TIN TỨC - SỰ KIỆN TIN TỨC - SỰ KIỆN

Phòng chống đuối nước cho trẻ phải bắt đầu từ trong trường học
Ngày đăng 17/05/2025 | 09:07  | Lượt xem: 45

Tuy chưa đến dịp hè, nhưng tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước thương tâm, để lại những nỗi đau, mất mát cho gia đình và xã hội, nhất là vùng nông thôn, những nơi gần sông, suối. Mặc dù những hồi chuông cảnh báo đã gióng lên, nhưng dường như tai nạn đuối nước vẫn luôn chực chờ.

Đuối nước là kẻ giết người thầm lặng, mỗi năm cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em tại Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do các em không biết bơi và chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Trong khi hiện nay, số lượng bể bơi chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ, môn bơi lội chưa được đưa vào môn học chính thức trong nhà trường. Trẻ em thiếu sự giám sát của cha, mẹ và người chăm sóc; môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em; nhiều nơi nguy hiểm dễ gây đuối nước, nhưng không có biển cảnh báo, không có chỉ dẫn, không có người cảnh giới; người dân còn thiếu ý thức chấp hành các quy định an toàn về phòng chống đuối nước cho trẻ em; nhiều địa phương chưa quan tâm cũng như chưa bố trí kinh phí thực hiện công tác này.

Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm khi đuối nước.

 

Tại huyện Thường Tín, nhiều hoạt động về phòng chống đuối nước trẻ em đã được triển khai như: Truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; phát triển kỹ năng an toàn cho trẻ em; triển khai dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn; phổ cập bơi cho học sinh vào dịp hè; hoạt động bể bơi thông minh, dạy bơi cho trẻ em có nhu cầu; xây dựng môi trường sống an toàn tại gia đình, trường học và cộng đồng; nâng cao năng lực hỗ trợ cho cán bộ địa phương; tăng cường công tác liên ngành, kiểm tra, giám sát và hình thành mạng lưới phòng chống đuối nước trẻ em…

Bên cạnh đó giúp các em biết được những biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước và cách làm được một chiếc áo phao bằng những vật liệu dễ kiếm.

Tuyên truyền kỹ năng phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích cho học sinh (cách làm được một chiếc áo phao bằng những vật liệu dễ kiếm)

 

Để giảm đến mức thấp nhất số lượng trẻ em tử vong do đuối nước, nhất là trong dịp hè, các địa phương cần triển khai quyết liệt và hiệu quả các Chương trình của Chính phủ như: Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; các công điện, công văn của Ủy ban Quốc gia về trẻ em có nội dung về công tác phòng chống đuối nước trẻ em.

Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 – 2035” nhằm tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh nhằm nâng cao năng lực tự phòng ngừa, tự bảo vệ của học sinh trước nguy cơ bị đuối nước; bảo đảm điều kiện và tổ chức hiệu quả việc dạy bơi an toàn cho học sinh để tăng tỷ lệ học sinh biết bơi và biết kỹ năng phòng, chống đuối nước, góp phần làm giảm tỷ lệ học sinh bị đuối nước.

Chương trình phấn đấu đến năm 2030, 95% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các cá nhân liên quan được truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về phòng, chống đuối nước học sinh và đạt tỷ lệ 100% vào năm 2035. Đến năm 2030, 70% học sinh được dạy kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước và đạt tỷ lệ 90% vào năm 2035.

Đến năm 2035, tối thiểu 30% trường tiểu học có bể bơi; tối thiểu 30% trường tiểu học, 25% trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có bể bơi (cố định hoặc di động) và duy trì hoạt động hiệu quả. 70% xã/phường/thị trấn có ít nhất một bể bơi để phục vụ việc dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh trên địa bàn. Đến năm 2030, mỗi trường có ít nhất 02 giáo viên được bồi dưỡng, cấp chứng nhận và có đầy đủ năng lực để tổ chức dạy bơi an toàn cho học sinh và đạt ít nhất 03 giáo viên vào năm 2035.

Phổ cập bơi trong trường học là điều vô cùng quan trọng

 

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm về phòng, chống đuối nước học sinh; giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và dạy bơi an toàn cho học sinh; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho việc tổ chức dạy bơi an toàn trong trường học; đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi và kinh phí chi thường xuyên cho các nhà trường; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và người làm công tác y tế trường học; tăng cường phối hợp liên ngành giữa nhà trường với các tổ chức, cá nhân liên quan; xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần thực hiện tốt các giải pháp: Tăng cường truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước cho cha mẹ, trẻ em, học sinh và cộng đồng dân cư; phổ biến các tài liệu hướng dẫn, sản phẩm truyền thông đến từng người dân, hộ gia đình; rà soát các khu vực nước sâu, nguy hiểm có nguy cơ gây đuối nước để có biện pháp chủ động khắc phục, phòng ngừa, cảnh báo, cảnh giới; các địa phương cần quan tâm đầu tư nguồn lực để tăng độ bao phủ số trẻ em được dạy kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước trẻ em, dạy bơi an toàn; huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng chống đuối nước trẻ em bằng việc áp dụng các quy định, quy trình, các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình, trường học, cộng đồng, hướng dẫn về kỹ năng an toàn trong môi trường nước, dạy bơi an toàn cho trẻ em; tạo các điểm vui chơi lành mạnh tại cộng đồng dân cư để thu hút, quản lý trẻ em với sự tham gia của ngành giáo dục, văn hóa, Đoàn thanh niên; tăng cường công tác phòng chống xâm hại trẻ em trong dạy bơi cho trẻ em; duy trì hệ thống thu thập thông tin, số liệu về tình hình đuối nước trẻ em, về số trẻ em bị tử vong do đuối nước tại địa phương. Báo cáo, phân tích kịp thời nguyên nhân các vụ việc trẻ em bị tử vong do đuối nước, kịp thời có các can thiệp, hỗ trợ, giải pháp khắc phục.

Hoài Thu