Xã - thị trấn

XÃ THẮNG LỢI
Ngày đăng 10/03/2017 | 09:54  | View count: 7198

Xã Thắng Lợi nằm ở phía Nam huyện, có diện tích tự nhiên là 5,91 km2, dân số là 9.614 người, đa số là người Kinh; phía Bắc giáp xã Quất Động, phía Nam giáp xã Tô Hiệu, phía Tây giáp xã Dũng Tiến, phía Đông giáp xã Lê Lợi và sông Hồng.

Xã Thắng Lợi ngày nay gồm 11 thôn: Kiều Thị, Hướng Dương, Đống Xung, Đào Xá, Khoái Cầu, Mai Xá, Hạ Giáp, Bình Lăng, Khoái Nội, Một Thượng, Phương Cù.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, các thôn thuộc xã Thắng Lợi ngày nay là các thôn, xã thuộc các tổng Đông Cứu, Bình Lăng. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, các thôn, xã được sắp xếp lại, gồm các xã Phúc Bình, Vũ Lăng, Vân Yên Hà. Xã Phúc Bình có các thôn Bất Một Thượng, Phương Cù, Kiều Thị, Đống Xung, Đào Xá, Hướng Dương, Hướng Xá. Xã Vũ Lăng có các thôn Khoái Nội, Khoái Cầu, Bình Lăng, Mai Xá, Bất Một Hạ. Xã Vân Yên Hà có các thôn Từ Vân, Hà Vỹ, An Cảnh. Năm 1948, các xã Phúc Bình, Vũ Lăng, Vân – Yên – Hà được hợp nhất thành xã Lê Lợi.

Năm 1956, xã Lê Lợi tách thành hai xã: Thắng Lợi và Lê Lợi. Xã Thắng Lợi gồm các thôn:  Khoái Nội, Khoái Cầu, Bình Lăng, Bất Một Thượng, Bất Một Hạ, Mai Xá, Phương Cù, Kiều Thị, Đào Xá, Hướng Dương, Đống Xung, Hướng Xá. Năm 1968, thôn Hướng Xá được cắt về xã Quất Động.

Xã nằm dọc hai bên đường Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam; đường liên xã Thắng Lợi – Lê Lợi nối xã Thắng Lợi với đường thủy sông Hồng, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Nhân dân Thắng Lợi sống chủ yếu bằng nghề nông, có nhiều kinh nghiệm cấy lúa, trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một số làng có nghề thủ công truyền thống. Đó là nghề thêu ren, làm lọng thờ ở các thôn Hướng Dương, Đào Xá, Kiều Thị. Sản phẩm thêu của Thắng Lợi chẳng những được bán rộng rãi ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Ngày nay, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xã Thắng Lợi đã đạt được những thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp còn 19%. Tỷ trọng giá trị công nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đạt 81%.

Xã có 7 di tích cấp Quốc gia. Trong đó, có 4 di tích được công nhận năm 1995 (Đình làng Hướng Dương, Chùa làng Hướng Dương, đình làng Khoái Cầu, chùa làng Khoái Cầu) và 3 di tích được công nhận năm 2000 (đình Tây Đào Xá, Đình Đông Đào Xá, chùa làng Đào Xá).

Danh nhân có Phùng Viết Tu đỗ tiến sĩ năm 1652; Phạm Văn Lan đỗ tiến sĩ năm 1580. Đào Tuấn Khanh đỗ tiến sĩ năm 1463; Đinh Thúc Thông đỗ tiến sĩ năm 1463. Đỗ Kim Oánh đỗ tiến sĩ năm 1469; Nguyễn Hãng đỗ tiến sĩ năm 1529.