300 kg/con, con cái 200-300 kg/con, tiêu tốn thức ăn thấp, tỷ lệ nạc cao và chất lượng thịt tốt, ít dịch bệnh, chất lượng sinh sản tương đối cao, trung bình đạt 1,7-1,8 lứa/năm. Mỗi lứa đẻ từ 9 đến 11 con, lợn con trung bình đạt 1,2-1,3 kg...”. Ông cho biết: Trung bình gia đình ông cung cấp ra thị trường 700 tấn lợn thương phẩm/năm; 2.000 con giống/năm; thụ tinh nhân tạo cho 8.000 lợn nái/năm với 15 lao động thường xuyên với mức thu nhập 12 triệu/người/tháng; hàng năm phối hợp với Hội Nông dân xã phổ biến kiến thức và dạy nghề cho 25 lao động. Kết quả sản xuất: Bình quân thu nhập hàng năm sau khi trừ chi phí đạt 2,5 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/tháng.

Bao năm say mê với nghề nuôi lợn, ông Đỗ Hữu Tiến nhận thấy: Con lợn nái nền ở Việt Nam còn nhiều nhược điểm, chậm lớn, năng suất không cao, tỷ lệ mỡ nhiều, số con/lứa thấp. Ông đã tiên phong nhập giống lợn ngoại Duroc của Đan Mạch, Canada, Mỹ giá lên tới 2.300 USD/con cái và 2.500USD/con đực. Khi lợn nhập về Việt Nam, do khí hậu không phù hợp nên đã chết 10 con trị giá hàng trăm triệu đồng đã chết. Ông Tiến chia sẻ: “Lợn chết, mình đã rút ra đựơc bài học, phải trang bị hệ thống nuôi lợn làm mát thì mới kiểm soát được nhiệt độ chuồng trại. Từ đó, ông trang bị hệ thống la phông kín chuồng, che rèm và dùng quạt hơi nước thổi nước làm mát ở đầu chuồng, còn cuối chuồng lại có quạt máy hút. Nhờ vậy, nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định ở mức 28oC, giúp lợn phát triển rất tốt. Nhờ giống lợn tốt, năng suất vượt trội khác biệt. Nếu như nái nền ở Việt Nam một năm/2lứa/(8con/lứa), tỷ lệ mỡ cao thì lợn nái nhập của tôi một năm cho 2,3 lứa/(11 con/lứa) tỷ lệ nạc cao. Điều này cho thấy vai trò của con giống là rất quan trọng”.

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, ngay cửa ra vào, được phun hóa chất để khử trùng, để nhằm tránh các loại dịch bệnh. Khu vực trang trại bề thế nằm trong khu nuôi trồng thủy sản của địa phương, có đầy đủ các trang, thiết bị hiện đại như hệ thống phân phối thức ăn, hệ thống làm lạnh, khu Trại cách ly dành cho lợn nhập về, các máy đếm tinh, máy siêu âm... Khu chuồng trại sạch sẽ, không hề có mùi hôi, thối như những chuồng trại khác. Ông Tiến giải thích: “Tôi nuôi nhiều lợn vậy mà không có mùi hôi là vì tôi sử dụng chế phẩm sinh học Envizyme ODO F1 là vi sinh xử lý mùi hôi chuồng trại được rất nhiều trại chăn nuôi lợn tin dùng hiện nay. Phân lợn có mùi thối là do chất dinh dưỡng trong thức ăn không được lợn hấp thụ hết khi thải, phân bị phân hủy sẽ gây mùi. Do vậy, khi cho Envizyme ODO F1 rải xuống khu vực chứa chất thải, chất này có tác dụng tạo ôxy trong phân làm sống vi khuẩn có lợi để tiêu diệt những vi khuẩn gây thối trong phân nên không có mùi”.

Hình ảnh: Ông Đỗ Hữu Tiến đang chăm sóc đàn lợn con trong cũi nhốt.

Dù đã là tỷ phú trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Đỗ Hữu Tiến vẫn giản dị, chất phác, ông nói: “Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, nhà có 5 anh chị em. Gia đình tôi vừa làm nông nghiệp vừa chăn nuôi gia xúc, gia cầm điều kiện kinh tế khó khăn. Khi còn nhỏ, tôi thích chăn nuôi lợn, ngày thường phụ giúp việc nhà, nấu cám cho lợn, chăn gà ăn, thả vịt… Khi lớn lên, tôi ấp ủ mở trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vẫn văng vẳng sự thấm thía từ câu tục ngữ mà các cụ để lại: Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng là so sánh giữa hai nghề và quan niệm nuôi lợn như là một cách bỏ ống tiết kiệm cũng đã không còn phù hợp. Trải qua bao vất vả, gian chuân, để đạt được những thành công như ngày hôm nay tôi thiết nghĩ bản thân mình phải rất yêu nghề, kiên trì, nhạy bén với thời cuộc mới được như ngày hôm nay. Với tôi đúng là nghề chọn người”.

Ông Tiến trăn trở: “Nghề chăn nuôi là nghề vất vả, rủi ro cao. Nếu người nông dân không biết dùng giống tốt, thì khó mà đạt hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi, khó cạnh tranh với sản phẩm thịt của các nước trong bối cảnh hiện nay. Việc chăn nuôi sử dụng hoóc-môn trong thức ăn tăng trọng, tồn dư độc tố của hoóc-môn có hại trong thịt lợn ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng vẫn tiếp diễn chưa có biện pháp chế tài hiệu quả, cạnh tranh trong chăn nuôi thiếu lành mạnh, khiến người chăn nuôi chân chính gặp khó… Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích, quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung có quy mô, đảm bảo về anh toàn môi trường. Ở địa phương, chính quyền, HTX nông nghiệp, HND nên phối hợp với các cấp hỗ trợ cho nông dân trong việc lựa chọn cây, con giống phù hợp để phát triển sản xuất kinh doanh làm giàu và giảm nghèo bền vững, liên kết 4 nhà để giải quyết đầu ra cho các hộ nông dân”.

Bên cạnh đó, gia đình cũng luôn tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; chủ động tham gia và thực hiện tốt cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến tiêu dùng và bán ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn”,  tham gia thực hiện tốt công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tham gia đầy đủ các cuộc họp, các buổi sinh hoạt của chi hội nông dân; hàng năm đều tham gia đóng góp xây dựng các loại quỹ của Hội phát động. Hàng năm, gia đình ông trực tiếp phổ biến kiến thức, dạy nghề cho khoảng 10 hộ tại địa phương, giúp đỡ con giống bằng hình thức bán trả chậm, tặng con giống và thụ tinh nhân tạo cho lợn nái cho các các hộ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 250 triệu đồng. Là thành viên của Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi lợn sinh sản Chi hội Nông dân thôn Nỏ Bạn, ông đã cùng các thành viên khác giao lưu, trao đổi, trau dồi kinh nghiệm trong sản xuất cũng như trong kinh doanh. Tổ Hội nghề nghiệp của ông còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào do Hội Nông dân xã, huyện tổ chức. Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, Từ năm 2018 đến nay, Hộ gia đình ông Đỗ Hữu Tiến được Hội Nông dân thành phố Hà Nội công nhận là hộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Thành phố 5 năm liên tục. Ông được HND Thành phố đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen có thành tích trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2019 – 2023 ”.

Hình ảnh: Hộ Ông Đỗ Hữu Tiến đạt danh hiệu hộ nông dân SXKDG cấp Thành phố năm 2023

Là người Đảng viên – Chi ủy viên, phẩm chất cao quý của anh bộ đội cụ Hồ chung tay thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao do Chi ủy – Chi bộ, chính quyền, Chi hội đoàn thể giao. Học và làm theo lời Bác, với vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” ông luôn gương mẫu đi đầu tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện, khó khăn lớn nhất chính là nhận thức của người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn chưa rõ ràng. Một số hộ dân cho rằng, xây dựng nông thôn mới là việc làm của Nhà nước nên trông chờ, ỷ lại, chưa tích cực tham gia đóng góp. Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân đã dần hiểu và thông suốt việc xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của người dân và có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nhiều năm trước, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng còn bùn đất, chưa được cứng hóa bê tông, việc đi lại của nhân dân để phục vụ sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, khiến nhiều ô thửa ruộng bị bỏ hoang, bỏ cộ. Do vậy, đời sống nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo gia tăng, tai tệ nạn ngày một diễn biến phức tạp. Năm 2015, ông Đỗ Hữu Tiến đã vận động người dân tại ngõ xóm Bà Tách đến Trường Mầm non Vân Tảo đồng thuận hiến 300m2 đất, giải tỏa kịp thời để mở đường chạy qua với chiều dài gần 300m. Có mặt bằng nhưng để có được con đường bằng bê tông sạch đẹp lại là chuyện không dễ. Một lần nữa ông Đỗ Hữu Tiến đến tận nhà các hộ dân có đường đi qua tuyên truyền vận động góp tiền 400 triệu đồng và 100 ngày công lao động để bê tông hoá con đường bản thân ông và gia đình ủng hộ 80 triệu đồng. Chỉ sau hơn 1 tháng, với nguồn xi măng do Nhà nước hỗ trợ, cát sỏi và hơn 100 ngày công lao động do người dân địa phương đóng góp đã xây dựng được con đường rộng rãi, khang trang phục vụ giao thông đi lại cho bà con nhân dân.

Trong năm 2019, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi, toàn xã có trên 40 hộ gia đình có đàn lợn nghi mắc và mắc bệnh phải tiêu hủy với số lợn tiêu hủy là 2.500 con, với trọng lượng tiêu hủy là 130 tấn. Tính đến năm 2019, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã cơ bản đã được kiểm soát, toàn xã chỉ còn 03 trang trại không bị ảnh hưởng bởi dịch gồm có trang trại hộ ông Đỗ Hữu Tiến, ông Nguyễn Văn Hưng, ông Nguyễn Văn Long... Là cộng tác viên thú y, ông đã tham gia công tác kiểm đếm, xử lý, tiêu hủy nhiều đàn lợn của các hộ dân trong xã, trong huyện theo sự phân công của Trạm chăn nuôi và thú y Huyện trong nhiều tháng liền. Mặc dù dịch tả lợn Châu phi gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi cả nước, trong đợt dịch, nhờ làm tốt công tác chọn giống, tiêm phòng, khử trùng chuồng trại, trại lợn của ông không hề bị ảnh hưởng, sau dịch giá cả lợn thương phẩm tăng cao, đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình ông. Sau dịch, việc tái đàn lợn của các hộ dân trong xã và các vùng lân cận gặp rất nhiều khó khăn do các hộ dân kiệt quệ trong cơn bão dịch tả, thiếu vốn, thiếu giống để chăn nuôi, ông Đỗ Hữu Tiến đã tạo điều kiện bán lợn giống trả trậm trong 02 năm cho nhiều hộ dân với tổng số lượng con giống là 1.500 con, hỗ trợ 80 con lợn giống và tư vấn kỹ thuật nuôi cho các hộ đặc biệt khó khăn với tổng số tiền trên dưới 300 triệu đồng.

Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với Ban chỉ ủy, ông đã vận động đảng viên và nhân dân trong thôn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, được Ủy Ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng Bằng khen tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Năm 2020, Để thực hiện tấm lòng tương thân, tương ái vì Miền Trung ruột thịt bị lũ lụt, ông cùng với Ban công tác mặt trận, Hội thanh niên tình nguyện, Chi Hội Nông dân của thôn đã vận động nhân dân, hội viên các đoàn thể ủng hộ tiền, hiện vật trị giá gần 100 triệu đồng và trực tiếp chuyển đến người dân vùng lũ lụt xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Bản thân ông và gia đình ủng hộ 15 triệu đồng.

Năm 2020, để triển khai con đường giao thông nội đồng trục chính Từ Trường Mầm non xã Vân Tảo nối tuyến đường tránh 427 lên cụm công nghiệp phía Bắc Thường Tín dài 400m, cắt qua nhiều đầu bờ thửa ruộng đất nông nghiệp của các hộ dân đang canh tác trồng đào hoa, cây rau màu có giá trị kinh tế cao, có một số hộ dân chưa tạo điều kiện cho việc làm đường khiến ông hết sức trăn trở. Một mặt ông vận động những người thân gương mẫu chấp hành, di chuyển cây, rau màu, mặt khác ông cùng với Ban công tác mặt trận, các Chi hội đoàn thể của thôn đi sâu, đi sát, tuyên truyền vận động nhân dân, hội viên Nông dân hiến 1.500 m2 đất nông nghiệp, mở rộng tuyến đường rộng rãi khang trang, vừa phục vụ đi lại hoạt động sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo giao thông nội đồng, tạo điều kiện cho 20 hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Khu đầu cầu Nỏ Bạn thuận tiện sản xuất giao thương. Khi được ông Đỗ Hữu Tiến phân tích những mặt tích cực, lợi ích mà Đề án mang lại, các hộ dân đồng thuận hiến đất, di chuyển cây hoa, rau màu và tạo điều kiện làm con đường góp phần không nhỏ trong việc xây dựng bộ mặt giao thông nông thôn được thuận lợi, cảnh quan khang trang, vệ sinh môi trường sạch đẹp vì mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao là điểm nhấn để các thôn trong xã học tập làm theo. Cuối năm 2020, cùng với Ban chi ủy, Chính quyền, Ban công tác mặt trận,  ông  tiếp tục vận động nhân dân khu ao lò gạch hiến đất để thi công kè ao và triển khai tuyến đường giao thông từ khu nhà bà Lâm đi bia thờ họ Nguyễn với chiều dài 300m, được nhân dân đồng thuận hiến đất mở rộng với tổng số diện tích 500m2.

Ông Đỗ Hữu Tiến bên đàn lợn giống xuất bán đi tỉnh Hưng Yên

Sau gần 25 năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn sinh sản và thương phẩm, Với thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm. Hiện tại, việc chăn nuôi của gia đình ông đang phát triển ổn định với 15 nhân công lao động, các con ông đều được học Đại học và có nghề nghiệp ổn định, nhà cửa được xây dựng khang trang, ôtô được mua sắm để vận chuyển. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm làm giàu với bà con nhân dân, hội viên nông dân tham gia Tổ hội nghề chăn nuôi lợn thương phẩm, hướng dẫn nghề cho hàng chục hộ trong thôn giúp nhau thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của thôn Nỏ Bạn đạt 69 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, hiện toàn thôn có trên 94,5% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc, đời sống nhân dân ngày một đi lên.

Là một Đảng viên – Chi ủy viên, ông Đỗ Hữu Tiến đã làm tốt vai trò là người đảng viên, gương mẫu trong công tác Đảng, Chi hội đoàn thể, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Với những nỗ lực, cố gắng của mình, nhiều năm liền ông được Đảng ủy xã Vân Tảo khen thưởng Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhân dân, hội viên Nông dân trong xã tin tưởng và hy vọng ông sẽ có nhiều đóng góp thiết thực hơn nữa cho hoạt động cộng đồng, cũng như là cầu nối tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào trong đời sông nhân dân, cùng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong xã cán đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.

Phạm Thành Vương

  Phóng sự ảnh

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh