Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống

Đình Quang Hiền, xã Hiền Giang - Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

Theo lời kể của các cụ cao niên, đình Quang Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội được khởi dựng từ thời Lê. Song, hiện không có tư liệu đích xác về thời điểm ban dầu khi ngôi đình xuất hiện. Tuy nhiên, căn cứ vào một số hiện vật có niên đại thời Lê trung hưng như sắc phong, bản sớm nhất còn lại tại đền hiện nay có niên đại Cảnh Hưng 44, tức năm 1783, cuối thế kỷ 18. Như vậy, ít nhất có thể khẳng định chắc chắn ngôi đình này đã có mặt tại đây vào thế kỷ 18.

Đình Quang Hiền phụng thờ Tiến sĩ Đỗ Nhuận làm thành hoàng và Lỗ Ban công là vị tổ nghề làm mộc. Tiến sĩ Đỗ Nhuận sinh thời được vua Lê Thánh Tông tin tưởng, trọng dụng… bằng tài năng, ông cùng với Thân Nhân Trung là phó soái trong hội Tao Đàn nhị thập bát tú, sau khi ông mất được ban sắc, phong thần và được nhiều địa phương phụng thờ thành hoàng làng… Đình Quang Hiền tọa lạc ở cuối làng, nhìn theo hướng Đông ghé Nam, toàn bộ khuôn viên ngôi đình đã được xây tường bao quanh. Theo lời kể của các cụ cao niên và nhân dân địa phương, trước đây di tích có đầy đủ các hạng mục của một ngôi đình cổ như: Nghi môn, Đại bái, Phương đình, Hậu cung, giếng, ao, sân vườn, toàn bộ nhìn theo hướng Bắc gió Đông (nhìn về thôn Hưng Hiền). Song, trải qua thời gian, toàn bộ các hạng mục công trình đình cũ đã xuống cấp nặng, đến năm 1985, do di tích xuống cấp quá nặng, nhân dân địa phương đã phải tháo dỡ toàn bộ các hạng mục và phục dựng lại phần Hậu cung theo hướng Đông Nam (khác hướng cũ của đình). Toàn bộ phần nền móng cũ của ngôi đình cũ hiện vẫn còn dưới lòng đất. Đình cũ vốn nhìn ra một gò đất cao phía trước, phía sông Tô Lịch, xung quanh là cánh đồng lúa mênh mang.

Nghi môn đình Quang Hiền hiện nay gồm hai trụ biểu lớn và hai trụ biểu nhỏ. Hai trụ lớn tạo thành một lối đi lớn chính giữa. Từ trụ lớn sang các trụ nhỏ là tường lửng. Trụ biểu lớn được tạo tác khá công phu với đình trụ là tứ phượng chầu. Đây là biểu tượng thường thấy tại nghi môn các ngôi đình thờ thành hoàng. Phượng là linh vật được biểu hiện cho tầng trên. Phượng thường có mỏ vẹt, thân chim, cổ rắn, đuôi công, móng chim cứng đứng trên hồ sen. Với ý nghĩa đầu đội công lý, mắt là mặt trời, mặt trăng, lưng cõng bầu trời, lông là cây cỏ, cánh là gió, đuôi là tinh tú, chân là đất, vì thế phượng tượng trưng cho cả vũ trụ. Khi phượng ngậm lá đề hoặc ngậm cành hoa đứng trên đài sen, nó biểu hiện là con chim của đất Phật. Tức là có khả năng giảng về đạo pháp, làm nhiệm vụ giống như các nữ thần chim: nhảy múa, hát ca chào mừng Phật pháp.

Dưới đỉnh trụ là ô lồng đèn, để trống không trang trí, thân trụ soi gờ kẻ chỉ, đắp nổi các đôi câu đối chữ Hán ca ngợi thành hoàng và cảnh quan di tích.

“Dương dương tại thượng… hiển truyền di tích
Trạc trạc quyết linh vạn thế hữu hào quang

Dịch nghĩa:

Mênh mông cao vời… rạng truyền di tích
Sáng rỡ, rất mực linh thiêng, muôn thuở ánh hào quang

Đại bái là công trình mới được chính quyền và nhân dân địa phương phục dựng năm 2000, mô phỏng một phần tòa Đại bái của đình cũ với 5 gian. Nhìn bên ngoài, đại bái đình Quang Hiền có dạng một tầng hai mái chảy lợp ngói ri. Chính giữa bờ nóc đắp nổi hình tượng lưỡng long chầu nguyệt. Đây là hình tượng thường thấy trong nhiều di tích đình làng Bắc bộ. Hai đầu bờ nóc đắp hai đấu đinh, cuối bờ dải xây giật nhị cấp. Từ hai đầu tường hồi nối về phía trước là hai trụ biểu, tạo cho kết cấu bên ngoài tòa Đại bái có dạng tay ngai trụ biểu. Các trụ biểu này có kết cấu đơn giản, mô phỏng kiếu thức trụ biểu cũ, song không có chi tiết trang trí cầu kỳ. Vào bên trong, tương ứng với 5 gian là 6 bộ vì trên 2 hàng chân cột, nền lát gạch bát. Bộ vì gian chính giữa kết cấu theo kiều “thượng giá chiêng, chồng rường hạ ván mê”. Câu đầu ăn mộng vào thân cột cái, trên lưng câu đầu là hai trụ trốn được kê đấu vuông thót đáy. Chính giữa đại bái với 1 hương án gỗ, bên trên bày nhiều đồ thờ tự như bát hương, chân đèn, đài nước, bình gỗ, chân đèn, đài nước, bình hoa… phía trên hương án treo bức hoàng phi “Thánh cung vạn tuế”, hai cột bên dưới treo đôi câu đối chữ Nôm phiên âm.

Ba trăm năm trước tranh cờ thục
Một nếp điện nay vẫn lửa hương

Gian bên tả là nơi đặt kiệu, chiêng và cây hương đá niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (1715). Gian bên hữu bài trí bát bửu, biển gỗ về gốc gác của Lỗ Ban công và một số dụng cụ khác phục vụ trong dịp lễ hội.

Hậu cung đình Quang Hiền được phục dựmg năm 1985 sau khi đình cũ xuống cấp phải tháo dỡ. Hạng mục này được phục dựng với 3 gian nhà ngang về sau được nối liền với Đại bái 5 gian phục dựng năm 2000 tạo cho toàn bộ ngôi đình có kết cấu dạng chữ Đinh. Hệ mái ngoài của Hậu cung được lợp bằng ngói ri, hai đầu bỡ nóc đắp hai đấu đinh, vào bên trong, tương ứng với 3 gian là 4 bộ vì trên 2 hàng chân cột, toàn bộ cột và khung vì ở đây được tận dụng từ khung đình cũ. Bộ vì gian giữa được làm theo 2 kiểu thức một bên là “Thượng ván mê, hạ kẻ ngồi”, mỗi bên là “Thượng chồng rường, giá chiêng, hạ kẻ ngồi”. Gian chính giữa của hậu cung là ban thờ Thành hoàng làng Tiến sĩ Đỗ Nhuận với long ngai, bài vị, mũ, hia thánh, hạc thờ, quán tẩy, cây trầm hương, bộ lục sự, hoành phi, câu đối… tất cả được bài trí trang nghiêm. Gian bên hữu là ban thờ đức Lỗ Ban với tượng, ngai thờ, bài vị, bát hương thổ Hà, hoàng phi, đài nước. Gian ban hữu là ban thờ Bác Hồ, cũng với nhiều đồ thờ tự trang nghiêm, tạo hình đẹp như bát hương, hoành phi…

Hiện nay, Đình Quang Hiền là một trong những di tích lưu giữ được khối lượng di vật khá lớn, trong số đó, có những di vật tiêu biểu như cây hương đá, sắc phong, bát hương, tượng, mũ hia thánh, giá gươm, giá kiếm… Có giá trị nhất phải kể đến là cây hương đá (Vĩnh Thịnh 11-1715); hệ thống sắc phong, biển gỗ với một số sắc phong thời Lê, sớm nhất là bản sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783)… Thông qua đó, có thể khẳng đinh được về thời gian xuất hiện của ngôi đình và việc thờ cúng vị thần được thờ tại đây đã có từ lâu… Tất cả đều mang những thông điệp góp phần quan trọng tạo nên giá trị nổi bật cho ngôi đình.

Lễ hội truyền thống đình Quang Hiền được diễn ra từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 4 tháng Ba âm lịch, tại đây là nơi diễn ra lễ hội truyền thống của địa phương trong các ngày sóc, vọng, các ngày lễ tiết dân làng thành tâm dâng lên đức thánh thành hoàng lễ chay, mặn tùy tâm. Mỗi khi trong gia đình có công việc, các gia đình cũng có lễ trình với thành hoàng cầu mong sự phù trợ. Lễ hội được tổ chức là để tưởng nhớ công lao của Thành hoàng làng đã che chở cho nhân dân no ấm, bình yên. Hàng năm, nhân dân mở hội thường niên vào dịp giữa xuân, từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 4 tháng Ba âm lịch. Lễ hội được chuẩn bị trước đó rất lâu. Thời xưa do hội đồng hương chánh chủ trì, phân công cho Lý trường chỉ đạo chung. Các ông phó lý, chánh hội, phó hội, thơ ký, hương trưởng được giao phụ trách tìm phần việc, đồng thời, tổ chức quyên góp tiền của trong nhân dân. Nhân dân cày cấy ruộng tư điền sau đó đóng góp gạo nấu xôi cúng tế. Ngày nay lễ hội do Ban chấp hành chi hội người cao tuổi chủ trì, phân công các công việc cho các thành viên trong ban tổ chức, các ban ngành khác tham gia gồm có hội Phụ nữ, đoàn thanh niên… vào dịp lễ hội chính có các tuần tế Mộc dục, Tế tuần đệ nhất, Tế tuần đệ nhị, Tế tuần đệ tam…

Như vậy, có thể thấy, với những giá trị về điêu khắc, kiến trúc truyền thống qua kết cấu không gian tổng thể một kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, những thành tựu tiếp thu từ truyền thống của mỹ thuật dân tộc qua tạo tác tượng thờ, đồ thờ tự. So với các di tích trong xã và vùng lân cận, đình Quang Hiền còn lưu giữ được nhiều di vật quý với những tạo tác nghệ thuật đẹp mắt… với những giá trị đó, năm 2012, Đình Quang Hiền được UBND thành phố xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

Phòng VHTT