Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống

Khám phá cuốn sách đồng – một cổ vật còn lưu trữ tại Đình Vũ, thôn Văn Giáp, xã Văn Bình

Đình Vũ tọa lạc tại thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Ngôi đình kể từ khi khởi dựng đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn phong cách kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XIX. Bên cạnh đó, tại đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật như: thần tích, hệ thống hoành phi câu đối, bát hương, ngai thờ, bài vị, hương án, mũ áo, đồ tế khí…đó là những cổ vật có giá trị, đặc sắc, tiêu biểu cho một vùng đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử.

Căn cứ vào hệ thống thờ tự và nguồn tư liệu Hán Nôm hiện đang lưu giữ tại di tích như: thần tích, câu đối, hoành phi…Đặc biệt là cuốn sách đồng có niên đại “Dương Hòa nhị niên (1637)”, cùng truyền thuyết dân gian tại địa phương thì đình Vũ phụng thờ hai vị Thành hoàng làng là Minh Lang đại vương và Lê Phụng Hiểu.  Ngôi đình có kiến trúc cổ kính kết hợp với những mảng đục chạm chi tiết tinh xảo. Đình Vũ được kết cấu hình chữ “Đinh”, phía ngoài cùng có cổng (hai cột đồng trụ), đến sân đình, tiếp đó đến đại bái (5 gian), trung cung và hậu cung.

Toàn cảnh đình Vũ, thôn Văn Giáp, xã Văn Bình

Theo như cuốn sách đồng còn lưu giữ tại đình Vũ ghi lại việc phụng thờ 2 vị thành hoàng của địa phương. Cuốn sách gồm 03 trang, ngoài bìa được chạm khắc hình rồng và phượng ở mặt trước và sau tinh tế tỉ mỉ, đường nét sắc xảo, chung quanh được chạm hình triện rút.

Trang bìa ngoài của cuốn sách mặt trước và mặt sau (từ trái qua phải) 

Phía sau trang đầu tiên của cuốn sách 

Phiên âm hán việt: “Minh Lang đại vương nhân ký kỳ sự dĩ vĩnh vu truyền.

Phần giữa cuốn sách có ghi:  “Dương Hòa nhị niên chính nguyệt thập ngũ nhật”.

Dịch nghĩa:

“Ghi chép việc phụng thờ Minh Lang đại vương truyền lại đời sau”

“Ngày 15 tháng giêng năm Dương Hòa thứ 2 (1637)”.

Trang giữa của sách có 2 mặt, xưa cũng được nghệ nhân chạm họa tiết hình rồng cuộn tản vân và hình phượng, tất cả được người thợ tài tình thời xưa chạm khắc tinh tế, mềm mại và tỉ mỉ.

Trang thứ 3 của cuốn sách đồng 

Phiên âm hán việt:

Thường Tín phủ, Thượng Phúc huyện, Thượng Hồng tổng, Văn Giáp xã, Vũ thôn.

Phụng sự Minh Lang đại vương thực lục. Tích Lý Thái Tổ thời, Hồng Châu nhân, tính Minh húy Lang, tòng chinh Chiêm Thành hữu công phong vi Ma Sử Bố Chánh Sứ, chính trị đa năng, Man nhân tín phục, một hậu linh ứng, phong vi Bảo quốc.

Dịch nghĩa:

Thôn Vũ, xã Văn Giáp, tổng Thượng Hồng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín.

Ghi chép về việc phụng thờ Minh Lang đại vương. Thưở xưa thời Lý Thái Tổ, họ là Minh tên là Lang người Hồng Châu, tòng chinh đi đánh Chiêm Thành có công lao to lớn nên được phong là Ma Sử Bố Chánh Sứ, chính trị có nhiều tài năng, hàn phục được người Man, về sau linh ứng rõ ràng, phong là Bảo quốc (bảo vệ cho nước, che chở cho dân).

Đình Vũ, thôn Văn Giáp là công trình kiến trúc cổ có giá trị lịch sử - văn hóa. Qua thời gian và chiến tranh tàn phá các hạng mục công trình bằng gỗ lim được xây dựng trước đây và đã được nhân dân địa phương trùng tu hiện được bảo quản tương đối nguyên vẹn. Bên cạnh đó tại di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị thể hiện sự trân trọng và quyết tâm bảo tồn những di sản văn hóa quý báu mà cha ông xưa để lại. Từ những giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, Chính quyền nhân dân thôn Văn Giáp, Ủy ban nhân dân xã Văn Bình, Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín tiến hành các thủ tục đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội xếp hạng di tích đình Vũ là di tích Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.