TIN TỨC - SỰ KIỆN NỔI BẬT
Cứ mỗi độ xuân về, khắp các làng xã ở huyện Thường tín lại tưng bừng tổ chức các lễ hội truyền thống thể hiện nét văn hóa độc đáo từ xa xưa của cha ông ta, góp phần bảo tồn và phát huy một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đến với huyện Thường Tín dịp đầu xuân, du khách không chỉ được chiêm bái các di tích lịch sử văn hóa mà còn được đắm mình trong những lễ hội đặc sắc, trải nghiệm các trò chơi dân gian, những câu hát, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa quê hương.

Điểm thu hút đông đảo khách thập phương du xuân ngay từ những ngày đầu năm là danh thắng Chùa Mui, xã Tô Hiệu. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Đình- Chùa Mui là công trình cổ kính, quý hiếm, lưu giữ nhiều di sản văn hóa nghệ thuật. Được xây dựng từ thời nhà Lý có quy mô khép kín, quang cảnh đẹp, diện tích rộng, thoáng mát, đường đi vào thuận tiện, đã được Bộ Văn hóa- Thông Tin thể thao và du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia. Chùa Mui tên tự là “Hưng Thánh Quán”, dân gian thường gọi là Chùa Mui, chùa thờ Đạo Lão và Đạo Phật. Chùa là một công trình kiến trúc điêu khắc tôn giáo nghệ thuật thời Lê Trung Hưng, còn lưu giữ được nhiều nét đặc trưng như: Ngói mũi hài, kìm đầu lóc, bệ đất nung, lò luyện đan…

Đến với quần thể chùa Mui, du khách không chỉ được chiêm bái Phật, cầu sức khỏe, bình an mà còn được mãn nhãn với phong cảnh đặc sắc nơi đây. Đặc biệt, tại đây còn có một cây bồ đề cổ thụ với bộ rễ lớn bao trùm lên đền thờ bà cụ Hậu, tạo nên cảnh quan độc đáo. Lễ hội Chùa Mui được tổ chức vào ngày mồng 7 tháng giêng âm lịch hàng năm với các hoạt động phong phú như diễn xướng dân gian, văn nghệ, thể thao; các trò chơi dân gian, hiện đại như hát quan họ, cờ người, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương về dự lễ hội.
Cách chùa Mui không xa là ngôi chùa Đậu thuộc địa phận thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi. Chùa Đậu được coi là một trong những ngôi chùa nổi tiếng từng được mệnh danh là "Đệ nhất danh lam" dưới thời vua Lê Thần Tông, thế kỷ 17. Chùa Đậu còn có những tên gọi khác là: Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự, chùa Vua, chùa Bà. Trong chùa còn lưu nhiều di vật và đồ thờ cổ có giá trị như đôi rồng đá, khánh, chuông...

Ðặc biệt, trong chùa có hai pho tượng là nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã trụ trì chùa vào khoảng thế kỷ 17. Tại đây còn giữ được cuốn sách quý bằng đồng có từ thời Sĩ Nhiếp, đầu thế kỷ thứ 3 (200 - 210). Lễ hội chùa Đậu diễn ra vào ngày mùng 8 đến mùng 9 tháng Giêng theo lịch âm. Hàng năm, vào những ngày này, chùa Đậu đón hàng ngàn lượng khách tham quan và Phật tử gần xa đến với lễ hội.

Ngoài những những ngôi đền, chùa nổi tiếng đó, đến với các vùng quê của Thường Tín, du khách còn được tham dự và chứng kiến nhiều lễ hội đậm chất văn hóa vùng miền như: Lễ hội truyền thống đình làng Bộ Đầu, xã Thống Nhất; Lễ hội truyền thống Chử đồng Tử - Tiên Dung, xã Tự Nhiên,… Xen kẽ trong các lễ hội đó là những tiết mục văn nghệ, những trò chơi truyền thống như: thi nấu cơm, kéo co, bắt vịt…

Đến với các lễ hội truyền thống chúng ta như được đắm mình trong dòng nước mát đầu nguồn, tận hưởng những giây phút thiêng liêng. Mỗi một lễ hội ở Thường Tín đều mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng với bao huyền thoại, truyền thuyết và trò chơi dân gian độc đáo. Với 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 123 di tích đã được xếp hạng (61 di tích cấp quốc gia, 62 di tích cấp thành phố) và 30 lễ hội với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau, có thể nói, Thường Tín là điểm đến hấp dẫn, lý tưởng để khách thập phương khám phá và hoà nhịp với muôn vàn sắc xuân.
Hoài Thu
TIN TỨC - SỰ KIỆN
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
- Phòng chống cháy nổ, tội phạm
- Phòng Chống tham nhũng
- Kỷ niệm 190 năm Huyện Thường Tín
- Hướng tới Đại hội đảng toàn quốc
- Công khai ngân sách
- Quy hoạch, xây dựng đô thị
- 70 năm đảng bộ thường tín
- Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
- Đầu tư công
- Thông tin tuyển dụng
- An toàn thực phẩm
- Người tốt việc tốt