TIN TỨC - SỰ KIỆN NỔI BẬT
Trải qua 70 năm (1947 -2017) dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, Thường Tín hôm nay đã mang trên mình một diện mạo mới. Từ một huyện nông nghiệp, xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay Thường Tín đã trở thành huyện ngoại thành của thủ đô Hà Nội có nền kinh tế phát triển khá, từng bước tiến lên hiện đại, văn minh, giàu mạnh.
+ Giai đoạn 1947 - 1975: Xây dựng và phát triển nền kinh tế gắn với các nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ.
+ Giai đoạn 1976 - 1986: Khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, thực hiện các chỉ tiêu trong các kế hoạch nhà nước 05 năm.
+ Giai đoạn 1986 đến nay: Đẩy mạnh phát triển nền kinh tế của huyện trong công cuộc đổi mới, từng bước đưa huyện lên hiện đại, văn minh, giàu mạnh.
Giai đoạn 1947 - 1975 là một giai đoạn vĩ đại của lịch sử dân tộc, chúng ta đã đánh thắng hai đế quốc thực dân (thực dân Pháp và đề quốc Mỹ) để bảo vệ nền độc lập dân tộc, thu non sông về một mối. Thời kỳ 1947 -1954, trong hoàn cảnh toàn huyện bị thực dân Pháp bao vây, chiếm đóng, Đảng bộ đã tổ chức 02 kỳ Đại hội (Đại hội lần thứ nhất năm 1947 và Đại hội lần thứ hai năm1949), nhiệm vụ trọng tâm được xác định là tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lĩnh vực kinh tế vì thế không chưa có điều kiện để tổ chức phát triển sản xuất. Thời kỳ 1954 - 1975, sau hiệp định Giơnevơ, cùng với toàn miền Bắc, nhân dân Thường Tín hân hoan mừng giải phóng và bắt tay vào nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo chủ nghĩa xã hội; vừa đẩy mạnh sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Đảng bộ huyện tiến hành 10 kỳ Đại hội (từ Đại hội III đến Đại hội XII), mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Toàn huyện dấy lên phong trào thi đua sản xuất sâu rộng ở khắp các cơ sở. Đến năm 1975, sản lượng lúa của huyện đạt 5,16 tấn/ha. Số lượng trâu bò, lợn, gia cầm đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm. Các công trình thủy lợi ngày càng hoàn thiện, các hợp tác xã được củng cố. Thủ công nghiệp duy trì phát triển, đi đầu là các nghề tre đan, thêu ren, sơn mài, khảm trai. Đồng thời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến miền Nam, là một trong những huyện dẫn đầu tỉnh góp sức người, sức của cùng nhân dân miền Nam chống Mỹ.
Vụ chiêm ở cánh đồng xã Tân Minh năm 1967
Phụ nữ Thường Tín đảm đang trong lao động sản xuất ở hậu phương (năm 1968)
Giai đoạn 1976 - 1985: Hòa bình được lập lại, đất nước thống nhất, cùng cả nước huyện Thường Tín bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực hiện 02 kế hoạch nhà nước 05 năm, nhân dân Thường Tín đã tích cực, chủ động trong lao động sản xuất đạt được bước tiến về kinh tế. Giai đoạn này, huyện triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 100 - CT/TW của Ban Bí thư về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động”. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của cả nước, kinh tế của huyện còn chậm phát triển, chưa khai thác hết được tiềm năng thế mạnh.
Kho lương thực Thường Tín thời bao cấp
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đón nhận luồng gió đổi mới, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Thường Tín bước vào thời kỳ mới. Đảng bộ đã tiến hành 10 kỳ Đại hội (từ Đại hội XIV đến Đại hội XXIII), chủ trương gắn kết chặt chẽ và đồng bộ các nhiệm vụ, lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.
Đến nay, qua hơn 30 năm đổi mới, mặc dù phải vượt qua muôn vàn khó khăn thách thức, huyện Thường Tín đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong tất cả các lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.
Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng công nghiệp- xây dựng đạt 54,5%, thương mại – dịch vụ đạt 34,5%, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn 11%. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh tế - xã hội được tăng cường.
Sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp phát triển khá. Hiện nay toàn huyện có 47 làng được công nhận là làng nghề, 10 cụm công nghiệp và gần 1000 doanh nghiệp; hàng nghìn hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm lãnh đạo, thực hiện sáng tạo. Tính đến năm 2016, toàn huyện đã có 15 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, phấn đấu trong năm 2017 có thêm 04 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn Nông thôn mới toàn huyện lên 19/28 xã, đạt 67,85%.
Cụm công nghiệp Hà Bình Phương
Đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đoạn đi qua Thường Tín
Quá trình phát triển kinh tế của huyện đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề về việc làm, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chính sách về bảo hiểm, chính sách ưu đãi người có công tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục. Tuy nhiên, kinh tế của huyện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Năm 2008, khi chính thức trở thành một huyện của Thủ đô Hà Nội, Thường Tín có nhiều điều kiện hơn để huy động các nguồn lực cho phát triển, tuy nhiên kinh tế của huyện vẫn tăng trưởng chưa cao, nhiều lĩnh vực chưa gỡ được nút thắt để phát triển. Vì vậy, trong những giai đoạn tiếp theo của công cuộc đổi mới, Thường Tín cần có những bước tiến đột phá, để kinh tế tiếp tục giữ vững và tăng trưởng cao, xứng tầm là huyện phía nam của Thủ đô Hà Nội.
Ngọc Lâm
TIN TỨC - SỰ KIỆN
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
- Phòng chống cháy nổ, tội phạm
- Phòng Chống tham nhũng
- Kỷ niệm 190 năm Huyện Thường Tín
- Hướng tới Đại hội đảng toàn quốc
- Công khai ngân sách
- Quy hoạch, xây dựng đô thị
- 70 năm đảng bộ thường tín
- Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
- Đầu tư công
- Thông tin tuyển dụng
- An toàn thực phẩm
- Người tốt việc tốt