VĂN HÓA - XÃ HỘI VĂN HÓA - XÃ HỘI

Lịch sử, ý nghĩa ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Ngày đăng 20/11/2020 | 00:00  | Lượt xem: 16

Cách đây vừa tròn 63 năm, vào tháng 8 năm 1957, tại Ba Lan đã diễn ra hội nghị quốc tế các nhà giáo lần thứ 2 thông qua bản hiến chương các nhà giáo và lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo. Ngay sau đó, bản hiến chương đã nhanh chóng được phổ biến đến tất cả các trường học, các cơ quan quản lí giáo dục miền Bắc và đồng bào. Ngày 20/11/1958, ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo được tổ chức lần đầu tiên trên miền Bắc nước ta.

Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ đã ban hành Quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày nhà giáo Việt Nam và ngày 20/11/1982 lần đầu tiên ngày nhà giáo Việt Nam được tổ chức trọng thể tại hội trường Ba Đình, Hà Nội.

 

38 năm qua, ngày 20/11 dần dần khắc sâu vào tâm thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam, trở thành ngày hội của toàn dân nhằm tôn vinh nghề dạy học, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, phát huy gìn giữ nét đẹp truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đã có từ ngàn xưa được bảo tồn cho đến ngày nay. Nét đẹp ấy được thế hệ người Việt Nam kế thừa, vun đắp và phát huy. Ngày 20/11 cũng là ngày động viên cổ vũ các thầy cô giáo thực hiện tốt đường lối chủ trương giáo dục của Đảng và Nhà nước; là ngày biểu dương khen thưởng thành tích của các thầy, cô giáo. Đặc biệt, là ngày mà các em học sinh có dịp được bày tỏ lòng quý mến, kính trọng biết ơn thầy cô giáo không ngừng cố gắng học tập rèn luyện tu dưỡng đạo đức bản thân.

Huyện Thường Tín kỷ niệm 38 năm ngày nhà giáo Việt Nam.

Trường Tiểu học Nguyễn Du tổ chức hội diễn văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam

Xã Văn Phú tổ chức kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, huyện Thường Tín đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm và tuyên dương khen thưởng các điển hình, tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo huyện năm 2020. Ngoài ra, nhiều địa phương và các nhà trường trên địa bàn huyện đều sôi nổi tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ, thi báo tường, trang trí thiệp và trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam nhằm tri ân các thế hệ nhà giáo đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người.

 

Đặc biệt vui mừng hơn, trong những năm gần đây, công tác giáo dục của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô giáo dục và đào tạo tiếp tục ổn định và có bước phát triển ở các ngành học, cấp học. Chất lượng giáo dục ở diện đại trà được ổn định, chất lượng mũi nhọn có những tiến bộ rõ nét. Nhiều tấm gương thầy cô tận tụy với nghề, miệt mài sáng tạo để việc dạy của thầy và học của trò hiệu quả hơn. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời.”

Phương Thanh