TIN TỨC - SỰ KIỆN TIN TỨC - SỰ KIỆN

Kết quả nổi bật trong 10 năm “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” ở Thường Tín
Ngày đăng 17/12/2021 | 00:00  | Lượt xem: 8

Thường Tín là huyện phía nam Thủ đô Hà Nội, có diện tích tự nhiên 130,41km², dân số trên 26 vạn người, có 29 xã, 01 thị trấn. Trên địa bàn huyện có 11 cụm công nghiệp, với tổng diện tích là 195,7 ha, thu hút trên 700 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vào hoạt động sản xuất với trên 9.000 lao động.

 

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Huyện ủy Thường Tín đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và đã đạt được những kết quả tích cực, được Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen.

 

Vai trò lãnh đạo của Đảng

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI), Chương trình số 30-CTr/TU của Thành ủy, Huyện ủy Thường Tín đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện và cơ sở; và tuyên truyền rộng rãi tinh thần Nghị quyết tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc phối hợp, tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân cùng phát triển trên địa bàn.

Ảnh: Đảng bộ huyện Thường Tín được nhận Bằng khen của Thành ủy trong thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (Bí thư Huyện ủy  Thường Tín Nguyễn Tiến Minh thứ 4 từ phải sang nhận bằng khen)

Cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/02/2012 của Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Thường Tín đã ban hành Quyết định về việc “Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước” gồm 13 thành viên, do đồng chí Phó Bí thư Thường trực làm Trưởng ban; và thành lập Đảng bộ Khối doanh nghiệp trực thuộc Huyện ủy Thường Tín.

Với mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, Huyện ủy Thường Tín đã xây dựng Chương trình hành động số 25-CTr/HU, ngày 16/12/2014 để chỉ đạo thực hiện.

Chương trình đã chỉ rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị đã tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy. Huyện ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 18/10/2016 về việc tập trung phát triển nghề thủ công truyền thống; Đầu tư xây dựng cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016-2020. UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 147/KH-UBND, ngày 05/6/2018 về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch; đầu tư xây dựng cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban nhân dân và Liên đoàn lao động huyện giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020, trong đó có nhiều nội dung tập trung trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể, hàng năm, UBND huyện tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp nhân dịp đầu xuân, đối thoại với doanh nghiệp và người lao động để tìm ra các giải pháp tháo dỡ khó khăn cho doanh nghiệp để định hướng phát triển.

Ảnh: UBND huyện đối thoại với các doanh nghiệp

Bên cạnh đó, Huyện ủy chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để ủng hộ doanh nghiệp trong huyện, trong nước.

Đồng thời chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp với Ban Tổ chức Huyện ủy, Đảng ủy Khối doanh nghiệp huyện, Liên đoàn Lao động huyện thường xuyên làm tốt công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/02/2012 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”. Đến nay trên địa bàn huyện có 34 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, với 16 chủ doanh nghiệp là đảng viên (là một trong những huyện ở tốp đầu có số chủ doanh nghiệp là đảng viên); 16 tổ chức Đoàn thanh niên, 03 tổ chức Hội Phụ nữ và 92 tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

 

Kết quả xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân ở Thường Tín

Qua 10 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của doanh nhân, doanh nghiệp được nâng lên. Doanh nhân là một trong bốn lực lượng chủ yếu trong thời kỳ mới của cách mạng, đó là giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam. Doanh nghiệp, doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của huyện, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay.

Bằng nhiều hình thức, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động cho doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân thực hiện tốt việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo từng chủ đề hằng năm, gắn với các phong trào thi đua lao động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã đạt được kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực về phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm trong công việc của đội ngũ doanh nhân và người lao động, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng các doanh nghiệp.

Một trong những nội dung quan trọng nhằm xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân được Huyện ủy Thường Tín quan tâm chỉ đạo là việc tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân. Huyện ủy chỉ đạo việc công khai minh bạch các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2030, tạo điều kiện để cho doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận bình đẳng, đầu tư, thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh đúng theo định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính... kịp thời tháo gỡ các khó khăn, bức xúc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nêu cao trách nhiệm của cơ quan, cán bộ công chức, viên chức nhà nước với doanh nghiệp.

Ảnh: Khu công nghiệp Hà Bình Phương của huyện Thường Tín

Đối với huyện Thường Tín, việc hình thành 11 cụm công nghiệp là một trong những giải pháp của huyện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có được mặt bằng với cơ sở hạ tầng hoàn thiện để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh. Các cụm công nghiệp trên địa bàn hiện đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh các hạng mục: đường giao thông nội bộ, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước,... đã có 8/11 cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, 01 cụm công nghiệp đã được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đang triển khai các bước đầu tư xây dựng.

Trên địa bàn huyện Thường Tín hiện nay, phần lớn doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất kinh doanh là một vấn đề khó khăn cần hỗ trợ tháo gỡ. Huyện đã chỉ đạo các ngân hàng, các quỹ tín dụng trên địa bàn huyện tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nhân tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển, vay vốn ưu đãi của các chương trình, dự án, vốn tín dụng thương mại phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.

Khai trương điểm giao dịch giải quyết việc làm

 Huyện cũng đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khai trương Điểm giao dịch việc làm vệ tinh huyện. Điểm giao dịch việc làm vệ tinh huyện Thường Tín đi vào hoạt động, đã thực hiện công tác thu thập thông tin, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp như: Liên Phương, Quất động, Hà Hồi, Hà Bình Phương…Bên cạnh đó, Tổ chức thu thập, khảo sát thông tin nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh của 215 doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc làm, thay đổi việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động của 2.500 lao động trên địa bàn. Đã tổ chức 43 phiên giao dịch việc làm cho 145 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, với tổng số 1.424 nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, Huyện ủy Thường Tín rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mới được thành lập phát triển và hội nhập vào thị trường; khuyến khích doanh nhân đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế của huyện để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngoài 11 cụm công nghiệp đang hoạt động thì hiện nay trên địa bàn huyện Thường Tín đã được UBND thành phố phê duyệt thành lập mới 3 cụm công nghiệp gồm: CCN Thắng Lợi, diện tích 8,9ha; CCN Tiền Phong 2, diện tích 8,1ha; CCN Ninh Sở 2, diện tích 7,7ha. Đến nay cả 3 cụm công nghiệp đã được bổ sung vào Kế hoạch sử dụng đất của huyện giai đoạn 2020-2025, được Thành phố phê duyệt. UBND huyện đã ban hành các Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp tỷ lệ 1/500 đối với các cụm công nghiệp trên.

Một trong những việc huyện chỉ đạo sát là phát huy vai trò của các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Cụ thể là tạo điều kiện để thành lập các tổ chức như: Câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ, Hội doanh nhân Cựu Chiến binh…mà tiêu biểu là thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp huyện, với 34 tổ chức Đảng trực thuộc, với 236 đảng viên; Hội Doanh nghiệp huyện có 72 thành viên, với hơn 1.000 lao động…

Có thể thấy rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” ở huyện Thường Tín đã được triển khai thực hiện nghiêm túc từ huyện đến cơ sở; nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vai trò, vị trí của doanh nhân được nâng lên. Các cấp ủy, chính quyền đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và tuyên truyền giáo dục cán bộ, công chức thực hiện tốt cải cách hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hành Việt Nam” trên địa bàn huyện. Đội ngũ doanh nhân từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, uy tín, thương hiệu sản phẩm được nâng cao. Qua đó, doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, góp phần hoàn thành nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh chính trị xây dựng huyện Thường Tín ngày càng giàu mạnh.

Ảnh: Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh thường xuyên chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) tại các hội nghị của huyện

Phát huy những kết quả đạt được, trong những năm tới, huyện Thường Tín tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Chương trình số 30-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và Chương trình hành động số 25/CTr/HU của Huyện ủy nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về doanh nhân; phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng của huyện.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phối hợp với các cấp, các ngành phát huy vai trò tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn huyện, là đầu mối để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi và học tập kinh nghiệm và hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi và bình đẳng; xây dựng đội ngũ doanh nhân huyện lớn mạnh, không ngừng phát triển và phát triển bền vững. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp phát triển các ngành nghề mũi nhọn; tăng sức cạnh tranh, liên kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau phát triển.

Đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, có giác ngộ chính trị và văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp. Quan tâm, tạo chuyển biến trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân trên địa bàn huyện có tầm nhìn sâu, đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý, điều hành doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác vận động, thuyết phục doanh nhân, doanh nghiệp và công nhân lao động tích cực, hưởng ứng thành lập tổ chức Đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đồng thời, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động và vai trò của các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp…để hướng tới một mục tiêu chung là xây dựng huyện Thường Tín ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.

Xuân Tiến