Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống
Chùa Đậu- có tên chữ là Thành Đạo Tự hoặc Pháp Vũ Tự. Chùa toạ lạc tại địa phận làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội được công nhận hai kỷ lục quốc gia: Là nơi có tượng nhục thân đầu tiên ở Việt Nam và sở hữu cuốn sách ghi lịch sử chùa bằng đồng có nhiều trang và cổ xưa nhất Việt Nam.
Toàn cảnh trên cao chùa Đậu tại xã Nguyễn Trãi, Thường Tín
Tọa lạc trên một gò đất cao giữa cánh đồng thuộc làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội, Chùa Đậu - Đệ nhất danh lam cổ tự - hằng trăm năm qua vẫn luôn trầm mặc dưới bóng cây cổ thụ xanh mát; phía trước, hai bên là xung quanh là các hồ nước bao bọc và dòng sông Nhuệ hiền hòa chảy phía sau.
Chùa Đậu có tên chữ là Thành Đạo Tự hoặc Pháp Vũ Tự, dân gian thường gọi là chùa Vua, chùa Bà, hay chùa Đậu, mỗi tên gọi đều gắn với một huyền tích.
Ban đầu, chùa có tên là Thành Đạo Tự, sau khi chùa rước Đại thánh Bồ tát Pháp Vũ (vị nữ thần cai quản mưa) về thờ thì được gọi là Pháp Vũ Tự. Thời phong kiến, ngôi chùa chủ yếu dành cho các vị vua đến lễ Phật, còn người dân chỉ được vào lễ bái khi có lễ hội nên dân gian gọi là Chùa Vua. Chùa thờ Bồ tát Pháp Vũ hiện thân là nữ nên người dân cũng gọi là chùa Bà.
Ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, các bậc chí sỹ cầu nghiệp lớn ở đây đều thi đậu khoa bảng, công thành danh toại; người làm nông cầu mùa màng bội thu cũng được như ý nguyện nên dân gian gọi tên khác là Chùa Đậu.
Dưới thời vua Lê Thần Tông (thế kỷ XVII), chùa bị xuống cấp, sau đó được trùng tu lại, uy nghiêm và khang trang hơn. Sau đó, Vua ban sắc phong chùa là “An Nam đệ nhất danh lam” tức "Danh lam số một của nước Nam." Phật tử và Nhân dân quanh vùng coi là đất Phật bởi sự linh ứng mà chùa mang lại.
Khu gác chuông chùa đậu
Chùa Đậu không chỉ có địa thế tuyệt đẹp như đang ngự trên bông hoa sen đang nở, mà còn là một quần thể kiến trúc nguy nga mang những nét nghệ thuật kiến trúc đặc trưng của các vương triều Lý-Trần-Lê-Nguyễn.
Đặc biệt, chùa nổi tiếng với nhục thân của hai vị thiền sư tu hành đắc đạo Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Đây là hai trường hợp cực kỳ hiếm gặp trong chặng đường tu tập Phật giáo của các bậc thiền sư trong nước và trên thế giới.
Với bề dày lịch sử, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, Chùa Đậu đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử, nghệ thuật loại A từ năm 1964.
Hai pho tượng nhục thân của hai vị thiền sư được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2016; Chùa Đậu cũng được xác lập kỷ lục là ngôi chùa có tượng nhục thân đầu tiên tại Việt Nam.
Khung cảnh khu Tiền Đường
Chùa Đậu được xây dựng theo kiến trúc "Nội công ngoại quốc" cổ xưa, đậm nét dân gian như nhiều ngôi chùa Việt Nam khác. Bên trong chùa được xây dựng theo hình chữ Công. Bên ngoài bao bọc, ôm lấy ngôi chùa giống như hình chữ Quốc hoặc chữ Khẩu. Chùa được xây dựng với nhiều hạng mục như nhà Tổ, cổng Tam quan, Tam bảo, Tiền đường, nhà tả vu-hữu vu...Điều đặc biệt trong kiến trúc chùa Đậu chính là có hai Tam bảo, trong đó, Tam bảo chính thờ Bồ tát Pháp Vũ - nơi nhà vua cùng các quan đến cầu nguyện lễ bái.
Còn một ngôi Tam bảo nhỏ hơn dành cho dân thường tới lễ bái. Vào các ngày mùng 8, 9, 10 tháng Giêng hàng năm, người dân mới được dâng lễ ở ngôi Tam bảo chính. Điểm nổi bật trong cấu kiện kiến trúc chùa là nghệ thuật chạm khắc tuyệt mỹ trên gỗ rất lớn ở nhiều hạng mục khác nhau, mang đậm phong cách mỹ thuật thời Lê Trung Hưng (1533–1789).
Rồng đá có niên đại thời Trần hơn 500 tuổi trên bậc lên xuống nhà Tiền đường
Theo văn bia dựng năm Dương Hòa đời thứ 5 (1639) thì ngôi chùa này được phục dựng vào thời nhà Lý, thế kỷ thứ XI, và mở mang kiến thiết thêm vào thời Trần, Lê, Mạc. Chứng tích của những lần xây dựng còn lại đến nay là đôi rồng đá được chạm trổ tinh xảo có niên đại thời Trần hơn 500 tuổi trên bậc lên xuống nhà Tiền đường; những viên gạch thời Mạc vẽ hình voi, thú, rồng, cá hóa long… cùng tấm bia đá dựng năm 1565. Văn bia thời Mạc không ghi rõ quy mô chùa ra sao, song số ruộng chùa tới 100 mẫu cho thấy ngôi chùa thực sự phải rất bề thế.
Hiện nay, trong chùa còn lưu giữ khá nhiều cổ vật quý như: những bia đá được xác định niên đại có từ khoảng thế kỷ XVI; chiếc khánh đồng đúc năm 1774; tại Tiền đường còn treo hai tấm biển gỗ sơn son thiếp vàng khắc bài thơ nôm của Chúa Trịnh Căn (1682- 1709) và Chúa Trịnh Cương (1709-1729).
Cuốn sách đồng còn lưu giữ tại Chùa Đậu
Ngoài ra, cuốn sử quý bằng đồng có từ thời Sĩ Nhiếp, khoảng đầu thế kỷ III (năm 200-210), được lưu giữ tại Chùa Đậu đã được công nhận Kỷ lục Quốc gia là cuốn sử chùa bằng đồng có nhiều trang và cổ nhất Việt Nam.
Chùa Đậu bố trí tượng thờ theo cấu trúc "tiền phật, hậu thánh." Đây là cấu trúc phổ biến của hệ thống Tứ Pháp nhà Phật. Nhưng một trong những điểm đặc biệt khiến Chùa Đậu nổi tiếng gần xa chính là hai pho tượng nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Tường (hai vị trụ trì chùa Đậu vào thế kỷ XVII).
Toàn thân xá lợi thiền sư Vũ Khắc Minh
Nhục thân Bồ tát, hay còn gọi là toàn thân xá lợi, là khi sư tổ viên tịch trong tư thế ngồi tọa thiền, sau hằng trăm năm vẫn giữ được hình hài nguyên vẹn, dáng vẻ thanh khiết, khuôn mặt hoàn toàn mang nét riêng. Đây là 2 trong 4 pho tượng nhục thân hiếm hoi của nước ta và cả trên thế giới, mang ý nghĩa vô cùng to lớn về việc ướp xác bí ẩn của các vị thiền sư Việt Nam.
Toàn thân xá lợi thiền sư Vũ Khắc Trường
Khoa học thế giới đã khẳng định rằng muốn ướp xác thì phải thực hiện đủ các điều kiện: phải dùng thuốc ướp, bỏ nội tạng, hút óc và phải để thi hài trong không gian kín như quan, quách, không có không khí lọt vào. Tuy nhiên, với di hài hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, các nhà khoa học đã kiểm tra bằng X-quang và thấy rằng toàn thân hai vị sư không có vết đục đẽo, thi hài hoàn toàn nguyên vẹn, không có hiện tượng hút ruột, hút óc; các xương nằm đúng vị trí giải phẫu học, không phát hiện bất kỳ một vật liệu nào như chất kết dính, dây, giá đỡ… để cố định và đỡ xương.
Điều không thể lý giải là các yếu tố tự nhiên hầu như không tác động đến nhục thân của hai vị thiền sư dù đã trải qua hơn 400 năm tồn tại. Hiện, hai pho tượng nhục thân được đặt trong khám thờ bằng kính hàn kín, được bơm khí nitơ đậm đặc để bảo quản tại Chùa Đậu.
Một số hình ảnh về Chùa Đậu:
Với những bí ẩn về tâm linh và khoa học, Chùa Đậu không chỉ chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu mà còn là một trong những điểm đến mỗi năm thu hút hàng vạn Phật tử trong nước và thế giới về vãn cảnh và chiêm bái, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.
Xuân Tiến