TIN XÃ. THỊ TRẤN TIN XÃ. THỊ TRẤN

Xã Văn Bình khai mạc hội làng truyền thống làng Văn Giáp và Văn Hội năm 2025
Ngày đăng 05/05/2025 | 11:50  | Lượt xem: 20

Sáng ngày 4/5/2025 (tức ngày 7 tháng 4 âm lịch), thôn Văn Hội và Văn Giáp, xã Văn Bình đã tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống. Đồng chí Lê Tuấn Dũng - Ủy viên BTV Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ huyện đã về dự.

Các đại biểu tham dự lễ dâng hương cầu nguyện Quốc thái dân an

Trước đây, hai làng Văn Giáp và Văn Hội, xã Văn Bình vốn là một làng gốc và có hai chùa (chùa Pháp Vân và chùa Pháp Lôi) tục gọi là hai chị em hay hai bà.

Theo sách “Thái Ninh niên chế ngọc phả” và sách “Nam thiên nhị pháp sự tích chân kinh phụng lục”, một số di vật gồm 8 lá bạc thật kích cỡ 13x22,5cm, đóng thành sách, khắc chữ Hán, làm năm Canh Tý đời vua Thành Thái 12 (1900) kể về sự tích Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) thì chùa thờ Pháp Vân. Sự tích bà Man Nương tự cảm mà hoài thai, hài nhi được nhà sư người xứ Tây Trúc tên là Khâu Đà La gửi vào gốc Dung Thụ (cây dâu cổ thụ) và sau này cây trôi về bến gần kinh thành. Sĩ Vương (Sĩ Nhiếp) đã lệnh cho tạc bốn pho tượng. Năm Thái Ninh thứ 3 (1074), triều Lý Nhân Tông, trời đại hạn, vua sai rước tượng đi cầu đảo. Khi đến địa phận thôn Văn Giáp, trời mưa lớn, pháp giả phải dừng lại. Một lát trời quang, lại tiếp tục rước đi nhưng chỉ rước được hai tượng (Pháp Vũ, Pháp Điện) còn hai pho Pháp Vân và Pháp Lôi không rước được đi. Hoàng đế cho rằng nơi này có linh khí, liền cấp cho tiền bạc để xây dựng hai ngôi chùa để thờ.

 

Dân làng và khách thập phương tham dự lễ hội

Tới năm 1947, do tiêu thổ kháng chiến, chùa Pháp Lôi bị phá. Người làng Văn Hội đã rước tượng Pháp Lôi về thờ tại chùa làng (tức chùa Văn Hội bây giờ). Do vậy, ngoài thờ Phật, chùa Văn Hội còn thờ thánh Pháp Lôi, dân gian thường gọi là “chùa em” và gọi chùa Pháp Vân là “chùa chị”.

Cả hai ngôi chùa là các di tích văn hóa rất có giá trị nhiều mặt cả về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, du lịch, trong đó chùa Pháp Vân đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1991. Với ý thức tâm linh nông nghiệp, khát vọng thiên nhiên trong nghề trồng trọt của người nông dân Việt Nam thì ngay từ xa xưa, chùa Pháp Vân đã trở thành trung tâm cầu đảo thời tiết của các triều đại nhà nước phong kiến và nhân dân vùng phía Nam Kinh thành. Không phải ngẫu nhiên mà chùa Pháp Vân được thờ hai vị tứ pháp (trong hệ thống Tứ Pháp Việt Nam) rồi trở thành địa điểm cầu đảo như thế hệ cha ông ta cầu mưa có nước, cầu tạnh trời yên.

 

 

Màn đánh trống khai hội, rước kiệu và múa rồng tại lễ hội

Hàng năm vào các ngày từ mùng 7 – 9/4 âm lịch, nhân dân 2 thôn lại tưng bừng mở hội cầu mong một năm mưa thuận, gió hoà, người dân yên tâm lao động, sản xuất.

Tại lễ khai mạc, Ban Tổ chức đã đánh trống khai hội truyền thống. Trong các ngày diễn ra lễ hội, cùng với các tiết mục văn nghệ chào mừng đặc sắc, múa sư tử, múa lân còn diễn ra các trò chơi dân gian như bắt vịt, đập niêu, kéo co..  thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia. 

Hoài Thu