Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống

Hòa Bình đón nhận Quyết định điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng

Làng nghề lược sừng Thụy Ứng đã được UBND Thành phố công nhận là Điểm du lịch của Thành phố Hà Nội tại Quyết định số 4072/QĐ-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2022. Đây là xã thứ 3 của huyện Thường Tín được công nhận là điểm du lịch của Thủ đô.

Toàn cảnh buổi lễ

Ngày 05/3/2023, xã Hòa Bình long trọng tổ chức Lễ đón nhận Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội công nhận Điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng. Đến dự có đồng chí Nguyễn Tiến Minh – Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, đồng chí Trần Trung Hiếu - Phó giám đốc Sở du lịch Hà Nội, đồng chí Bùi Công Thản - Phó chủ tịch UBND huyện.

          Xã Hòa Bình nhận Quyết định của UBND Thành phố

          Các đồng chí lãnh đạo huyện tặng hoa chúc mừng

Nghề làm lược sừng Thụy Ứng có nguồn gốc lịch sử ra đời cách đây hơn 400 năm. Trải qua thăng trầm của lịch sử, biết bao thế hệ người dân trong làng duy trì và gìn giữ, phát triển nghề cho tới ngày nay. Từ nguyên liệu là những chiếc sừng trâu bò, dưới bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của người thợ đã tạo ra nhiều sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, các đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Làng nghề đã thu hút hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm.

Năm 2003, tỉnh Hà Tây đã công nhận danh hiệu Làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử nghề, nâng cao nhận thức của người dân về truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, đưa thương hiệu của làng nghề Thụy Ứng lên một tầm cao mới. Làng Thụy Ứng là khu trung tâm sản xuất kết hợp trải nghiệm và trưng bày sản phẩm của làng nghề; kết hợp thăm quan đình, chùa, di tích lịch sử văn hóa tâm linh, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng. Làng có nhà thờ tổ nghề Lược sừng, cây đa di sản, giếng đá cổ, đình Thụy Ứng (xếp hạng di tích cấp Quốc Gia năm 1991, chùa Thụy Ứng xếp hạng di tịch cấp Thành phố năm 2008).

Các đại biểu thăm quan khu trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề

Trở thành Điểm du lịch làng nghề của Thành phố, mở ra cơ hội để làng nghề lược sừng Thụy Ứng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đồng thời kết nối mạng lưới du lịch các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống của huyện Thường Tín, như Đền thờ Nguyễn Trãi, Chùa Đậu, Văn Từ Thượng Phúc, Điểm du lịch Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, Nhà thờ Bằng Sở, Lễ hội đền Dằm xã Ninh Sở, đền thờ Chử Đồng Tử – Tiên Dung, nhà thờ Nguyễn Trãi, Đền - Bến Chương Dương, đền thờ và lễ hội làng Bộ Đầu (Thống Nhất) … từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Đồng chí Bùi Công Thản – Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu

Đến dự và phát biểu ý kiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín đề nghị xã Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt tinh thần Luật Du lịch, Nghị định 168 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, Thông tư số 06 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

Chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng, phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội làm cho mỗi cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa, tác dụng của việc công nhận điểm du lịch của Thành phố Hà Nội. Đề nghị chính quyền và nhân dân xã Hòa Bình tập trung hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí đáp ứng các yêu cầu của điểm du lịch làng nghề gắn với việc xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu để xã Hòa Bình trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách trong nước và tiến tới thu hút khách quốc tế.

Đẩy mạnh việc liên kết với các địa phương có lợi thế về du lịch trong huyện; liên kết, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các điểm du lịch trên địa bàn Thành phố, tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị du lịch, dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tăng nguồn thu ngân sách, tạo tiền đề cho các ngành kinh tế khác của xã phát triển; đồng thời duy trì và bảo tồn và phát triển nghề truyền thống cũng như các giá trị văn hóa lịch sử của địa phương. 

Tô Quý