Tin tức - sự kiện

Đài Truyền thanh huyện 52 năm xây dựng và phát triển

Ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam được thành lập. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, tiếng nói Việt Nam được truyền đi khắp thế giới. Đến năm 1956, với sự giúp đỡ của Liên Xô thời kỳ đó, chúng ta bắt đầu xây dựng đựơc các đài phát thanh tỉnh. Đến những năm 60 của thế kỷ XX, hệ thống đài truyền thanh ở nước ta đã từng bước được tăng cường số lượng và nâng cao dần chất lượng.

Trong giai đoạn này, các đài huyện được hình thành với nhiệm vụ chính là tiếp phát sóng đài Trung ương, đài tỉnh và tự xây dựng các bản tin, các chương trình phát thanh để phản ánh về công việc của các hợp tác xã; cổ vũ những phong trào thi đua lao động sản xuất, các điển hình; phê phán thói xa hoa, lãng phí, quan liêu trong quản lý tài sản tập thể… Do số lượng đầu báo ở nước ta khi đó còn rất ít nên vị trí, vai trò của các đài huyện là rất lớn. 

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin trong những năm cuối của thế kỷ XX đã tạo cơ sở cho các đài huyện được trang bị những máy phát sóng cực ngắn và kéo theo đó là sự ra đời của hàng loạt trạm truyền thanh cấp xã, phường, thị trấn.

Có thể khẳng định, kể từ khi ra đời cho đến nay, hệ thống đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện luôn là phương tiện tuyên truyền hữu hiệu của địa phương, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; là công cụ trực tiếp của Đảng, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành để phát triển kinh tế, xã hội. Đây là cơ quan thông tin, tuyên truyền để giúp nhân dân nắm bắt các chủ trương, chính sách của cấp trên và chính quyền địa phương. Trong sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình báo chí hiện đại, hệ thống Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện vẫn luôn có chỗ đứng nhờ tính hiệu quả của nó. 

Đồng chí Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao Thường Tín ôn lại truyền thống 52 năm Đài Truyền thanh xây dựng và phát triển

Cùng với sự hình thành của các đài huyện trong cả nước, ngày 7/9/1965, Hệ thống truyền thanh của huyện Thường Tín được khánh thành và đưa vào hoạt động với máy Tăng âm 50W, 300m đường dây, 2 loa nén 10W và 15W đã đánh dấu sự hình thành và phát triển của sự nghiệp phát thanh truyền thanh huyện Thường Tín. Lúc này, Đài trực thuộc Bưu Điện và trạm máy đặt tại Bưu điện huyện và có 2 cán bộ trực tiếp quản lý. Tháng 4/1967, Đài tách ra khỏi Bưu Điện huyện và trực thuộc Phòng Văn hoá thông tin Hà Tây. Năm 1968, Đài sát nhập với Phòng văn hoá thông tin huyện. Năm 1974, Đài chuyển về trụ sở UBND huyện và được xây dựng nhà cấp 4 tại UBND huyện để làm việc. Hệ thống đường dây của huyện đã kéo tới các xã: Văn Bình, Hà Hồi, Quất Động, Liên Phương, Thắng Lợi, Tô Hiệu (39 km đường dây và 64 loa công cộng). Năm 1981, UBND huyện có quyết định thành lập Đài truyền thanh huyện: có Trưởng Đài, Phó trưởng đài và đài được sử dụng cán bộ, con dấu riêng. Đài huyện được đầu tư mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật, thực hiện tiếp âm Đài cấp trên theo quy định của ngành; xây dựng và phát các chương trình của Đài huyện.

Cuối năm 1986, Đài huyện đã phát trực tiếp trên hệ thống đường dây cho các xã xung quanh hyện như: Hà Hồi ,Văn Phú,Văn Bình, khu vực Thị Trấn; củng cố và xây dựng cho các xã có hệ thống truyền thanh độc lập và thực hiện tiếp âm qua sóng phát thanh của Đài huyện; đầu tư mua máy phát sóng FM, dựng cột treo an ten phát sóng phủ kín địa bàn.

Đầu năm 1987, Đài huyện được UBND huyện Thường Tín đầu tư dựng cột anten dây néo cao 21m để treo anten, 2 máy phát FM công suất 20W/1 chiếc và chính thức phát sóng vào ngày 19/5/1987 (Tần số phát sóng 67,13MHz). Lúc này, Đài Thường Tín thực hiện “Truyền thanh hoá” và hàng loạt Đài truyền thanh xã được xây dựng và củng cố như : Hiền Giang, Hoà Bình, Tô Hiệu,Văn Bình, Nghiêm Xuyên...  Toàn huyện có 350 loa công cộng, 106 km đường dây. Năm 1992, Đài xây dựng mỗi ngày một chương trình gốc 15 phút, phát sóng 3 buổi: Sáng, trưa, chiều.

Năm 1998, Đài huyện đã tham mưu với UBND huyện Thường Tín đầu tư mua máy Camera M9000 và các thiết bị phụ trợ. Từ đó, Đài đã cử các cán bộ Đài huyện thực hiện các tin, phóng sự truyền hình phát trên sóng truyền hình Đài Tỉnh Hà Tây. Năm 1999, Đài huyện được đầu tư xây dựng nhà làm việc 2 tầng khang trang và tháp an ten tự đứng cao 45 m tổng kinh phí trên 500 triệu đồng. Cuối năm 2001, có 100% các xã, thị trấn trong huyện đã có hệ thống truyền thanh toàn xã.

Từ năm 2002 – 2004, Đài huyện được UBND huyện tiếp tục được hỗ trợ kinh phí mua sắm các thiết bị: Máy phát sóng FM 300W, Camera kỹ thuật số PD170 Sony, bàn phối, máy ghi âm chuyên dụng Tasscam ... để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh và phủ sóng toàn huyện cũng như làm cộng tác với Đài PT-TH Tỉnh Hà Tây cũ và Đài PT-TH thành phố Hà Nội hiện nay.

Từ  năm 2010 đến nay Đài huyện đã mua sắm bộ dựng hình, máy phát sóng, camera, tu sửa cột ăng ten và nhà làm việc…với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng. Các xã, thị trấn tu sửa, mua sắm trang thiết bị nâng cấp hệ thống truyền thanh, trị giá trên 4 tỷ 720 triệu đồng. Hiện đã có 2 xã, thị trấn trong huyện đầu tư hệ thống truyền thanh không dây hiện đại, hoạt động ổn định, chất lượng được cải thiện. 12/29 Đài truyền thanh xã, thị trấn được đầu tư hệ thống dựng phát thanh số phục vụ tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của huyện,của xã. Đài truyền thanh xã, thị trấn ngoài việc tiếp âm Đài 3 cấp đã chủ động xây dựng chương trình phát thanh hàng tuần, nhiều đài cơ sở có 2 chương trình/tuần.

Từ tháng 01 năm 2017, Đài truyền thanh huyện, Trung tâm TDTT huyện và nhà văn hoá huyện sáp nhập theo quy định của thành phố, với tên gọi Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao Thường Tín. Đài truyền thanh huyện có tên gọi khác là Tổ thông tin tuyên truyền.

Hiện nay, Tổ thông tin tuyên truyền luôn chú ý nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh địa phương như: Tăng số lượng tin bài trong chương trình, xây dựng các chuyên mục, kịp thời tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất của huyện; bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của huyện; tuyên truyền, phục vụ đắc lực việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng... của huyện; tích cực chuyển tải các thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, các Chỉ thị, Nghị quyết của TW, Thành phố, Huyện tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện; cộng tác tích cực với Đài PT-TH thành phố thông qua các tin sự kiện và chương trình Trang ngoại thành; tích cực tham gia đề xuất với huyện tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động và đầu tư kinh phí nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở; duy trì thường xuyên tiếp sóng Đài TW, Thành phố và phát chương trình gốc của huyện, phát 3 buổi/ngày; hàng tuần duy trì các chuyên mục: bạn cần biết, thuốc cho sức khoẻ mỗi người và cho cả cộng đồng, phổ biến kiến thức, xây dựng Đảng, phổ biến pháp luật v.v..

Công tác giao ban thường kỳ của Đài huyện và cơ sở

Về công tác tổ chức, Tổ Thông tin tuyên truyền (Đài Truyền thanh) có 10 cán bộ, viên chức. Đối với Đài các xã, thị trấn đã được kiện toàn đội ngũ gồm: 01 Trưởng đài, 1- 2 nhân viên. Do vậy, hiện nay cơ bản đáp ứng được công tác truyền thanh cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Do có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng... và xây dựng củng cố, phát triển sự nghiệp phát thanh - truyền thanh, Đài truyền thanh huyện Thường Tín và nhiều cá nhân đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Đài Tiếng nói Việt Nam, UBND Thành phố, Đài Thành phố, UBND huyện tặng thưởng.

Trong thời gian tới, Đài Truyền thanh huyện Thường Tín (nay là Tổ Thông tin tuyên truyền) sẽ phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những mặt tồn tại, đề cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phát thanh, truyền thanh; tập trung vào nâng cao chất lượng tin, bài, phản ánh phong phú các nhiệm vụ chính trị của huyện và xã, thị trấn; quán triệt phương châm đưa tin: "chính xác, khách quan, đúng định hướng, sắc bén và kịp thời”; bảo đảm hoạt động luôn đạt hiệu quả, xứng đáng là cơ quan tuyên truyền hàng đầu, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và diễn đàn của nhân dân trong huyện, góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng huyện Thường Tín ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Xuân Tiến – Diệu Hương