KỶ NIỆM 70 NĂM ĐẢNG BỘ THƯỜNG TÍN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Với lợi thế là “đất trăm nghề” và bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, huyện Thường Tín có tiềm năng rất lớn về phát triển kinh tế làng nghề gắn với du lịch sinh thái, thăm quan trải nghiệm.
Ảnh: Lãnh đạo UBND huyện Thường Tín thăm mô hình sản xuất, kinh doanh tại làng nghề xã Duyên Thái
Huyện Thường Tín có 50 làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội, có 05 cụm công nghiệp làng nghề, gần 16.000 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nghề truyền thống cùng hơn 40.000 lao động. Nhiều sản phẩm làng nghề của Thường Tín đã nổi tiếng từ xưa và có mặt ở khắp các thị trường trong và ngoài nước như: Sơn mài Hạ Thái; thêu ren Quất Động, Thắng Lợi; lược sừng Thụy Ứng; tiện Nhị Khê; chạm đá Nhân Hiền,…
Đến thời điểm hiện nay, UBND Thành phố đã công nhận 04 điểm du lịch trên địa bàn huyện Thường Tín, gồm: Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái, điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng và điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm.
Bên cạnh đó, Thường Tín còn là mảnh đất nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng một vùng như: chùa Ðậu - nơi có hai pho tượng táng Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, Nhà thờ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê và các lễ hội đặc sắc ngay từ những ngày đầu mùa xuân như: Lễ hội làng Từ Vân (xã Lê Lợi); Lễ hội làng Đại Lộ (xã Ninh Sở), Lễ hội Chử Ðồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên)…
Những năm gần đây, Thường Tín đón hàng trăm nghìn lượt khách tới thăm quan, trải nghiệm, nhất là những tour du lịch làng nghề gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm. Qua đó, có thể thấy nếu được đầu tư bài bản, đồng bộ, đây chính là một hướng phát triển bền vững cho địa phương.
Ảnh: Du khách thăm quan và trải nghiệm quy trình làm sơn mài tại xã Duyên Thái
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồi - Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái chia sẻ: “Sơn mài Hạ Thái là thương hiệu truyền thống của địa phương. Năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã công nhận làng nghề sơn mài Hạ Thái là điểm du lịch. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ sản xuất sơn mài chúng tôi mong muốn phát triển du lịch làng nghề theo mô hình của làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm)”. Hiện tại, ở Hạ Thái, các xưởng sản xuất đã liên kết lại với nhau để đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, mở các lớp tập huấn để trang bị kiến thức làm du lịch. Các xưởng sản xuất trở thành nơi thăm quan, trải nghiệm, đến đây khách thăm quan, du lịch được trải nghiệm một vài khâu trong quy trình sản xuất sản phẩm sơn mài.
Tại điểm du lịch xã Hồng Vân, địa phương đã thành lập Fanpage “Du lịch làng quê Hồng Vân” để quảng bá hình ảnh và giới thiệu các tour, tuyến hấp dẫn như: thăm quan nhà vườn, mô hình trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh; tham gia “Lễ hội tình yêu”; thăm quan, trải nghiệm mô hình trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề,… Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng điểm du lịch xã Hồng Vân vẫn thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, trải nghiệm; trung bình hàng năm xã đón 3,5 vạn lượt khách, qua đó góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.
Mới đây, mô hình du lịch nông thôn của xã Hồng Vân được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Theo đồng chí Ngọ Văn Ngôn - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội chia sẻ: Thường Tín là địa phương thứ hai của Thành phố có sản phẩm tham gia OCOP về du lịch là xã Hồng Vân, với các điểm du lịch vừa đẹp, vừa giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Mô hình này không chỉ đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương mà còn góp phần lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường… đến các địa phương khác trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Ảnh: Đoàn khách đến thăm quan mô hình du lịch nông thôn tại xã Hồng Vân
Bên cạnh các điểm du lịch được UBND thành phố Hà Nội công nhận, một số điểm làng nghề khác như: làng nghề thêu Đông Cứu (xã Dũng Tiến) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016, làng nghề chăn, ga, gối, đệm Trát Cầu (xã Tiền Phong), mây tre đan (xã Ninh Sở), bánh giày Quán Gánh (xã Nhị Khê), tiện (xã Nhị Khê), cước lưới Trần Phú (xã Minh Cường)… cũng thu hút đông đảo du khách về trải nghiệm và mua sắm.
Ảnh: Cơ sở sản xuất chăn, ga, đối, đệm tại xã Tiền Phong
Trong thời gian tới để phát triển du lịch làng nghề trở thành thế mạng và góp phần thay đổi kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, huyện cần tập trung phát huy hơn nữa các nguồn lực nhằm phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng và lợi thế của huyện. Tăng cường các hoạt động đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, giao thông, khu trưng bày, dịch vụ lưu trú, ăn uống… tại các điểm du lịch làng nghề. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các điểm, tour, tuyến du lịch; xúc tiến các hoạt động liên kết với các đơn vị lữ hành nhằm khai thác tốt các điểm du lịch tại các địa phương. Đồng thời, gắn việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với phát triển du lịch.
Minh Châu
Phổ biến pháp luật
Đầu tư công
Thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |