Xã - thị trấn

XÃ VẠN ĐIỂM
Ngày đăng 10/03/2017 | 10:03  | View count: 11561

1. Địa lý, địa điểm:

Xã Vạn Điểm là xã trực thuộc huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội là xã loại 2 nằm phía Nam cuối huyện Thường Tín cách trung tâm huyện 12 km, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 31km về phía  Nam, xã có 2 tuyến quốc lộ chạy qua là, tuyến quốc lộ 1A, đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và tuyến tỉnh lộ  429 chạy qua, Phía Đông giáp Thị trấn Phú Minh, phía Tây giáp xã Minh Cường và xã Vân Tự, phía Nam giáp xã Minh Cường, phía Bắc giáp xã Thống Nhất và Văn Tự. Xã có 3 thôn, thôn Đặng Xá, Thôn Vạn Điểm, thôn Đỗ Xá, cả 3 làng đều là làng văn hoá, có 2 làng được công nhận làng nghề, có điểm du lịch làng nghề truyền thống. Xã có nhiều đường giao thông chạy qua rất thuận tiện cho giao lưu và phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của địa phương, là xã có nhiều công ty trường học, đơn vị bộ đóng trên địa bàn.

          - Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là:                297.2 ha.

          - Đất nông nghiệp có:                                         122.78 ha.

      Đảng bộ xã Vạn điểm có 226 Đảng viên sinh hoạt ở 8 chi bộ. Trong đó có 3 chi bộ nông thôn ở 3 thôn, 3 chi bộ Giáo dục, 1chi bộ Cơ quan, 1 chi bộ quỹ tín dụng.

2. Về tín ngưỡng: Toàn xã có 4 ngôi Chùa, 3 ngôi Đền và 3 Đình làng. Trong Kháng chiến chống Thực Dân Pháp, Chùa của xã là nơi tập kết lương thực, vũ khí, nuôi giấu Cán bộ, là nơi chữa bệnh cho thương binh. Đa phần các Đình, Chùa được xây dựng trạm trổ tinh vi. Nhân dân trong xã có truyền thống Cách mạng kiên cường. Xã Vạn điểm  xã được Đảng và Nhà Nước phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Pháp”  năm 2005. Trong cuộc sống luôn lao động cần cù, đoàn kết sáng tạo, tham gia làm thuỷ lợi đắp đê chống lũ trước những năm 1970. 

Trong kháng chiến, với truyền thống Quê hương Chiếc gậy Trường Sơn đã thực hiện tốt khẩu hiệu “ Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người ”, hàng ngàn người con lên đường đánh giặc cứu nước, có nhiều người đã trở thành Sỹ quan, Quân nhân chuyên nghiệp, hàng trăm người con thành đạt, trưởng thành trên mọi lĩnh vực đang công tác ở mọi Miền của Tổ Quốc.

3. Đặc trưng nổi bật của xã.

Xã có 02 làng nghề truyền thống đó là “Làng nghề” đó là làng nghề Vạn Điểm và làng nghề Đặng Xá, chuyên sản xuất các loại mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp từ gỗ quý tự nhiên. Cùng với nhiều các làng nghề nổi tiếng của Hà Nội thì nghề mộc ở xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín,  Thành phố Hà Nội) cũng trở thành một thương hiệu được nhiều người biết đến. Tuy mới phát triển trở lại gần hai chục năm nay nhưng nghề mộc ở Vạn Điểm đã nhanh chóng khẳng định được tên tuổi trên thị trường và đem lại cho người dân nơi đây một cuộc sống sung túc và tiện nghi hơn.

Năm tháng trôi qua, trước yêu cầu thị hiếu người tiêu dùng, nghề mộc (đồ gỗ mỹ nghệ) phát triển nổi trội và trở thành nghề cổ truyền tinh xảo với một tầng lớp thợ chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp. Các làng nghề của xã đã trở thành một vùng quê có nghề nổi tiếng xa gần, những sản phẩm “made in Vietnam” mang thương hiệu đồ gỗ mỹ nghệ Vạn Điểm không chỉ tiêu thụ trong cả nước, mà còn đưa sang nhiều nước trên thế giới.

Không giống như những làng nghề khác, người Vạn Điểm không có ông tổ nghề, cũng không xác định chính xác người có công đầu truyền bí quyết cho dân mà do chính những người dân Vạn Điểm từ xa xưa đi lang thang kiếm sống, bán buôn đã mang nghề về cho dân làng.

Trước đây, nghề mộc tập trung chủ yếu ở làng Vạn Điểm. Ngày nay, nghề mộc đã lan rộng ra cả xã, có thể nói lúc nông nhàn, nghề mộc thu hút khá đông lao động, người có điều kiện thì mở xưởng, làm ông chủ, người ít vốn thì làm tại nhà, còn lại đi lao động làm thuê. Vạn Điểm đang phát triển nghề mộc cao cấp ở mức đỉnh cao với nhiều doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp và hàng trăm cơ sở có mức doanh thu cao, sản xuất lớn.

Đến Vạn Điểm, du khách sẽ được chứng kiến không khí sôi động, tấp nập của một làng nghề nổi tiếng. Sản phẩm của Vạn Điểm làm ra ngày càng đa dạng và phong phú với đủ loại đồ gia dụng như: Sập gụ tủ chè, tủ chùa (tủ cổ), bàn, ghế và rất nhiều loại thuộc dạng đồ lưu niệm, đồ trang trí như bộ tranh gỗ tứ quý, các loại khay trà bằng gỗgạt tàn thuốc lá, lục bình gỗ, tượng gỗ, tráp, tủ mi ni, bệ để ngà voi, chậu cảnh trang trí… Nhìn chung, mỗi sản phẩm đều mang đặc trưng, nét riêng của hàng mộc Vạn Điểm với “cái duyên nghề”. Căn cứ vào đó, khách dễ dàng nhận ra sản phẩm Vạn Điểm ở nét hình thưa thoáng, vẻ đẹp trang nhã, họa tiết, hoa văn cổ kính nhưng duyên dáng, ưa nhìn. Để phát triển nghề, người thợ phải mua sắm đồ nghề ngày càng được hiện đại theo hướng các khâu chuyển sang chuyên môn hóa, phân công công việc chuyên sâu tạo thành một dây chuyền sản xuất. Đó là sự khéo léo kế thừa kinh nghiệm của ông cha xưa và tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới ngày này để người thợ Vạn Điểm tăng hiệu suất công việc, tạo ra hiệu quả cao cho một làng nghề. Công đoạn mộc như pha, cắt, bào, chàng, đục… làm thành các loại bàn ghế, tủ, sập được người thợ đồ gỗ mỹ nghệ Vạn Điểm thao tác nhịp nhàng, thành thục chẳng khác gì những người nghệ sĩ biểu diễn hết sức điêu luyện trên sàn diễn. Sau công đoạn mộc, bước sang giai đoạn chạm khắc gỗ và khảm trai, ốc là những nét tinh tế được thể hiện bằng đôi bàn tay tinh khéo, uyển chuyển để làm nổi bật những hình khối, những dáng vẻ, nét trang trí hoa văn tạo nên vẻ đẹp hoàn mỹ, sống động và gần gũi với đời thường. Tùy theo mặt hàng, theo đơn đặt và hợp đồng của khách mà chủ thợ chọn gỗ cho phù hợp như trắc, gụ, mun… Thợ của làng nghề luôn quan tâm đến tiêu chuẩn bậc nhất là gỗ không cong vênh, rạn, nứt, thớ gỗ phải dẻo, mịn mới dễ chạm, đánh bóng mới đẹp để xứng công phu chạm, khảm. Những người thợ lành nghề ở Vạn Điểm chỉ cần phác qua trong óc các đường nét chính sao cho đăng đối, đúng kích thước và thế là các họa tiết, các kiểu hoa, kiểu lá… cứ thế qua nét đục, nét chàng đi nét, tỉa nét mà lên như trọng truyện cổ tích, dân gian. Phải thừa nhận rằng, ngoài sức khỏe, đòi hỏi người thợ Vạn Điểm phải có đức tính cần mẫn, kiên trì với sự thể hiện qua những nét nghề tinh tế, có tái hiện và sáng tạo để sản phẩm hoàn thiện vừa đẹp vừa tinh. Để hoàn chỉnh một sản phẩm phải qua bao giai đoạn, công đoạn khá phức tạp, đòi hỏi tài nghệ đa dạng của người thợ và chỉ với cái tâm, cái tài ấy mới có những tác phẩm hoàn mỹ cho người sử dụng hôm nay và mai sau.

Ngày nay, sản phẩm đồ gỗ cao cấp Vạn Điểm đã có mặt ở khắp nơi, trở thành địa chỉ uy tín đáng tin cậy của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Thị trường tiêu thụ nội địa càng mở rộng và việc xuất khẩu đi nước ngoài cũng khá tiện lợi. Ở các cơ quan, xí nghiệp và nhất là các nhà hàng, rồi các gia đình đều xuất hiện những sản phẩm gỗ Vạn Điểm. Hàng hóa của Vạn Điểm ngày càng đáp ứng được yêu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, phù hợp với giá cả thị trường trong và ngoài nước. Những loại đắt tiền thì làm bằng gỗ trắc, mun, còn thì phổ biến là gỗ gụ và cũng tùy theo giá trị mà hàng được đóng với chất lượng cao, kỹ thuật khá. Nhiều chủ hộ sản xuất ở Vạn Điểm đã đưa hàng đi triển lãm hội chợ, hội thi và đều dành được những phần thưởng xứng đáng. Người thợ Vạn Điểm luôn năng động, sáng tạo, biết cải tiến các mẫu mã cho phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Rất nhiều thanh niên sinh ra ở làng quê Vạn Điểm đã đúc kết được kinh nghiệm, học hỏi được nghề trở thành những ông chủ trẻ có xưởng sản xuất quy mô lớn.

Đến miền quê Vạn Điểm hôm nay, ai ai cũng nhận thấy sự đổi thay của một làng nghề với rất nhiều cái mới, nhưng vẫn giữ được những nét đẹp bình dị của làng quê nông thôn Việt Nam. Xóm làng được thay da đổi thịt, nhiều nhà tầng kiểu biệt thự được mọc lên, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Vạn Điểm được nâng lên rõ rệt. Các làng nghề Vạn Điểm luôn tự hào là địa phương phát huy được nghề mộc cao cấp, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phục vụ đời sống xã hội, con người ngày càng văn minh giàu có, khẳng định được tên tuổi của mình trong vô số những làng nghề truyền thống của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

4. Thành tích

Năm 2014, Xã được công nhận là xã  đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm 2016, Xã được công nhận xã chuẩn văn hóa nông thôn mới.

Mai Sâm- UBND xã Vạn Điểm