Xã - thị trấn

XÃ MINH CƯỜNG
Ngày đăng 10/03/2017 | 09:51  | View count: 8283

1. Địa lý, địa điểm

Xã Minh Cường là xã trực thuộc huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội là xã loại 2 nằm phía Nam cuối huyện Thường Tín cách trung tâm huyện 12 km, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 31km về phía  Nam, xã có 2 tuyến quốc lộ chạy qua là tuyến quốc lộ 1A, đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và tuyến tỉnh lộ  429 chạy qua. Phía bắc giáp xã Văn Tự và Vạn Điểm, phía nam giáp Thị trấn Phú Xuyên và xã Sơn Hà, phía đông giáp Thị trấn Phú Minh và  xã Văn Nhân (Phú Xuyên) . Xã bao gồm 4 làng là: Đống Chanh, Lam Sơn, Trần Phú và Khôn Thôn (Trong đó ¾ thôn được công nhận làng văn hóa, 1 thôn được công nhận làng nghề).

Trên địa bàn xã có 5 cơ quan là: Đơn vị Xăng dầu K133, Phân kho bộ đội K331, Đội 8 - Cảnh sát giao thông công an Thành phố Hà Nội, Hạt Kiểm lâm huyện Thường Tín và 1 trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm của huyện Phú Xuyên đóng trên địa bàn. Phần lớn nhân dân trong xã chủ yếu dựa vào kinh doanh, thương mại, còn lại là sản xuất nông nghiệp.

Với diện tích tự nhiên là 466,24ha, dân số 10.544, mật độ dân số 2349 người/km2, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 88,57%, thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu/người/năm, thương mại – dịch vụ đạt 40,57%, tiểu thủ công nghiệp ngành nghề đạt 48%, nông nghiệp chiếm tỷ lệ 11,43%.      

 Đảng bộ xã Minh Cường có  276  Đảng viên sinh hoạt ở 10 chi bộ. Trong đó có 4 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ Giáo dục, 1 chi bộ Cơ quan, 1 chi bộ Y tế, 1 chi bộ Hợp tác xã nông nghiệp.

2. Về tín ngưỡng

Xã có 2 tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chúa giáo. Trong đó, đạo Thiên chúa có 2.500 giáo dân tập trung sinh sống tại thôn Khôn Thôn, chiếm 24% dân số toàn xã. Toàn xã có 3 ngôi Chùa, 3 ngôi Đền và 4 Đình làng. Tháng 11/1947, Đình làng Trần Phú là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ I.

Trong kháng chiến, với truyền thống Quê hương Chiếc gậy Trường Sơn đã thực hiện tốt khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hàng ngàn người con lên đường đánh giặc cứu nước, có nhiều người đã trở thành Sỹ quan, Quân nhân chuyên nghiệp, hàng trăm người con thành đạt, trưởng thành trên mọi lĩnh vực đang công tác ở mọi Miền của Tổ Quốc.

3. Lịch sử Làng nghề truyền thống cước lưới thôn Trần Phú

Xã có 01 làng nghề truyền thống đó là “Làng nghề cước lưới thôn Trần Phú” được Thành phố công nhận năm 2012. Theo sử sách ghi lại, làng nghề lưới cước Trần Phú được hình thành vào năm 1428. Những người già trong làng vẫn truyền lại cho con cháu của họ câu chuyện về bà Thánh Mẫu, người khai sinh ra nghề làm lưới cước cho người dân Trần Phú. Tục truyền rằng Thánh mẫu là người gốc miền biển Thanh Hóa nhưng bà đã chuyển ra vùng đất làng nghề Trần Phú bây giờ lập nghiệp. 

Trong một chuyến vi hành qua vùng đất này, nhà vua đã tình cờ gặp được bà và đem lòng yêu quý, rước bà về cung phong làm Tứ phi. Tuy nhiên do nhiều năm sống với vua mà không có con, bà đã xin về lại vùng đất Trần Phú sinh sống nốt quãng đời còn lại. Thỏa theo ước nguyện của bà, nhà vua đã ban cho bà một diện tích đất đai rộng lớn để sinh sống lúc tuổi già.

Vốn dĩ là người miền biển, với tính chịu thương chịu khó, bà đã dạy cho người dân nơi đây cách làm lưới đế đánh bắt cá, tôm mưu sinh. Kể từ đó, nghề làm lưới cước tồn tại cho đến ngày hôm nay ở vùng đất này.

Thời điểm những năm 1982-1983, khi nghề đan lưới còn làm hoàn toàn bằng thủ công, để đan được một tấm lưới hoàn chỉnh mất rất nhiều công đoạn và thời gian. Mỗi tấm lưới dù là đơn giản cũng phải cần từ 4-5 người đan bởi nghề đan có đặc thù là nhiều công đoạn và mỗi người lại chỉ chuyên thao tác nào đó. Bởi vậy, tuy nghề làm lưới không mang lại thu nhập cao cho người dân trong làng, nhưng người dân vẫn duy trì bởi nó tận dụng được thời gian rảnh rỗi của nghề nông.

Thời điểm mang tính bước ngoặt trong nghề lưới cước, là vào các năm 1996 và 1997, khi mà lưới cước bắt đầu được sản xuất bằng máy. Các công đoạn thủ công đã được giảm đi nhiều, chỉ còn tập trung vào những khâu quan trọng trong quá trình sản xuất lưới.

Thêm vào đó, thị trường những năm này cũng có nhiều thay đổi. Nếu ngày trước lưới chỉ chủ yếu sử dụng cho đánh bắt cá thì hiện nay nhu cầu sử dụng đã phong phú hơn rất nhiều. Ngoài lưới dùng để đánh bắt cá, lưới còn được sử dụng để bẫy chim, che hoa, che rau, làm bảo hiểm trong các công trình xây dựng ..

Chính nhu cầu sử dụng cao của thị trường đã là yếu tố thúc đẩy nghề lưới cước của làng Trần Phú có những thay đổi vượt bậc. Hiện làng Trần Phú có gần 100 hộ có cửa hàng kinh doanh, xưởng sản xuất lưới với quy mô hàng chục nhân công. 

Theo như người dân trong làng kể lại, vào những năm 1980, sợi cước dùng để đan lưới ở Việt Nam không có. Các cụ trong làng đã phải đặt mua ở Nhật Bản và Singapore theo các đường cảng biển nhưng rất khó khăn và số lượng hạn chế. Ngày đó, thiết bị máy móc để sản xuất ra sợi cước này không ai dám nghĩ đến.Vậy mà hiện nay, ngay tại trên địa bàn xã đã có xưởng sản xuất sợi cước hiện đại được đầu tư gần chục tỷ đồng.

Hiện nay, lưới cước Trần Phú đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu sang cả Trung Quốc, Lào, Campuchia, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho không chỉ 1500 nhân khẩu của làng mà cả những địa phương khác.

Đến miền quê Minh Cường hôm nay, ai ai cũng nhận thấy sự đổi thay của một làng nghề với rất nhiều cái mới, nhưng vẫn giữ được những nét đẹp bình dị của làng quê nông thôn Việt Nam. Xóm làng được thay da đổi thịt, nhiều nhà tầng kiểu biệt thự được mọc lên, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Minh Cường được nâng lên rõ rệt.

4. Thành tích nổi bật của xã

Năm 2015, Xã được công nhận là xã  đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm 2016, Xã được công nhận xã chuẩn văn hóa nông thôn mới.

 

Vân Hồ