Xã - thị trấn

XÃ TIỀN PHONG
Ngày đăng 10/03/2017 | 10:02  | View count: 7207

Xã Tiền Phong nằm ở phía Tây huyện Thường Tín, có diện tích tự nhiên là 4,58 km2, dân số 9.693 người, đa số là người Kinh; Phía bắc giáp xã Hiền Giang, phía đông nam giáp xã Tân Minh, phía tây nam giáp xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai.

Xã Tiền Phong ngày nay gồm 5 thôn: Ngọc Động, Phác Động, Trát Cầu, Thượng Cung và Định Quán.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, các thôn thuộc xã Tiền Phong ngày nay là các xã thuộc Tổng Thượng Cung và tổng La Phù, thuộc phủ Thường Tín, Tỉnh Hà Đông. Tháng 4/1946, xã Trung Hòa, Hồng Quang, La Phù, Triều Đông được thành lập trên cơ sở hợp nhất một số xã nhỏ trong khu vực. Theo đó, xã Trát Cầu trở thành một thôn thuộc xã Trung Hòa; thôn Thượng Cung và thôn Định Quán thuộc xã Hồng Quang; thôn Ngọc Động và thôn Phác Động thuộc xã La Phù.

Đầu năm 1948, các thôn Trát Cầu, Nhân Hiền (thuộc xã Trung Hòa), cùng các thôn Thượng Cung, Định Quán (thuộc xã Hồng Quang), các thôn Quang Hiền, Hưng Hiền, Nhuệ Giang (thuộc xã Hiền Giang) hợp nhất lại thành một xã lấy tên là xã Đại Đồng. Các xã Triều Đông, La Phù hợp nhất thành xã Tân Minh, trong đó có các thôn Phác Động, Ngọc Động. Ngày 19/5/1959, xã Tiền Phong được thành lập, gồm 5 thôn: Trát Cầu, Thượng Cung, Định Quán (thuộc xã Đại Đồng), Phác Động, Ngọc Động (thuộc xã Tân Minh).

Xã Tiền Phong nằm sát Tỉnh lộ 427, cách Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam khoảng 4 km. Từ xã, có thể tỏa đi các địa phương khác qua các đường trục chính, hướng bắc qua cầu Chiếc, hướng đông nam qua Cầu Xém. Sông Nhuệ xưa có vị trí quan trọng về giao thông đường thủy, nay tuyến đê qua địa bàn Thường Tín với chiều dài khoảng 16 km được tu bổ, bề mặt rộng, có 4 cây cầu bê tông vững chắc nối hai bờ, tạo điều kiện cho nhân dân Tiền Phong giao lưu kinh tế - văn hóa với các địa phương.

Từ xưa,nhân dân xã Tiền Phong sống chủ yếu bằng nghề nông, trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi. Bước sang thời kỳ đổi mới, phát triển ngành nghề truyền thống của quê hương, nhân dân Tiền Phong chuyển mạnh sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp cho giá trị kinh tế cao như: chăn ga, gối, đệm; đồ gỗ… Vì vậy, cơ cấu kinh tế cũng có nhiều chuyển dịch, giá trị sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn 13%; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp chiếm 67%; giá trị thương mại dịch vụ đạt 20% (năm 2015).

Xã có 02 di tích cấp Quốc gia (đình làng Ngọc Động được công nhận năm 2006; đình làng Thượng Cung được công nhận năm 1991) và 1 di tích cấp tỉnh, thành phố (Đền làng Trát Cầu được công nhận năm 2002).