XÃ, THỊ TRẤN XÃ, THỊ TRẤN

XÃ KHÁNH HÀ
Ngày đăng 10/03/2017 | 00:00  | Lượt xem: 450

Xã Khánh Hà nằm ở phía Tây Bắc huyện Thường Tín; có diện tích tự nhiên là 4,96 km2; dân số 11.548 người, đa số là người Kinh; phía Bắc giáp xã Liên Ninh và xã Đại Áng (huyện Thanh Trì); phía Nam giáp xã Hòa Bình và xã Hiền Giang; phía Đông giáp sông Tô Lịch; phía Tây giáp sông Nhuệ là ranh giới tự nhiên với xã Thanh Thùy, xã Mỹ Văn (huyện Thanh Oai).

Trước cách mạng tháng tám năm 1945, Khánh Hà là một xã của tổng Hà Liễu thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Tháng 4/1946, xã Khánh Hà đổi tên thành xã Ái Quốc gồm 4 thôn: Xuân Nê, Khánh Vân, Hoàng Xá, Đỗ Hà. Cuối năm 1948, 02 xã Ái Quốc và Thanh Liễu hợp nhất thành một xã, lấy tên là Ái Quốc, với 06 thôn: Xuân Nê, Khánh Vân, Hoàng Xá, Đỗ Hà, Liễu Nội, Liễu Ngoại. Năm 1949, xã Ái Quốc sáp nhập thêm xã Đan Nhiễm của huyện Thanh Oai thành 7 thôn: Xuân Nê, Khánh Vân, Hoàng Xá, Đỗ Hà, Liễu Nội, Liễu Ngoại, Đan Nhiễm.

Tháng 5/1961, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, xã Ái Quốc của huyện Thanh Trì chuyển về huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Tháng 1/1971, xã Ái Quốc đổi tên thành xã Khánh Hà.

Khánh Hà có vị trí khá thuận lợi về giao thông đường thủy và đường bộ. Cầu Vân bắc qua sông Tô Lịch nối Khánh Hà với Nhị Khê, ra đường quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam. Cầu Đỗ Hà bắc qua sông Tô Lịch, nối Khánh Hà với xã Hòa Bình, đến Đường 21B đi quận Hà Đông và xuôi xuống Ứng Hòa, Hà Nam. Với vị trí tương đối thuận lợi đó, Khánh Hà có điều kiện giao lưu kinh tế - văn hóa và cũng là địa bàn quan trọng về quốc phòng – an ninh.

Từ xưa,nhân dân trong xã sống chủ yếu bằng nghề nông. Trong quá trình phát triển hình thành nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp mới. Ngày nay, cơ cấu kinh tế ở xã Khánh Hà đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 19%, giá trị sản xuất công nghiệp – thủ công nghiệp – dịch vụ - thương mại đạt 80% (năm 2015).

Xã có 04 di tích được công nhận. Trong đó, có 03 di tích lịch sử cấp Quốc gia (đình Khánh Vân; đình Đan Nhiễm, đền Đan Nhiễm đều được công nhận năm 2001) và 01 di tích cấp thành phố (đình làng Liễu Nội).