Xã - thị trấn

XÃ TỰ NHIÊN
Ngày đăng 10/03/2017 | 09:58  | View count: 9926

Xã Tự Nhiên nằm ở phía đông huyện Thường Tín, có diện tích tự nhiên là 7,12 km2, dân số 9.844 người, đa số là người Kinh theo truyền thống thờ cúng tổ tiên, có khoảng 1,2% dân số theo đạo Thiên chúa và Tin lành; phía Bắc giáp xã Hồng Vân, phía Tây giáp xã Thư Phú; phía Nam giáp xã Chương Dương, phía Đông và Đông Bắc là dòng sông Hồng, bên kia sông là hai xã Dạ Trạch và Tứ Dân thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Xã Tự Nhiên ngày nay gồm 7 xóm, đặt tên theo thứ tự từ 1 đến 7. Từ xa xưa, dòng sông Hồng chảy sát bờ phải thuộc Châu Thượng Phúc, đối ngạn với vùng Khoái Châu (Hưng Yên). Qua năm tháng, bên bờ phải sông Hồng được phù sa bồi đắp, trở thành vùng bãi nằm sát bờ sông. Ở những thế kỷ trước, Châu Tự Nhiên thuộc Phủ Khoái Châu (Hưng Yên). Do sông chính đổi dòng, việc quản lý xã hội không thuận tiện. Vào đầu thế kỷ XIX, thời Nguyễn, vua Gia Long quyết định cắt làng Tự Nhiên thuộc Phủ Khoái Châu nhập vào Tổng Chương Dương, huyện Thượng Phúc nay là huyện Thường Tín.

Tháng 8/1948, các xã Chương – Kỳ - Lộc, Vĩnh – Thư – Phú và xã Tự Nhiên hợp nhất thành xã Quang Khải. Xã Quang Khải gồm 7 thôn: Chương Dương, Chương Lộc, Kỳ Dương, Thư Dương, Phú Mỹ, Vĩnh Lộc và Tự Nhiên.

          Tháng 10 năm 1957 xã Quang Khải được tách thành hai xã: Hồng Châu và Quang Khải. Xã Hồng Châu là thôn Tự Nhiên cũ gồm 7 xóm gọi theo thứ tự từ 01 đến 07. Năm 1974, xã Hồng Châu đổi tên thành xã Tự Nhiên như ngày nay.

          Xã có nhiều thuận lợi về giao thông thủy, bộ. Đê sông Hồng được củng cố vững chắc, trải thảm nhựa, cùng với tỉnh lộ 427, bắt đầu từ km số 0 nằm ngay cửa ngõ vào xã... tạo thành mạng giao thông thuận lợi. Về đường thủy, Tự Nhiên nằm sát sông Hồng, trên đường thủy Hà Nội - Nam Định, có bến đò Tự Nhiên, bến cảng Hồng Vân, nối Thường Tín với huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Do đó, xã Tự Nhiên có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là địa bàn quan trọng về quốc phòng – an ninh.

Trải qua hàng nghìn năm gắn bó với bến bãi, sông nước, các thế hệ người dân Tự Nhiên phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, chung lưng đấu cật, cần cù lao động, bền bỉ cải tạo đất đai để sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Ngày nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng 17%; giá trị sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển gần 83%.

Xã Tự Nhiên có 2 di tích cấp Quốc gia: Đình Hạ được công nhận năm 1998 và đình Thượng được công nhận năm 2002.