CHỉ đạo điều hành

Công điện về việc khắc phục thiệt hại do bão số 3 và ứng phó với diễn biến mưa lũ trên địa bàn
Ngày đăng 10/09/2024 | 10:30  | View count: 56

UBND huyện Thường Tín vừa có công điện số 01/CĐ-UBND về việc khắc phục thiệt hại do bão số 3 và ứng phó với diễn biến mưa lũ trên địa bàn.

Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão số 3, trong những ngày qua mưa lớn đã xảy ra trên địa bàn các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ và Thành phố Hà Nội. Lượng mưa đo được trên địa bàn huyện từ ngày 06/9 đến 6h ngày 10/9/2024 đạt trên 519 mm, cá biệt trong ngày 9/9/2024 trên địa bàn huyện có điểm đo được lượng mưa trên 320 mm.

Đồng thời do các hồ thuy điện mở một số cửa xả đáy nên mực nước trên các sông đoạn qua địa bàn huyện đã lên nhanh và được dự báo là còn tiếp tục dâng cao, tại thời điểm 9h30 ngày 10/9/2024 mực nước sông Nhuệ trên địa bàn huyện đang ở mức báo động II, mực nước sông Hồng tại trạm thuỷ văn An Cảnh đang ở mức báo động I.

Để chủ động khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra; sẵn sàng ứng phó kịp thời, khẩn trương đối với những ảnh hưởng thời tiết cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, ban ngành huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, Giám đốc Xí nghiệp thuỷ lợi Hồng Vân, Giám đốc Công ty Điện lực Thường Tín, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê số 6 tập trung thực hiện các nội dung sau:

1. Khẩn trương chỉ đạo khắc phục những thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn, trong đó tập trung xử lý: Các sự cố về điện; giải tỏa kịp thời cây xanh bị đổ, gãy; thu gom rác đảm bảo vệ sinh môi trường; thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại do cơn bão số 3...

2. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn; tổ chức thường trực 24/24 h, kiểm tra các điểm xung yếu, các công trình xây dựng (đặc biệt là các công trình đang thi công), công trình đê điều, thủy lợi; chuẩnbị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ"; chủ động chỉ đạo ứng phó kịp thời mọi diễn biển của mưa, lũ, ngập, úng, sự cố thiên tai đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

3. Tổ chức tuyên truyền, thông báo cho nhân dân được biết về tình hình mưa, lũ; động viên nhân dân có biện pháp che chắn, bảo vệ diện tích rau màu, nuôi trồng thuỷ sản và các loại cây trồng khác; tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp tiêu úng bảo vệ, phục hồi sản xuất. Chủ động tổ chức sơ tán nhân dân ở những vùng ven sông, vùng trũng, thấp có nguy cơ ngập úng, vùng có nguy cơ sạt lở đất, các khu vực nhà xuống cấp, nguy hiểm đến nơi an toàn; thường xuyên thông tin, cảnh báo nguy hiểm, tránh đuối nước, điện giật; chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, hàng hóa, vật tư thiết yếu, sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai xảy ra.

4. UBND huyện giao các cơ quan:

4.1. Phòng Quản lý đô thị huyện:

- Phối hợp với UBND các xã, thị trấn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, chủ đầu tư các công trình xây dựng tổ chức kiểm tra các công trình xây dựng, nhà ở không đảm bảo an toàn trên địa bàn.

- Phối hợp với Công an huyện, Đội Thanh tra giao thông vận tải huyện,

UBND các xã ven sông Hồng tăng cường công tác kiểm tra và có phương án đảm bảo an toàn cho các phương tiện thủy, bến đò ngang trên địa bàn. Trường hợp cần thiết, khi mực nước sông Hồng lên cao tạm ngừng không cho các phương tiện hoạt động để đảm bảo an toàn.

4.2. Phòng Kinh tế huyện:

- Chủ trì, phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổng hợp các thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện các biện pháp phục hồi sản xuất sau mưa, bão, úng, ngập, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.

- Phối hợp với UBND các xã, thị trấn, Hạt Quản lý đê số 6, Xí nghiệp thủy lợi Hồng Vân kiểm tra, rà soát, xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn các công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn huyện.

4.3. Phòng Lao động thương binh và xã hội huyện: Chủ trì, chuẩn bị sẵn sàng thực hiện phương án cứu trợ đảm bảo đời sống nhân dân trong thiên tai theo phương án đã được phê duyệt.

4.4. Công an huyện: Tăng cường lực lượng ứng trực, triển khai các phương án đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bố trí lực lượng hướng dẫn và đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông; kịp thời xử lý sự cố, không để xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn.

4.5. Ban chi huy Quân sự huyện: Nắm chắc tình hình mưa, bão, lũ, úng, ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn huyện, chuẩn bị sẵn sàng, lực lượng, phương tiện thường trực ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra.

4.6. Phòng Y tế huyện: Phối hợp với Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan tố chức trực cấp cứu 24/24h để cấp cứu kịp thời các tai nạn, sự cố trong thời gian mưa, lũ; triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế, đảm bảo an toàn bệnh nhân trong các bệnh viện, cơ sở y tế; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai, nguy cơ dịch bệnh.

4.7. Phòng Giáo dục và đào tạo: Kiêm tra, triên khai phương án đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh và các cơ sở vật chất trường, lớp trên địa bàn huyện trong thời gian mưa, lũ.

4.8. Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa thông tin & thể thao huyện: nắm chắc tình hình, diễn biến mưa bão, úng ngập và các sự cố thiên tai, tăng cường thời lượng thông tin về tình hình mưa bão để nhân dân biết và chủ động phòng tránh.

5. Xí nghiệp thủy lợi Hồng Vân: Có phương án vận hành hệ thống công trình thuỷ lợi bơm tiêu úng đối với các diện tích nông nghiệp đang bị ngập, sâu nước; khắc phục các sự cố về công trình để kịp thời phục vụ công tác tiêu úng:

phối hợp với UBND các xã: Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến, Tân Minh, Tiền Phong bố trí lực lượng, thường trực theo dõi tại các vị trí xung yếu, sạt lở trên tuyến đê sông Nhuệ.

6. Hạt Quản lý đê số 6: Theo dõi sát các diễn biến của mực nước trên sông Hồng; phối hợp với UBND các xã ven sông Hồng thường xuyên kiểm tra, đảm bảo an toàn cho các công trình đê, kè, cống trên dọc tuyến đê hữu Hồng đoạn qua địa bàn huyện; phối hợp, hướng dẫn lực lượng tuần tra canh gác bảo vệ đê điều trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

7. Công ty Điện lực Thường Tín: Kiểm tra, rà soát các công trình, đảm bảo an toàn về điện, kịp thời sửa chữa, khắc phục các sự cố; ưu tiên cấp đủ điện cho các trạm bơm hoạt động hết công suất phục vụ công tác khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống điện giật khi có mưa, bão xảy ra.

8. Về chế độ thông tin, báo cáo: Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h và theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3; Báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng BCH PCTT&TKCN huyện vào các khung giờ 5h30, 13h và 15h hàng ngày để tổng hợp, báo cáo thành phố theo quy định./.

Xem chi tiết: 01/CĐ-UBND

 

  Phóng sự ảnh

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh