Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống

Chùa Pháp Vân, ngôi chùa linh thiêng của huyện Thường Tín

Chùa Pháp Vân, thôn Văn giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội là một ngôi cổ tự linh thiêng, được xây dựng năm 1074, triều vua Lý Nhân Tông; qua các triều đại: Lý, Trần, Lê, Nguyễn….được phong tặng 24 đạo sắc.

Chùa Pháp Vân là một công trình kiến trúc quy mô to lớn theo kiểu “nội công ngoại quốc”, bao gồm nhiều hạng mục công trình: gác chuông, tiền đường và hậu cung. Ngoài ra, chùa còn có nhà tổ và hai dãy hành lang. Chùa Pháp Vân được cổ nhân xây dựng nhìn về hướng Nam. Phía trước chùa là ao sen, rồi đến cánh đồng lúa bát ngát. Phía Đông – qua đường xe lửa là lối vào cổng chùa, hai phía còn lại là vườn tháp, vườn ao nội tự quanh năm xanh tốt bóng cây ăn quả lưu niên. Tương truyền xưa kia chùa Pháp Vân có một cây thông cổ thụ, ban đêm nhìn từ xa về thấy phát sáng – có thể ở vỏ cây có nhiều lân tinh hoặc hổ phách. Người đi từ phía Nam ra phía Bắc thường truyền nhau:

“Mong sao chóng đến kinh kỳ

Đến đền bà Sáng gần đền kinh đô”

Tam quan chùa

Chùa Pháp Vân có một sân phía trước lát gạch Bát Tràng rộng rãi. Ngày lễ hội mồng 8 tháng 4 xưa nay thường dựng hai cỗ kiệu long đình sơn son thếp vàng rực rỡ cùng nhiều cờ phướn. Trên sân có tấm bia đá Pháp Vân tự bi ký. Bia được dựng vào năm Hoàng Định thập thất niên (1616). Cạnh bia có hai con rồng tạc bằng đá mang phong cách nghệ thuật thời hậu Lê. Tấm bia này nội dung nói về việc sửa chùa, tu tạo hậu đường và hành lang do bản tự tăng đạo duệ Nguyễn Tiềm đứng ra cùng nhân dân địa phương và một số quan lại, đô đốc, quận công và các phu nhân quê quán ở các nơi trong và ngoài vùng đóng góp sửa chùa.

Qua sân gạch là tới tòa đại bái. Hạng mục kiến trúc này dài 21m rộng 9m, phía trên treo chuông đồng nên cũng có người gọi là gác chuông. Về kiến trúc được làm theo kiểu hai tầng tám mái. Kết cấu bên trong theo hình thức 4 hàng chân gỗ. Từ 16 cột cái có xà nách đua ra 16 cột quân, các xà nách đồng thời là giá đỡ tạo thành một hành lang cao ngang phần cổ diêm, rộng 0,5m, lát ván có thể đi lại. Gác chuông treo một quả chuông cao 1,9m. Đường kính rộng 1,05m. Đây là quả chuông lớn nhất vùng, được đúc năm 1954.

Nhìn bên ngoài hạng mục kiến trúc này mang dáng dấp tòa thiêu hương của các ngôi đình làng. Nội thất bên trong được chia làm 5 gian 2 dĩ. Từ hệ thống cột cái và cột quân, ở các góc có các kẻ đưa ra để tạo thành các đầu đao. Các đầu đao đắp nổi rồng, trên nóc đắp nổi kìm ngậm bờ nóc. Hạng mục kiến trúc tiếp theo là nhà Tiền đường, Tiền đường được chia làm 3 gian. Gian giữa được bài trí một hương án lớn, đắp nổi rồng, nghê và hoa sen cách điệu. Trên hương án đặt một bát hương lớn thời Lê.

Sau hương án là hai di vật quý, đó là đôi khổng tước bằng gỗ sơn son thiếp vàng. Khổng tước là chim vẹt cách điệu, cao 2,20m tạc liền với chân, thân và mỏ khoằm. Họa tiết lông vũ trên cổ chim được cách điệu như râu rồng. Đây là những di vật của thế kỷ XVIII. Sau đôi khổng tước nhất là 2 cỗ kiệu long đình được chạm tinh xảo, sơn son thếp vàng. Điểm tô gian chính diện còn có hai bức cửa võng, người xưa chạm nổi “lưỡng long chầu nguyệt” điểm xuyết “tứ linh”. Nội thất tiền đường chỉ bài trí có hai pho tượng Đức Ông và đức Thánh Hiền. Bên phải còn treo một quả chuông đồng, bên trái treo khánh đồng và một số đồ tế tự khác.

Rồng đá nghệ thuật phong cách thời hậu Lê

Về kiến trúc, tòa tiền đường và thượng điện được cấu trúc liên hoàn bởi hạng mục “ống muống” chạy dọc, tạo thành kiến trúc kiểu chữ “công”. Hạng mục kiến trúc này được tạo ra bởi hệ thống gian liên hoàn giữa tiền đường và thượng điện. Ở cuối “ống muống” các lá hạ diệp được cổ nhân chạm nổi hai con rồng lớn, đầu rồng hướng vào thượng điện. Ngoài ra ở các chi tiết kiến trúc khác còn có các hoa ngữ “tứ linh” và hoa lá cách điệu.

Thượng điện chùa Pháp Vân là nơi tôn nghiêm nhất cũng được chia làm 3 gian. Gian chính giữa trên bệ thời có một khám gỗ lớn. Khám làm có mái theo kiểu mui thuyền, xung quanh có 3 tấm che được làm công phu, sơn mài, khảm trai với đề tài trang trí “long vân tụ hội”. Các tấm che này bằng gỗ, có bản lề để nâng lên khi bao xái tượng một dục. Trong khám thờ đặt tượng Pháp Vân pho tượng chính của chùa.

Tượng Pháp Vân được tạc bằng gỗ, sơn mầu cánh gián. Tượng cao 1,3m, tư thế ngồi “tĩnh tọa”, hai chân xếp bằng, hướng bàn tay về phía trước. Nét mặt tượng rất trang nghiêm nhưng phúc hậu, hai mặt nhìn thẳng, xa xăm. Về phong cách điêu khắc, nghệ thuật xưa đã tạc tượng đạt đến một trình độ cao theo các nguyên tắc cổ truyền là kiết già, tĩnh tọa và nhập định. Tượng tạc theo cách mô phỏng một phụ nữ Việt Nam cổ cao ba ngấn, khuôn mặt phúc hậu. Cánh tay tượng tròn và thon thả, tạc liền vòng trang sức. Mình tượng mặc yếm, có giải lao lưng tạc liền vào thân và thắt múi phía trước. Đầu tượng đội mũ Kim Phật nhưng trên đỉnh đầu để lộ búi tóc.

Về nước sơn cánh gián của tượng, các cụ già làng Văn Giáp cho biết làng có nghề sơn cổ truyền. Để có mầu sơn này, nghệ nhân đã pha sơn ta theo tỷ lệ: ba phần sơn sống, một phần nhựa sống, gia giảm phèn đen, đun sôi rồi sơn phủ lên tượng theo kỹ thuật của thợ lành nghề. Cả mặt và toàn thân tượng Pháp Vân chỉ có một mầu sơn này. Tượng đặt ngồi trên ngai, bên ngoài phủ áo gấm.

Về niên đại của tượng chưa xác định được. Văn bia tu sửa chùa năm Hoằng Định thứ 17 (1616). Không nói tới việc tô tượng mà chỉ nói tới việc sửa chùa. Năm Vĩnh Thịnh nguyên niên (1705) cũng là năm sửa chùa, dấu tích còn ghi trên các câu đầu của tòa thượng điện. Theo Đại việt sử ký toàn thư, thì “năm Quý Sửu, Thái Ninh năm thứ hai (1073) “mưa dầm, rước tượng Pháp Vân đã có từ rất lâu đời! Nội thất tòa thượng điện chỉ có bệ tượng thờ Pháp Vân ở gian giữa, hai gian bên để trống để tín đồ Phật giáo tụng niệm hoặc làm lễ chạy đàn – một cách thức vừa đi vừa niệm xung quanh tượng Phật. Ở chùa có đôi câu đối của tiến sĩ Trịnh Lý Hưởng đỗ khoa Đinh Mùi thời Lê, viết:

– Duy nhất cố thần dung thụ đinh thanh truyền vạn cổ

– Hữu đảo nhiếp ứng thử địa bồ đà úy song từ.

    Tạm dịch: 

– Có một vị thần được tạc từ cây dâu ra, linh ứng muôn đời

– Cầu đảo thì linh ứng, hai đền xây trên đất bồ đề.

Bia ký từ thời Lê còn lưu tại chùa

Sau tòa thượng điện qua một sân gạch nhỏ là tới nhà tổ. Nhà tổ Pháp Vân thờ tượng Mẫu và chân dung các vị sư trụ trì quá cố. Nối từ nhà tổ xuống bái đường, mỗi bên có một dãy hành lang, tạo thành một đường kép kín, với quy mô kiến trúc này, chùa Pháp Vân là ngôi chùa có quy mô bề thế nổi trội trong vùng.

Hiện tại, chùa Pháp Vân còn lưu giữ được nhiều di vật quý (được bảo quản rất công phu và nghiêm ngặt trong đó có cuốn sách Nam Thiên nhị pháp sự tích chân kinh phụng lục – Một di vật đặc biệt gồm 8 lá bạc thật, kích cỡ 13cm x 22,5cm, đóng gáy thành sách, khắc chữ Hán trên lá bạc. Tên sách dát chữ vàng mười. Hai tờ bìa bằng đồng, chạm nổi “độc long”. Di vật này được làm vào năm Canh Tý đời vua Thành Thái (năm 1900), trị giá theo ghi chép thời đó là 21 lạng bạc. Những ghi chép trong sách Nam Thiên nhị pháp sự tích chân kinh phụng lục và sách Thái Ninh niên chế ngọc phả của chùa Pháp Vân đã thuật lại câu chuyện Phật thoại từ thời Sỹ Nhiếp.

Tháng 5/2023, sau 3 năm  trùm tu, tôn tạo,  Ngôi Đại hùng bảo điện chùa Pháp Vân được tu bổ, khánh thành  gồm các hạng mục: Tiền đường, Thượng điện, sân chùa, nhà khách và các phụ trợ khác. 

 

Hiện tại, trên đất làng Văn Giáp chỉ còn chùa Pháp Vân. Sau khi chùa Pháp Lôi bị tàn phá, nhân dân thôn Văn Hội rước tượng Pháp Lôi về thờ tại chùa Văn Hội. Trên đất Thường Tín còn có chùa Đậu thờ tượng Pháp Vũ. Tín ngưỡng thờ tứ pháp (Vân, Vũ, Lôi, Điện – Mây, mưa, sấm, chớp) đã hình thành từ khi phật giáo mới du nhập vào nước ta – thế kỷ thứ II TrCN. Trải các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn… các ngôi chùa này vẫn được bảo vệ, trong đó có chùa Pháp Vân – Di tích lịch sử Văn hóa đã được bộ VHTT xếp hạng năm 1991.

Xã Văn Bình