KỶ NIỆM 70 NĂM ĐẢNG BỘ THƯỜNG TÍN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

BỐN LẦN BÁC HỒ VỀ THĂM HUYỆN THƯỜNG TÍN
Ngày đăng 26/08/2024 | 14:00  | View count: 105

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Trong 10 năm cuối đời, Bác Hồ đã có hơn 700 lần về thăm, động viên và làm việc với cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân các địa phương, trong đó, huyện Thường Tín vinh dự được Bác về thăm 4 lần tại 6 địa điểm. Điều đó khẳng định tình cảm và sự quan tâm của Bác dành cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thường Tín, đồng thời, trở thành nguồn sức mạnh để Đảng bộ và Nhân dân huyện nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị qua từng giai đoạn lịch sử.

Lần thứ nhất, Bác Hồ về thăm Khu điều dưỡng, an dưỡng của cán bộ, đồng bào miền Nam (nay là Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) và làng Thụy Ứng vào ngày 10/5/1958. Đây là lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thường Tín, trong một chuyến thăm chính thức có sắp xếp và chuẩn bị.

 

Ảnh: Bác Hồ về thăm và nói chuyện tại Khu điều dưỡng, an dưỡng cán bộ miền Nam (nay là Bệnh viện Tâm thần Trung ương I), xã Hòa Bình,  huyện Thường Tín, ngày 10/5/1958

 

Tại Khu điều dưỡng, an dưỡng của cán bộ, đồng bào miền Nam tại xã Hòa Bình, Bác Hồ đã đi thăm chỗ ăn chỗ ở, sau đó mới gặp gỡ và nói chuyện với mọi người. Trong buổi nói chuyện, Người bày tỏ sự cảm thông, sẻ chia sâu sắc về nỗi nhớ quê hương miền Nam của cán bộ, đồng bào tập kết; khuyên nhủ mọi người hãy ra sức thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, cùng góp sức xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững mạnh, làm nền tảng cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Trong số cán bộ miền Nam tập kết có nhiều người cao tuổi được sắp xếp ở trong làng Thụy Ứng. Vì vậy, sau khi nói chuyện, Bác cùng đoàn công tác đi bộ vào làng để gặp, ân cần thăm hỏi các đồng chí này.

Lần thứ hai, Bác Hồ đến thăm trại chăn nuôi Kiều Thị (xã Thắng Lợi).

Trại chăn nuôi Kiều Thị được thành lập năm 1957 (thuộc địa bàn xã Thắng Lợi). Đây là trại chăn nuôi lớn nhất miền Bắc. Ngày 29/8/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kiểm tra tình hình chống úng của tỉnh Nam Định. Trên đường đi, Người ghé thăm Trại chăn nuôi Kiều Thị ở huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Sau khi hỏi thăm cán bộ, công nhân viên làm việc ở trại chăn nuôi, Bác nói: Các cô, các chú nghe lời Bác dặn phải cố gắng chăn nuôi lợn cho tốt. Đây là trại chăn nuôi lớn nhất miền Bắc. Các cô, các chú phải đoàn kết, giúp đỡ nhau đẩy mạnh chăn nuôi để có nhiều lợn xuất khẩu, đổi lấy máy móc về xây dựng nước nhà giàu mạnh.

Ảnh: Bác Hồ thăm Trại chăn nuôi Kiều Thị (xã Thắng Lợi), huyện Thường Tín, ngày 29/8/1959

Tại đây, Người đã cùng các đồng chí phụ trách trang trại xem xét một số chuồng nuôi lợn. Người nhắc nhở anh chị em chăn nuôi hãy thực hiện những biện pháp kỹ thuật để nuôi lợn mau lớn. Cuối cùng, Người căn dặn các đồng chí phụ trách phải quan tâm hơn nữa đến việc ăn ở, sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên trong trại; phải xây dựng ngành mỗi ngày một lớn mạnh, nhằm góp phần xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh.

Lần thứ ba, Bác Hồ về nói chuyện chống hạn với Nhân dân tỉnh Hà Đông tại xã Quyết Tiến (nay là thôn Cống Xuyên xã Nghiêm Xuyên) và tát nước chống hạn tại Cánh đồng Cần Thơ, Hợp tác xã Đô Đức, xã Hồng Thái (nay là xã Quất Động).

Ảnh: Bác Hồ nói chuyện với Nhân dân tỉnh Hà Đông về công tác chống hạn tại xã Quyết Tiến (nay là xã Nghiêm Xuyên), huyện Thường Tín ngày 30/01/1963

Vụ chiêm xuân 1963, tỉnh Hà Đông bị hạn hán nặng, rất khó khăn trong sản xuất. Để động viên Nhân dân, ngày 30/01/1963, Bác Hồ đã về xem xét tình hình chống hạn của tỉnh Hà Đông ở cánh đồng bãi Mạ, thôn Cống Xuyên, xã Nghiêm Xuyên. Sau khi nói chuyện với Nhân dân tỉnh Hà Đông, Bác đã đến xã Hồng Thái (nay là xã Quất Động) cùng tát nước chống hạn trên cánh đồng Cần Thơ của Hợp tác xã Đô Đức. Tại buổi nói chuyện, Bác tặng Nhân dân hai câu thơ:

“Hà Đông anh dũng tuyệt vời

Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”

Lần thứ tư: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm bộ đội công binh Trung đoàn 239, bắc cầu phao qua sông Hồng tại bến Mễ Sở - Hồng Vân.

Ảnh: Bác Hồ thăm đơn vị công binh 239 bắc cầu phao qua sông Hồng

tại bến Mễ Sở - Hồng Vân, huyện Thường Tín, ngày 05/02/1966

Trung đoàn công binh 239 (nay là Lữ đoàn 239) được giao nhiệm vụ bảo đảm cho bộ đội tên lửa vượt qua sông Hồng và các sông khác ở phía tả ngạn.

Ngày 05/02/1966, Trung đoàn được tăng cường Tiểu đoàn LPP của Trung đoàn 249, đã tổ chức bắc cầu phao qua sồng Hồng tại bến Mễ Sở - Hồng Vân. Đây là lần bắc cầu lớn nhất trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đêm ngày 05/02/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm, trực tiếp theo dõi bộ đội công binh bắc cầu. Sau khi thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, Bác căn dặn: nhiệm vụ của các chú rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Các chú cần cố gắng hơn nữa; mỗi ngày làm nhanh hơn một chút, ba phút, dăm phút, dần dần rút ngắn lại, càng ngắn càng tốt, các chú bắc cầu ngày một giỏi hơn, làm như thế chúng ta sẽ mau chóng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Tự hào được Bác Hồ bốn lần về thăm và động viên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thường Tín ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, kết hợp với các phong trào thi đua, các cuộc vận động, quyết tâm xây dựng huyện Thường Tín ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trường An

  Phóng sự ảnh

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh