TIN TỨC - SỰ KIỆN NỔI BẬT TIN TỨC - SỰ KIỆN NỔI BẬT

Chiến thắng 30/4: Vang mãi trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Ngày đăng 29/04/2023 | 00:00  | Lượt xem: 9

Cách đây 48 năm, vào lúc 11h30’ ngày 30/4/1975, lá cờ của Quân giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông Việt Nam thống nhất, trong góp trong chiến thắng ấy có một phần của quân và dân huyện Thường Tín.

 

Nhìn lại lịch sử dân tộc

Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chấm dứt 21 năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn. Để đi đến thắng lợi cuối cùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã phải đối phó lần lượt với các kế hoạch chiến lược của đế quốc Mỹ, chính quyền ngụy Sài Gòn và qua 5 giai đoạn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, tháng 4/1975)

Giai đoạn 1 - Từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960, ta tập trung đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ.

Giai đoạn 2 - Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965, ta giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

 Giai đoạn 3 - Từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968, Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc.

Giai đoạn 4 - Từ năm 1969 đến năm 1973, quân và dân ta phát huy sức mạnh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán.

Giai đoạn 5 - Từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975 là giai đoạn tạo thế và lực mới, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi ký Hiệp định Paris (27/1/1973), mặc dù phải rút quân về nước nhưng Mỹ tiếp tục nuôi âm mưu dùng chính quyền ngụy Sài Gòn làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Mỹ tăng cường viện trợ cho chính quyền ngụy Sài Gòn để lấn đất, giành dân, thực hiện các hoạt động ngoại giao xảo quyệt để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng miền Nam. Đến tháng 5/1973, xu thế chống phá Hiệp định Paris của địch ngày càng tăng. Quân đội Sài Gòn điên cuồng đánh phá hòng xóa bỏ vùng giải phóng của ta, đẩy lùi lực lượng cách mạng. Tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 đã khẳng định, cách mạng miền Nam muốn giành được thắng lợi vẫn là con đường bạo lực để giành chính quyền. Nửa cuối năm 1974, cuộc chiến tranh của quân và dân ta ở miền Nam chống lại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đã giành những thắng lợi cơ bản. Ta càng mạnh lên, ngụy càng suy yếu rõ rệt.

 Tháng 7/1974, Trung ương Đảng chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng trong năm 1975. Với những thắng lợi trên toàn miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng Phước Long cuối năm 1974 đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của chính quyền ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó có thể quay trở lại miền Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến và quyết định đẩy nhanh thực hiện kế hoạch đã đề ra. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 4/3/1975 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4/1975. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo, quân và dân ta đã toàn thắng, thu non sông về một mối.

Đóng góp của quân và dân huyện Thường Tín

Trong giai đoạn lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thường Tín tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong giai đoạn này, hằng năm Thường Tín đóng góp từ 4.700 đến 6.200 tấn lương thực, từ 400-500 tấn thực phẩm cho Nhà nước và thường xuyên vượt 200% kế hoạch trên giao. Thường Tín là một trong những huyện dẫn đầu tỉnh về đóng góp lương thực, thực phẩm cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, Thường Tín đã tiếp nhận 700 học sinh, 150 cơ quan, đơn vị, xí nghiệp về sơ tán. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, các lực lượng dân quân tự vệ Thường Tín phối hợp chặt chẽ với các đơn vị phòng không, góp phần bắn rơi 10 máy bay Mỹ, trong đó có 4 chiếc bị bắn tan xác trên bầu trời Thường Tín, bắt sống 2 giặc lái.

Thường Tín những năm tháng chống Mỹ cứu nước

Trong giai đoạn 1965-1975, toàn huyện Thường Tín đã tiễn 14.586 thanh niên nhập ngũ, 1.055 đi thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, trong đó, có 1.867 người con ưu tú của Thường Tín anh dũng hy sinh, 905 chiến sĩ gửi lại một phần xương máu nơi chiến trường, 489 bệnh binh và hàng trăm người bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Huyện Thường Tín có 252 bà mẹ được Đảng và Nhà nước  phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” ; lực lượng vũ trang Nhân dân huyện Thường Tín được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Đảng bộ huyện và hơn 1.230 đơn vị, gia đình, cá nhân được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương và phần thưởng cao quý.

Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc; đánh dấu bước ngoặt quyết định, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ những thành quả vĩ đại của cách mạng, của chiến thắng 30/4, hôm nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức thi đua phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, ổn định an ninh, xây dựng đời sống mới văn minh, thịnh vượng, từng bước nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước(30/4/1975-30/4/2023) là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Đồng thời phát huy tinh thần và hào khí của Đại thắng mùa Xuân 1975 để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, phấn đấu xây dựng đất nước ta Việt Nam nói chung, huyện Thường Tín nói riêng ngày càng phồn vinh, cường thịnh.

Xuân Tiến