Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống
Theo lời kể của các cụ cao niên, đình Quang Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội được khởi dựng từ thời Lê. Song, hiện không có tư liệu đích xác về thời điểm ban dầu khi ngôi đình xuất hiện. Tuy nhiên, căn cứ vào một số hiện vật có niên đại thời Lê trung hưng như sắc phong, bản sớm nhất còn lại tại đền hiện nay có niên đại Cảnh Hưng 44, tức năm 1783, cuối thế kỷ 18. Như vậy, ít nhất có thể khẳng định chắc chắn ngôi đình này đã có mặt tại đây vào thế kỷ 18.
Căn cứ vào bản thần tích niên hiệu Hồng Phúc thứ 2 (1573), in sao vào năm Mậu Tuất niên hiệu Thành Thái (1898) được ghi trong mộc bản lưu tại đình Nhuệ Giang cho biết đình được dựng lên thờ Thành hoàng làng là Kiều Mang Thiên thần – một vị thiên thần đã có công âm phù xây dựng đồn binh tại trang Nhuệ Giang thuộc xã Cổ Hiền, huyện Thượng Phúc giúp triều đình đánh đuổi giặc Quách Tiến đến xâm phạm bờ cõi.
Đình Nhuệ Giang hiện tọa lạc trên khu đất rộng về phía Bắc của làng. Từ mặt đường của đê sông Nhuệ qua một cây cầu nhỏ là vào đến di tích. Các bộ phận cấu thành di tích bao gồm: cổng đình, sân đình, phía trước là một số cây tạo cảnh quan và bóng mát, tiếp theo là kiến trúc chính của đình theo lối chữ nhị bao gồm Đại Bái và Hậu cung. Phía sau đình là chùa của làng; nằm về phía trước bên bờ đê sông Nhuệ là ngôi miếu thờ bà Vương Thị Ngọc là mẹ của Thành Hoàng làng. Theo các cụ địa phương cho biết đình Nhuệ Giang xưa được xây theo hướng Đông Bắc phía ngoài của đê Sông Nhuệ. Do ảnh hưởng của dòng sông Nhuệ dân làng chuyển đình về mảnh đất được gọi là đắc địa mang hình “con rùa” gần với khu vực cư trú của thôn làng. Đình được xây theo hướng Tây Bắc cổng mở về phía trước, sân đình rộng, hai bên là hai dãy tảo mạc, đình được xây theo kết cấu kiến trúc truyền thống, toàn bộ cửa làm theo kiểu bức bàn, được nhân dân gìn giữ cho đến ngày nay.
Mở đầu của khu di tích là nghi môn xây hai trụ liền tường bao, tiếp theo là tường nối cánh phong. Trụ xây vuông, đỉnh trụ đắp hình 4 chim phượng đầu quay bốn hướng, đuôi chụm vào nhau tạo thành hình chái giành thân trụ tạo khung ghi cầu đối. Qua cổng là một khoảng sân rộng lát gạch, trước sân đắp cuốn thư liền với tường bao thấp của đình, hai bên cuốn thư xây trụ, đắp nghê chầu.
Qua nghị môn là đến Đại bái, đại bái gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, phía trước có 2 trụ biểu vuông, đỉnh trụ đắp nghê chầu, tiếp theo là phần lồng đèn có các ô trang trí hình tứ linh (long, ly, quy, phượng), phần thân trụ tạo vuông. Mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai đầu kìm đắp đấu nắm cơm tạo cảm giác thanh thoát nhẹ nhàng cho công trình kiến trúc. Nhà xây trên nền cao hơn mặt sân 25cm, xung quanh bó vỉa gạch, phía trước xây hai bậc lên nến nhà.
Kết cấu kiến trúc bốn hàng chân cột gỗ đỡ mái theo kiểu “thượng thu – hạ thách”, các cột gỗ đặt trên chân đá tảng hình vuông chôn chìm xuống nền, nền nhà làm kiểu lòng thuyền, gian giữa làm thấp hơn các gian bên 25cm, lát gạch vuông và một phần là gạch chỉ. Kết cấu bộ vì làm theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, tiền kẻ hậu bẩy”, riêng hai vì gian giữa làm kiểu vì “cồn” cả trước và sau. Các vì bên làm kiểu kẻ trường, tiền kẻ hậu bẩy. Phía trước mở ba cửa gỗ kiểu ghép ván. Nội thất nhà Đại Bái được để trống tạo không gian thoáng rộng cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Kết cấu kiến trúc hiện nay của đình theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, thế kỷ XIX, XX, được nhận biết qua các đề tài trang trí rồng hoa lá thanh thoát, khoáng đặt trên các ván mê, thanh xà và các đầu bẩy hiên. Ở gian giữa bên trên là bức đại tự ghi 4 chữ “Dực bảo Trung hưng” tiếp theo là bức cửa võng, trang trí rồng chầu mặt nguyệt mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX, phía sau là bức đại tự “Thái sơn vọng trọng”, bên dưới trang trí hương án gỗ trên đặt các đồ thờ tự, hai bên tả, hữu bài trí bộ siêu đao, biểu lệnh, cờ lọng…
Tiếp đến là Hậu cung, Hậu cung được làm song song với tòa Đại Bái gồm có 5 gian đầu hồi xây bít đốc, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai gian hồi làm ban thờ hậu, ba gian giữa được chia làm hai lớp, phía ngoài thờ các quan, phía trong hậu cung làm ban thờ Thành Hoàng. Kết cấu bộ vì theo kiểu “vì kèo quá giang cột trốn” đặt trên 4 cột gỗ và tường xây bổ trụ, Giữa hậu cung xây bệ bố trí ban thờ Thành Hoàng làng. Nền nhà lát gạch vuông. Hậu cung được làm 3 cửa: gian giữa làm cửa kiểu bức bàn và chạm nổi hoa văn trang trí chủ đề tứ quý, văn triện; hai gian bên là cửa nhỏ làm lối đi vào hậu cung.
Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc và điêu khắc được tập trung tại tòa Đại Bái thể hiện trên các bức cốn nách, con giường, đầu bẩy, đấu kê… chạm nổi hình rồng mây, rồng lá, phượng vũ, vân mây, sóng nước, long hoá, cúc lão… với nét chạm nổi, chạm bong kênh, trên đầu thân rồng, các vân mây cuộn, sóng nước thể hiện chau chuốt… Chủ đề trang trí thể hiện phong phú ngoài việc làm tăng giá trị thẩm mỹ cho công trình kiến trúc còn tạo ra cảm giác thanh thoát cho khối kiến trúc gỗ của đình.
Trên các di vật gỗ của đình như: Long ngai, bài vị, hương án, kiêu rước,… đề tài trang trí chủ đạo là “tứ qúy, “tứ linh”, “hổ phù”… mang phong cách nghệ thuật dân gian truyền thống. Bên cạnh đó, ta còn gặp những mảng chạm khắc trang trí trên bức cửa võng, các đồ lễ tự như: ỉ thờ, đài nước,… tất cả đều được sơn thếp làm tăng thêm vẻ uy nghiêm cho ban thờ. Đồng thời, các di vật này đều được ăn sâu vào tâm thức tín ngưỡng truyền thống của mỗi người dân địa phương. Chính giữa hậu cung xây bệ thành 2 cấp trên cùng là nơi đặt ngai thờ bài vị thành hoàng, thể hiện sự trân trọng đối với nơi tọa lạc của Đức thánh, ngai thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng trang trí tứ linh, tứ quý, ngoài ra còn các đồ thờ tự khác.
Hội làng được duy trì vào ngày 12/11 âm lịch hàng năm, để chuẩn bị cho ngày lễ hội, từ sáng ngày 10/11, các cụ cao tuổi đã mở cửa đình, đến tối tổ chức lễ mục dục, bao sái ban thờ Thánh. Ngày 11/11, từ sáng sớm dân làng tề tựu đông đủ tại đình tổ chức rước kiệu từ đình xuống miếu dâng hương tại miếu sau đó rước kiệu từ miếu về đình. Tại đình, dân làng tổ chức tế lễ, dâng hương, vật tế lễ bao gồm oản quả, mũ ngựa và tiền vàng. Ngày 12/11 tổ chức dâng hương và tế dã hội, ngày này thường tổ chức lễ Phù tửu, có năm dân làng tổ chức cơm đoàn kết toàn dân tại đình. Bên cạnh đó trong ngày lễ nhân dân thường tổ chức mang những đồ ngon và đẹp để lễ Thánh nhằm mong muốn sẽ đạt được những gì tốt đẹp cho cuộc sống gia đình. Tại các gia đình tổ chức đón con cháu và khách gần xa vẻ xem hội. Ngày lễ hội đã hội tụ các yếu tố truyền thống và hiện đại, nơi hội tụ của mọi người dân trong cộng đồng để giao lưu văn hóa, bảo lưu những giá trị văn hóa phi vật thể quý giá của cha ông từ ngàn đời lưu lại cho mai sau. Trong lễ hội trước đây còn tổ chức trò chơi: đánh đu, đập niêu, cột mỡ, cờ người, buổi tối tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ diễn các vở chèo cổ…
Với những giá trị về lịch sử và văn hóa, năm 2010, đình Nhuệ Giang được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố.
Phòng VHTT