danh lam - thắng cảnh

Làng Trát Cầu gìn giữ và phát huy làng nghề truyền thống trở thành “thủ phủ” chăn ga gối đệm lớn nhất cả nước
Ngày đăng 18/09/2023 | 18:17  | View count: 1269

Làng Trát Cầu, xã Tiền Phong nằm ở phía Tây huyện Thường Tín, Hà Nội. Làng Trát Cầu là một trong những làng nghề có truyền thống hàng trăm năm và được xem là “thủ phủ” chăn ga gối đêm lớn nhất cả nước. Nhờ chủ động, nhạy bén chuyển hướng, bắt nhịp với xu thế của thị trường trong thời kỳ hội nhập, làng nghề Trát Cầu ngày càng phát triển. Qua đó, đem lại thu nhập cao cho người dân; góp phần bảo tồn gìn giữ giá trị của làng nghề truyền thống; đồng thời, góp phần xây dựng xã Tiền Phong ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp.

Giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống

Theo ghi chép lại của các dòng họ ở địa phương, làng Trát Cầu hình thành cách đây hàng nghìn năm. Cũng như bao làng quê nằm gần Kinh Thành Thăng Long xưa đều có nghề truyền thống đặc trưng, làng Trát Cầu cũng có nghề truyền thống bật bông, se sợi, dệt chăn. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại:“Người làng Trát Cầu kiếm sống bằng nghề bật bông với cây sa cán và dây cung ; trước đây mỗi nhóm 2 người đi khắp Bắc-Trung-Nam, ai thuê là làm ngay tại nhà”.

 Đến những năm 1990, nhu cầu tiêu dùng của thị trường lớn, lại nắm bắt đúng thị trường, những sản phẩm của người Trát Cầu cũng ngày một đa dạng. Ngoài chăn, gối là những sản phẩm truyền thống làng còn phát triển làm ga, đệm bông... Hầu hết các tỉnh đều có cơ sở sản xuất các mặt hàng bông của Trát Cầu.

Năm 2000, đánh dấu sự phát triển rực rỡ nhất của làng nghề bởi người làm nghề ở Trát Cầu đã hòa nhịp vào với cơ chế thị trường, theo kịp nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài chăn, gối là những sản phẩm truyền thống, người làng Trát Cầu còn phát triển sản xuất ga, đệm bông. Hiện nay, làng Trát Cầu có gần 1.200 máy cán bông và cào bông. Đặc biệt, từ năm 2002, sau khi được công nhận làng nghề, các hộ sản xuất đã tập trung đầu tư công nghệ thiết kế mẫu trên máy vi tính. Với 1/3 số hộ làm nghề đã có máy vi tính để giao dịch và tiếp thị, giới thiệu sản phẩm; 70 hộ thiết kế mẫu mã trực tiếp trên máy, 3 hộ có máy tự dệt vải và in, phun, thêu trên vải. Qua đó sản phẩm của làng nghề Trát Cầu đã có những nét riêng biệt về hoa văn và độ tinh xảo của kỹ thuật hiện đại.

Làng Trát Cầu phát triển mạnh sản phẩm làng nghề

Trát Cầu hiện có hơn 1.200 hộ dân thì nhà nào cũng đầu tư làm nghề. Phát  huy vốn nghề cổ của các cụ để lại, hầu hết các gia đình người dân làng nghề Trát Cầu đều làm ăn khấm khá. Không những thế, làng nghề còn giúp những người dân địa phương và khu vực lân cận khác phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Các sản phẩm của làng nghề Trát Cầu đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Việc đầu tư trang thiết bị hiện đại không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm mà sức lao động của người làm nghề cũng được giải phóng. Trước đây 2 thợ bông làm được 1-2 chăn/ngày thì hiện nay với 4 thợ/1 dàn máy làm được 90-100 chăn bông/ngày, chất lượng chăn cũng được nâng lên.

Với sự nhạy bén chuyển hướng, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số vào thiết bị, máy móc sản xuất…, các sản phẩm chăn, ga, gối, đệm của làng nghề Trát Cầu không chỉ phù hợp với thị trường đa dạng trong nước mà còn đáp ứng đươc thị hiếu của khách hàng ngoài nước. Đó là động lực để những người dân làng nghề Trát Cầu yêu nghề, giữ nghề và phát triển nghề truyền thống tại địa phương.

 

Bắt kịp xu thế, đón nhận nhiều cơ hội phát triển

Mặc dù, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhưng người dân trong làng vẫn lưu giữ được những kỹ thuật làm chăn gối đặc thù và tinh tế. Đồng thời, những kỹ thuật đó còn được kết hợp với những thiết bị máy móc hiện đại để tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ cho làng nghề  truyền thống, làm nên những sản phảm mới cho làng quê Trát Cầu. Trước xu thế hội nhập, làng nghề Trát Cầu đã bắt kịp thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng để đón nhận những cơ hội phát triển.

Một số sản phẩm của làng nghề Trát Cầu

 Các sản phẩm chăn, ga, gối, đệm của làng nghề Trát Cầu hiện nay với mẫu mã đa dạng, chất lượng sản phẩm tốt, giá cả phải chăng đã và đang được tiêu thu mạnh, đủ sức cạnh tranh với nhiều sản phẩm cao cấp của các hãng chăn, ga, gối, đệm nổi tiếng và các công ty xuất khẩu trên thị trường hiện  nay.

Ông Nguyễn Trọng Hùng, chủ cơ sở sản xuất Hùng Nhung cho biết: “Với sự phát triển hiện nay, làng nghề chúng tôi vẫn đang cố gắng nắm bắt thị trường và tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất để khi đến tay những người tiêu dùng họ sẽ nhớ ngay đến làng nghề chăn-ga-gối-đệm truyền thống Trát Cầu , cùng với sự ngày một phát triển của làng nghề chúng tôi.”

Không những thế, với sự nhanh nhẹn nắm bắt xu hướng thị trường và thấu hiểu người tiêu dùng, làng nghề Trát Cầu đã “lấn sân” nhập khẩu các sản phẩm chăn, ga, gối, đệm với nhiều kiểu dáng, mẫu mã đẹp mắt phù hợp với thị trường. Vì vậy, đã nhanh chóng thu hút nhiều khách hàng mua sỉ, lẻ trên cả nước và các địa phương lân cận, tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ của làng nghề, đưa cuộc sống người dân làng nghề ngày một nâng cao, Trát Cầu ngày càng phát triển, khởi sắc.

Khu trung tâm thương mại của xã Tiền Phong

Theo thống kê, làng nghề Trát Cầu có khoảng 50 doanh nghiệp với quy mô từ 20 lao động trở lên và hàng tăm cơ sở sản xuất của hộ gia đình làm nghề, kinh doanh chăn, ga, gối, đệm. Đấy là chưa kể do quỹ đất của Trát Cầu không còn nhiều, một số doanh nghiệp thành lập phải đi “ở nhờ” trên đất của làng khác, xã khác. Được biết thu nhập hiện tại của các cơ sở kinh doanh chăn ga gối đệm tại ít nhất khoảng từ 100-150 triệu đồng/năm. Nếu cơ sở doanh nghiệp có quy mô lớn có thể thu nhập vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Làng nghề Trát Cầu đang ngày một phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn.

Có thể thấy rằng, đến nay, làng nghề Trát Cầu đã trở thành một trong những làng nghề cung cấp các sản phẩm chăn, ga, gối, đệm lớn nhất trong cả nước; đem lại thu nhập cao cho người dân; góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị làng nghề truyền thống mà ông cha ngày xưa để lại; đồng thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thanh Chúc