Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống
Hà Hồi là xã ở phía đông bắc huyện Thường Tín. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Hà Hồi thuộc tổng Hà Hồi, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Nhắc đến xã Hà Hồi phải nói đến ngôi đình cổ nằm trong trung tâm xã - đình Hà Hồi, là một trong 6 ngôi đình cổ của vùng đồng bằng Bắc bộ còn tồn tại đến ngày nay. Đình được xây dựng cách đây khoảng hơn 400 năm vào thời nhà Lê, thế kỷ XVI.
Toàn cảnh kiến trúc Đình Hà Hồi
Theo các nhà khảo cổ học, thì ngôi đình được xây dựng vào năm 1578, đời Mạc Mậu Hợp, thờ Đức thánh Cao Sơn là Thành hoàng của làng. Do có nhiều công lao với dân với nước, ngài Cao Sơn Đại vương đã được các triều đại phong tặng 24 sắc phong còn lưu giữ đến ngày nay, sắc phong cao nhất là Thượng đẳng tối linh thần.
Theo dòng lịch sử, ngôi đình đã trải qua nhiều triều đại, sự thăng trầm của thời gian và chiến tranh, đình được tu bổ nhiều lần, song vẫn giữ nguyên được những giá trị nghệ thuật, kiến trúc tinh hoa của các nghệ nhân xưa. Đình Hà Hồi được xây dựng bố cục theo hình chữ Tam, hướng Nam chếch Đông, trước mặt là một thủy đình khá lớn.
Tòa đại đình gồm 3 hạng mục lớn, nằm song song liền kề, gồm: Đại bái, Trung cung và Hậu cung. Mái đình được thiết kế theo kiểu hình thuyền lợp ngói mũi, các vì kèo được thiết kế theo hệ thống chồng giường, tạo nên sự vững chắc bề thế cho ngôi đình, phần nền được lát đá nguyên khối, tạo không gian thoáng mát. Đình còn lưu giữ bảo tồn được các mảng kiến trúc chạm trổ, điêu khắc nghệ thuật, thể hiện ở các bức cốn như: Tứ linh (Long, lân, quy, phượng), chuột ngó đầu gậm lá sen, các đầu dư, đầu bẩy chạm khắc rồng hết sức mềm mại và tinh vi.
Hai bức cốn tứ linh và chuột ngó đầu gậm lá sen
Bức hoành phi ở Trung cung phiên âm hán việt là: “Hộ quốc tí dân” (dịch nghĩa: Phù giúp đất nước, che chở muôn dân). Bên canh là đôi câu đối.
Phiên âm Hán việt như sau:
“Nãi văn nãi vũ, thần công hà hải hộ khang dân,
Tối tú tối linh, thánh đức thường lưu phù quốc thái.”
Dịch nghĩa:
“Là văn là võ, công lao của thần như biển hồ ngầm giúp dân chúng yên ổn,
Xuất chúng uy linh, đức của thánh lưu truyền phù trì vận nước thái bình”.
Ngoài gian Đại bái có bức hoành phi chính giữa đề 04 chữ là “Sơn anh hà tú” (Tạm dịch nghĩa là: Núi sông anh linh tối tú). Ngoài ra đình còn lưu giữ được nhiều câu đối, hoành phi, cửa võng…và các hạng mục kiến trúc theo phong cách truyền thống bắc bộ, đặc biệt là hai pho tượng phỗng đá Xiêm Thành ngay trước cửa Hậu cung. Phía ngoài sân, trước thềm đại bái, hai đầu hồi có hai tượng chó đá, chính giữa có hai bệ đá chạm khắc rồng tinh tế, tỉ mỉ bằng đá Lam Sơn (Thanh Hóa).
Ngũ môn Đình Hà Hồi
Hai dãy nhà hai bên (tả mạc – hữu mạc) hơi lùi xuống so với tòa Đình chính. Nhìn tổng thể từ ngoài vào cổng đình Hà Hồi có tới 5 cửa hay còn gọi là (ngũ môn), khác với những ngôi đình khác, cổng được xây dựng thiết kế theo hình vòng cung, ôm lấy ngôi đình, ba cửa chính giữa có dáng dấp của một tam quan, cửa chính cao tới 15m, tầng dưới được xây thành những khối vuông, cửa dạng cuốn vòm, mái kiểu chồng diêm lợp ngói ri. Hai bên cửa phụ được xây dựng nhỏ hơn, theo kiểu một tầng, nối với tường chạy bao quanh diện tích vào đến nhà Tả mạc - hữu mạc.
Không gian giữa Ngũ môn và Đại đình
Qua khỏi Ngũ môn nối với khoảng sân hẹp bắc qua thủy đình là chiếc cầu gạch có 5 nhịp, thành cầu được trang trí những viên gạch có màu men xanh ngọc.
Có thể nói, Đình Hà Hồi là công trình kiến trúc nghệ thuật, toàn bộ không gian là tổng hòa của tri thức, ở đó mang hồn cốt kiến trúc dân tộc, ẩn chứa trong mình cả một hệ thống văn hóa – lịch sử. Với những giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử, Đình Hà Hồi như một báu vật lịch sử mà tiền nhân để lại cho hậu thế. Ngày 23/12/1985, Đình Hà Hồi đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Xuân Tiến