Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống
Thường Tín nằm ở phía Nam Kinh thành Thăng Long - Hà Nội, là nơi tiếp nhận, lưu giữ và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Gắn liền với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa đa dạng, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống ở Thường Tín mang đậm màu sắc dân gian, tiêu biểu cho văn hóa phía Nam Thăng Long - Hà Nội.
Tín ngưỡng cổ truyền của người Việt trong cả nước cũng như ở huyện Thường Tín bắt nguồn từ tín ngưỡng đa thần. Khi xưa khoa học chưa phát triển, con người hình dung tất cả các hiện tượng thiên nhiên đều là thần thánh nên mới có tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp ở Thường Tín gắn với những ngôi chùa như: Chùa Đậu ở làng Gia Phúc (xã Nguyễn Trãi), thờ thần mưa, chùa Pháp Lôi ở làng Văn Hội (xã Văn Bình) thờ thần sấm và chùa Pháp Vân ở làng Văn Giáp (xã Văn Bình) thờ thần mây. Các ngôi chùa trong hệ thống Tứ Pháp ở Thường Tín có kiến trúc độc đáo, tọa lạc trên một diện tích rộng, thoáng đãng, địa thế đẹp, chùa Đậu thờ thần Pháp Vũ là một ví dụ điển hình.
Lễ hội làng Tự Nhiên diễn ra ngày 01/4 âm lịch
Thờ Mẫu là hiện tượng phổ biến và có nguồn gốc từ lâu đời ở Việt Nam. Cũng như nhiều địa phương ở đồng bằng sông Hồng, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng hiện diện ở Thường Tín, tiêu biểu là ở đền Lộ, đền Dầm (xã Ninh Sở).Đền Lộ có nhiều sắc phong khẳng định đây là ngôi đền thờ “Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương”. Đền Lộ có nhiều bàn thờ mẫu Thượng Thiên, mẫu Thượng Ngàn và mẫu Thoải. Đền Dầm cũng đầy đủ ban thờ cúng như đền Lộ nhưng không có ban thờ “Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương”.
Tín ngưỡng của người Việt thường gắn với tôn giáo, nhất là đạo Phật. Trên địa bàn huyện Thường Tín hiện có 132 ngôi chùa, với hơn 37.000 tín đồ. Đồng thời với đạo Phật, là đạo thiên chúa và tin lành cũng là những sinh hoạt tín ngưỡng thường xuyên của một bộ phận người dân Thường Tín.
Tín ngưỡng thờ tổ nghề ở các làng nghề được coi là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc ở Thường Tín, thể hiện sự biết ơn đến những vị sáng lập, mở mang ngành nghề cho Nhân dân. Trong những ngôi đình, đền, miếu nhiều làng đặt ban thờ tổ nghề bên cạnh ban thờ đức Thành hoàng làng như: ĐìnhVăn Trai, đình Cống Xuyên, đình Khánh Vân. Một số làng xây đền thờ tổ nghề, như:Thụy Ứng, Trát Cầu. Một số làng thuộc xã Thắng Lợi, Quất Động tôn vị tổ nghề Lê Công Hành làm Thành hoàng làng.
Từ tín ngưỡng thờ tổ nghề, thờ Thành hoàng làng dẫn đến lễ hội, bởi lễ hội thường được tổ chức vào ngày sinh hoặc ngày hóa của đức Thành hoàng làng. Giai đoạn trước năm 1945, huyện Thường Tín là một trong những địa bàn nhiều lễ hội nhộn nhịp của xứ Bắc Hà. Thời gian lễ hội thường vào mùa xuân và mùa thu.
Vào mùa xuân, tháng giêng có lễ hội làng Từ Vân vào mùng 6, lễ hội làng An Duyên vào mùng 7, lễ hội Bộ Đầu vào mùng 8, lễ hội chùa Đậu vào mùng 9…Tháng hai có lễ hội đền Lộ (làng Đại Lộ) thu hút rất đông khách thập phương. Lễ hội muộn nhất có quy mô lớn mở vào cuối xuân đầu hạ ở vùng Thường Tín là lễ hội làng Tự Nhiên diễn ra vào mùng 1 tháng 4 và lễ hội chùa Pháp Vân (xã Văn Bình) vào mùng 7 đến mùng 9 tháng 4 âm lịch.
Vào mùa thu, ngày 12 tháng 8 âm lịch là lễ hội làng Triều Đông (xã Tân Minh). Ngày 11 tháng 11 âm lịch ở những làng ven sông Tô Lịch như: Hạ Thái, Khánh Vân, Hoàng Xá, Đỗ Hà đều tổ chức lễ hội tưởng nhớ vị Thành hoàng làng Quách Gia Suy.
Thường Tín còn có một số lễ hội có quy mô lớn,được nhiều người biết đến như: Lễ hội làng Tự Nhiên (xã Tự Nhiên), lễ hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), lễ hội làng Hà Hồi (xã Hà Hồi), lễ hội làng Bộ Đầu (xã Thống Nhất)…
Dù diễn ra ở thời điểm khác nhau của mùa xuân hay mùa thu nhưng Lễ hội ở các địa phương của huyện Thường Tín đều là dịp để văn hóa truyền thống của các địa phương được duy trì, phát huy một cách đầy đủ, sôi nổi. Ngày nay, nét đẹp trong tín ngưỡng, lễ hội các làng quê tiếp tục được lưu giữ, phát triển; trở thành tiềm năng lớn cho phát triển du lịch văn hóa tâm linh trong tương lai.
Ngọc Lâm