Xã - thị trấn
Xã Nhị Khê nằm ở phía Bắc huyện Thường Tín, có diện tích tự nhiên là 6,6 km2, dân số 7.333 người, đa số là người Kinh; phía Bắc và phía Tây là sông Tô Lịch, phía Đông là Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam; phía Nam giáp xã Hòa Bình và Văn Bình.
Xã Nhị Khê nằm ở phía Bắc huyện Thường Tín, có diện tích tự nhiên là 6,6 km2, dân số 7.333 người, đa số là người Kinh; phía Bắc và phía Tây là sông Tô Lịch, phía Đông là Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam; phía Nam giáp xã Hòa Bình và Văn Bình.
Xã Nhị Khê hiện nay có 4 thôn (Thượng Đình, Văn Xá, Trung Thôn và Nhị Khê) và phố Quán Gánh. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, các xã, thôn này thuộc tổng Cổ Hiền, Phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Năm 1946, các xã, thôn này hợp nhất lấy tên là xã Lương Văn Can. Tháng 6/1948, xã Lương Văn Can và xã Lam Nhạc hợp nhất thành xã mới, lấy tên là xã Quốc Tuấn. Tháng 5/1959, xã Quốc Tuấn được tách thành 2 xã: Quốc Tuấn và Hòa Bình. Xã Quốc Tuấn mới gồm các thôn: Nhị Khê, Trung thôn, Văn Xá và Thượng Đình. Năm 1970, xã Quốc Tuấn được đổi tên thành xã Nhị Khê.
Nhân dân Nhị Khê sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, làm vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các nghề thủ công cũng sớm phát triển, trong đó, có một số nghề truyền thống nổi tiếng như: Tiện gỗ, làm bánh dày... Ngày nay,cơ cấu kinh tế ở Nhị Khê chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp còn 16%, tỷ trọng giá trị sản xuất thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng lên 84% (năm 2015).
Đường Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam đi qua địa bàn xã, các tuyến đường liên xã nối Nhị Khê với các xã của huyện Thanh Trì và khu trung tâm huyện. Vì vậy Nhị Khê rất thuận lợi trong giao lưu và phát triển kinh tế - xã hội.
Xã có 1 di tích lịch sử cấp Quốc gia (Nhà thờ Nguyễn Trãi được công nhận năm 1964) và 2 di tích cấp thành phố (đình làng Thượng Đình, đền làng Thượng Đình được công nhận năm 2006).
Danh nhân có Nguyễn Phi Khanh đỗ tiến sĩ năm 1374; Nguyễn Trãi – Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới; Nguyễn Trung Lượng đỗ tiến sĩ năm 1676; chí sĩ Lương Văn Can người khởi xướng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đầu thế kỷ XX; Lều Thọ Nam là một trong những người cộng sản đầu tiên của Hà Nội.