Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống

LÀNG TIỆN NHỊ KHÊ

Làng tiện Nhị Khê thuộc xã Nhị khê, xưa có tên nôm là Dũi, do có nghề tiện cổ truyền nên gọi là "Dũi Tiện". Sau này, nghề tiện Nhị Khê phát triển ra nhiều địa phương khác.

Nghề tiện gỗ xuất hiện ở Nhị Khê khoảng hơn 300 năm. Ở đây, hầu như cả làng ai cũng biết làm nghề tiện, ai cũng tự hào và thuộc lòng câu ca dao "Dũi tiện có cây bồ đề, Có sông Tô Lịch, có nghề tiện mâm"

Người dân Nhị Khê rất trân trọng tôn thờ ông tổ nghề tiện. Nhà thờ ông tổ nghề tiện ở Nhị Khê còn lưu giữ các bức đại tự, các bức hoành phi sơn son thếp vàng với nội dung giáo dục sâu sắc, như bức hoành phi với ba chữ Hán "Viên nhi thần" (ông thần dùng bàn xoay để tiện), bức hoành phi với ba chữ "Hữu Khai tiên" (có công mở mang nghề nghiệp) và bức hoành lớn với bốn đại tự "Viên cơ thiết pháp" (phép tiện của máy tròn).

Bằng sự sáng tạo và bí quyết cổ truyền, những thợ tiện Nhị Khê có thể sản xuất hơn 200 loại mặt hàng khác nhau. Từ những mặt hàng truyền thống như mâm gỗ, ống hương, ấm ủ nước, thoi dệt, lõi chỉ, chân bàn ghế, chấn song cửa ... đến những chiếc chiếu gỗ, đệm ghế ô tô, mành cửa, chuỗi hạt trang trí ... được tiện từ gỗ, rất tinh xảo. Đúng như câu ca được truyền tụng "Nhị Khê thợ tiện làm nên đủ đồ"

Về công cụ sản xuất, chiếc máy tiện trước đây còn thô sơ, đạp bằng chân với hai cây tre nhịp nhàng lên xuống, bánh xe quay bằng gỗ, dây quay bằng thừng hay dây da, quay đi quay lại hai chiều, không có ổ bi; thì nay cỗ máy tiện của Nhị Khê được cải tiến, chạy bằng mô tô điện kĩ thuật nâng cao, sản phẩm càng dồi dào. Hiện nay, người thợ Nhị Khê, ngoài sản xuất hàng tiện bằng gỗ, còn làm các mặt hàng bằng sừng trâu bò, ngà voi, ốc trai; nhiều sản phẩm quý hiếm được xuất khẩu.

Có thể khẳng định, ở Nhị Khê, nghề tiện không chỉ đơn thuần là một nghề mưu sinh, những sản phẩm tiện gỗ tinh xảo của người thợ Nhị Khê đã góp phần làm nên nét tài hoa, khéo léo, nét đẹp văn hóa của quê hương Thường Tín, của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.