Xã - thị trấn
Xã Văn Tự nằm ở phía tây nam huyện Thường Tín, có diện tích tự nhiên là 5,17 km2, dân số 9.563 người, đa số là người Kinh; phía Bắc và Đông Bắc giáp xã Tô Hiệu; phía Nam giáp xã Minh Cường; phía Tây và Tây Nam giáp huyện Phú Xuyên.
Xã Văn Tự ngày nay gồm 4 thôn: Nguyên Hanh, Đinh Xá, An Lãng và Minh Nga. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, các thôn của xã Văn Tự ngày nay thuộc các xã Văn Tự (thôn Đinh Xá, thôn Yên Lãng), Nguyên Hanh, tổng Vạn Điểm. Tháng 4/1946, hai xã Văn Tự và Nguyên Hanh được hợp nhất thành xã Văn Tự, gồm ba thôn: An Lãng, Đinh Xá, Nguyên Hanh. Năm 1948, xã Tô Hiệu được thành lập, trên cơ sở hợp nhất bốn xã An Dương, Tín An, Lưu Khê, Văn Tự lúc đó. Các thôn thuộc xã Văn Tự nằm trong xã Tô Hiệu. Năm 1957, xã Tô Hiệu được tách thành ba xã: Tô Hiệu, Thống Nhất, Phú Cường. Thôn Minh Nga trước đây thuộc xã Tín An (Tô Hiệu cũ) nhập vào xã Phú Cường. Như vậy xã Phú Cường gồm các thôn: Nguyên Hanh, Đinh Xá, An Lãng, Minh Nga. Năm 1972, xã Phú Cường đổi tên, lấy lại tên cũ là xã Văn Tự.
Xã có đường quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam chạy qua; nằm sát đường tỉnh lộ 429 (đường 73 cũ), gần chợ Tía, Đỗ Xá là đầu mối giao lưu hàng hóa khu vực phía nam huyện; tạo điều kiện thuận lợi cho xã phát triển kinh tế-xã hội.
Người dân Văn Tự chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng lúa nước, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài nghề nông, người dân Văn Tự còn làm một số nghề thủ công như: xẻ gỗ, làm pháo (nghề làm pháo hiện nay không còn), các dịch vụ mộc, nề, vận tải... phát triển ở các thôn, xóm. Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, ngày nay, Văn Tự đã có nhiều thay đổi, về cơ cấu kinh tế: Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp giảm dần, đến năm 2015 đạt 18%; tỷ trọng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 43%; tỷ trọng giá trị thương mại – dịch vụ đạt 39%.
Xã có 2 di tích cấp Quốc gia, gồm:Đình làng An Lãng và Đền làng An Lãng được công nhận năm 1996.
Danh nhân có Liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tuyết.