Xã - thị trấn

XÃ TÔ HIỆU
Ngày đăng 10/03/2017 | 10:02  | View count: 6154

Tô Hiệu là xã nằm ở phía Nam huyện, có diện tích tự nhiên là 5,39 km2, dân số là 12.088 người, đa số là người Kinh; phía Bắc giáp xã Thắng Lợi, phía Nam giáp xã Văn Tự, phía Đông giáp xã Thống Nhất và sông Hồng, phía Tây giáp xã Nghiêm Xuyên.

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Tô Hiệu gồm 8 xã, trong đó, các xã An Duyên, Đông Duyên, Tín An, Lưu Khê thuộc tổng Tín An; xã Bộ Đầu thuộc tổng Chương Dương, xã Tử Dương thuộc tổng Bình Lăng và 02 xã Nguyên Hanh, Văn Tự thuộc tổng Vạn Điểm. Năm 1946, 08 xã hợp nhất thành 04 xã: Tín An (gồm 02 xã: Tín An, Bộ Đầu); An Dương (gồm 03 xã: An Duyên, Đông Dyên và Tử Dương); Văn Tự (gồm 03 thôn: An Lãng, Đinh Xá, Nguyên Hanh) và xã Lưu Khê. Năm 1948, 04 xã: An Định, Tín An, Lưu Khê, Văn Tự hợp nhất thành xã Tô Hiệu gồm 13 thôn.

Năm 1957, Tô Hiệu được tách thành 3 xã: Tô Hiệu, Thống Nhất, Phú Cường. Xã Tô Hiệu (mới) gồm 4 thôn: Đông Duyên, An Duyên, An Định, Tử Dương như ngày nay.

Xã có đường Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam chạy qua, với ga đường sắt chợ Tía; có đường tỉnh lộ 429 (đường 73 cũ); gần các bến đò sông Hồng; có chợ Tía là đầu mối giao lưu hàng hóa khu vực phía nam huyện và chợ Mui họp 18 phiên trong tháng. Với đặc điểm thuận lợi về địa lý, giao thông, xã Tô Hiệu có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân Tô Hiệu sống chủ yếu bằng nghề nông, thạo trồng lúa nước, rau màu và chăn nuôi gia súc gia cầm.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện đường lối đổi mới đất nước của Đảng, Tô Hiệu đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt bình quân 12%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn 20%, tỷ trọng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt 50%; thương mại dịch vụ đạt 30%.

Xã có 2 di tích cấp Quốc gia (Đình làng An Duyên, chùa làng An Duyên được công nhận năm 1999) và 4 di tích cấp tỉnh, thành phố (Nhà thờ họ Ngô, thôn Đông Duyên; đình làng An Định, chùa làng An Định và nhà thờ họ Doãn).

Danh nhân có Nguyễn Như Đổ đỗ tiến sĩ năm 1442; Doãn Hoành Tuấn đỗ tiến sĩ năm 1478; Trịnh Qùy đỗ tiến sĩ năm 1487; Doãn Mậu Khôi đỗ tiến sĩ năm 1502. Đàm Đức Nhuận đỗ tiến sĩ năm 1526; Doãn Đàm đỗ tiến sĩ năm 1589.