danh lam - thắng cảnh
Chùa Văn Hội được xây dựng về phía Tây của thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Chùa có tên chữ là “Hội Phúc tự”.
Vào đầu thời Lê, hai làng Văn Hội và Văn Giáp vốn là một làng có chung chùa Hai Bà – thờ thánh Pháp Vân và Pháp Lôi. Năm 1947, do tiêu khổ kháng chiến, chùa Pháp Lôi bị phá. Nhân dân Văn Hội đã rước tượng Pháp Lôi về thờ tại chùa làng Văn Hội – một ngôi chùa sau khi lập lại làng mới xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Do vậy, chùa Văn Hội là một ngôi chùa làng được xây dựng để thờ Phật theo phái Đại thừa. Cách đây nửa thế kỷ có thêm pho tượng cổ Pháp Lôi. Tượng được tạc bằng gỗ dâu theo sách đồng “Nam thiên nhị pháp sự tích chân kinh phụng lục”., tượng cao 1,05m, ngồi trên ngai, mắt nhìn thẳng. Tay được tạc theo thế Thí vô úy ấn. Theo phật học, đó là sự mang đến bình yên cho chúng sinh, xua tan sự hoài nghi và cứu độ con người. Chùa còn giữ được 14 đạo sắc phong của các triều đại thời Lê, thời Nguyễn ban cho việc thờ phụng Pháp Lôi.
Chùa Văn Hội có các lớp tượng được bài trí như sau: trên cùng thượng điện là tượng Phật Tam thế. Cả ba pho đều được tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng, ngồi trên tòa sen. Lớp thứ hai là tượng A Di Đà và tượng Quan Âm, bên phải là tượng Đại thế Chí. Cả ba pho cũng đều được tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Lớp thứ ba là tượng Thích Ca sơ sinh. Lớp thứ tư là Quan âm Thiên Thủ Thiên Nhỡn. Pho tượng này được cổ nhân tạc rất công phu, bằng gỗ, sơn son thếp vàng, cao 0,98m gồm 14 cánh tay, rất cân đối, thon thả. Và cuối cùng ở Thượng Điện là Pháp Lôi, được rước về năm 1947 như đã nói ở phần trên.
Theo tấm bia hậu tạc năm Đồng Khánh thứ ba (1888) thì chùa Văn Hội được dân làng và ông Trần Liêu – Tả Tham Tri Bộ Hộ thời Nguyễn đứng ra trùng tu. Chùa làng do vậy, về dáng dấp kiến trúc mang thời Nguyễn muộn với kiểu chữ đinh gồm tòa Bái đường và Thượng điện. Ngoài ra chùa còn có nhà Tổ, nhà khách, nhà ở của tăng ni... được tọa lạc trên khu đất rộng rãi, có cây cổ thụ và vườn cây lưu niên.
Tòa Bái đường gồm 5 gian, đầu hồi bít đốc nhưng cổ nhân đã xây dựng ở hai đầu đốc hai cột đồng trụ được đắp vẽ rồng, đèn lồng kiểu như ở các đình làng. Các vì kèo cấu trúc kiểu giá chiêng, bốn hàng chân gỗ. Ở các câu đầu, xã thượng... nghệ nhân xưa kia chạm nổi lá lật, lá ngô đồng rất uyển chuyển. Thượng điện chùa Văn Hội kiến trúc thiên về bền chắc, kiến trúc này cũng được làm bằng gỗ tứ thiết, trên mái lợp ngói ri cổ.
So với các chùa khác trong vùng, chùa Văn Hội do điều kiện khách quan của lịch sử, nửa thế kỷ qua, chùa có thêm pho tượng quý là tượng Pháp Lôi. Ngày 1/4 âm lịch hàng năm, làng tổ chức hội chùa. Những năm phong đăng hòa cốc có lễ rước kiệu, đông vui náo nức cả vùng.
Xã Văn Bình