KỶ NIỆM 190 NĂM HUYỆN THƯỜNG TÍN tỉnh Hà Nội xưa - Thành phố Hà Nội ngày nay

Thường Tín xưa và nay

Thường Tín là huyện ngoại thành phía Nam thủ đô Hà Nội, vùng đất với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa; phát huy tiềm năng và lợi thế riêng có, Thường Tín đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển kinh tế xã hội, khơi dậy ý chí khát vọng phát triển trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; biến niềm tự hào đất danh hương, trăm nghề, huyện anh hùng thành nội lực, tạo bước phát triển đột phá trong những năm tới, phấn đấu trở thành một quận của Thủ đô Hà Nội.

Lịch sử 190 năm huyện Thường Tín tỉnh Hà nội xưa – nay là thành phố Hà Nội

Thường Tín là vùng đất có dấu tích của người Việt cổ cư trú từ thời kỳ đá mới. Thường Tín có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với Thăng Long - Hà Nội. Đến thế kỷ XV tên gọi Thường Tín mới chính thức đề cập trong các văn bản chính thống của triều đại phong kiến Việt Nam, với ý nghĩa là một đơn vị hành chính cấp Phủ.

Theo Bộ quốc sử triều Nguyễn Đại Nam thực lục: năm Minh Mệnh thứ 12, mùa Đông tháng 10 ngày mồng 1 (tức ngày 4/11/1831 dương lịch), nhà Nguyễn tiến hành cải cách hành chính, chia cả nước thành 30 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội. Tỉnh Hà Nội thống trị bốn phủ gồm: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân; gồm 15 huyện, trong đó có huyện Thượng Phúc. Như vậy, ngày 4/11/1831, huyện Thường Tín (với tên gọi là Thượng Phúc ở thời điểm đó) chính thức là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Hà Nội xưa- nay là Thành phố Hà Nội.

Thường Tín là vùng đất cổ, nơi có nhiều dòng họ lớn, nhiều danh nhân sinh ra và lớn lên từ vùng đất này. Gần 10 thế kỷ dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, Thường Tín có 68 nhà khoa bảng, trở thành địa phương có số lượng nhà khoa bảng lớn nhất Hà Nội, tiêu biểu là Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Khanh, Lý Tử Tấn, Dương Trực Nguyên, Lương Văn Can...

Văn Từ Thượng Phúc nơi thờ tự các nhà khoa bảng của huyện

Huyện Thường Tín còn là vùng quê có bề dày văn hóa, với 450 công trình di tích, tín ngưỡng, văn hóa, trong đó có 123 di tích được xếp hạng cấp Quốc Gia và Thành phố và cũng là nơi lưu giữ nhiều loại hình văn hóa phi vật thể, như các lễ hội truyền thống phản ánh đời sống tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp: Lễ hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên), Lễ hội Chùa Mui (xã Tô Hiệu)...

Người Thường Tín có bản chất cần cù, sáng tạo, sớm biết chế tác những nông cụ và tạo ra những sản phẩm để dùng trong sinh hoạt thường nhật, dần dần hình thành các làng nghề nổi tiếng; bởi vậy, Thường Tín còn được biết đến là vùng “đất trăm nghề”.

 

Thường Tín trên đà phát triển

Sau gần 35 năm đổi mới; 13 năm trở lại là đơn vị cấp huyện của Hà Nội và hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương để phát triển kinh tế -  xã hội, củng cố quốc phòng an ninh phục vụ mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Năm 2020, 22 xã thuộc diện được điều chỉnh quy hoạch chung, đã được UBND huyện phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thực hiện liên kết vùng trong tổ chức sản xuất, xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển đô thị, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, phát huy thế mạnh địa phương. Huyện đang trình UBND thành phố phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Thường Tín đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Huyện Thường Tín xác định Công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn. Trên địa bàn huyện hiện có 11 Cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đăng ký hoạt động, đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động địa phương. Giai đoạn 2015 – 2020, giá trị sản xuất công nghiệp – thủ công nghiệp có tốc độ tăng bình quân 15%/năm. Tổng giá trị thương mại, dịch vụ có tốc độ tăng bình quân 16%/năm. Sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng và hiệu quả ngày càng cao Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng lúa hàng hóa chuyên canh tập trung. Vùng cây ăn quả. Vùng nuôi trồng thủy sản. Có 15 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 14 mô hình liên kết “bốn nhà” trong sản xuất nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao và hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp bền vững.

Huyện Thường Tín còn biết đến là vùng đất trăm nghề, với 82 làng có nghề, trong đó 49 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Các làng nghề làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng, cung cấp cho thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế, như: Sơn mài Hạ Thái. Thêu ren Quất Động. Mây tre đan Ninh Sở. Nghề điêu khắc Nhân Hiền. Nghề làm lược sừng Thụy Ứng. Bánh dầy Quán Gánh. Nghề mộc cao cấp Vạn Điểm, làng nghề hoa cây cảnh Nội Thôn xã Vân Tảo… và nhiều làng nghề đặc sắc khác.

Diện mạo quê hương Thường Tín ngày càng khởi sắc

Trong những năm qua, Huyện đã  tập trung đầu tư xây dựng nâng cấp cải tạo các cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội. Cùng với đó là nhiều các công trình quan trọng khác được đầu tư xây dựng như: Văn từ Thượng phúc – nơi thờ tự các nhà khoa bảng của huyện; Khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Huyện đang tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư các hộ trong dự án xây dựng Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao huyện Thường Tín, đã có 5/8 hộ hoàn thành bàn giao mặt bằng để thi công các hạng mục sân vận động và các khu chức năng. Các cơ quan của huyện đang tiếp tục triển khai công việc trên cơ sở vận dụng cơ chế chính sách, cùng với người dân hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt, làm cơ sở triển khai hoàn thành Dự án quan trọng này. Huyện đang triển khai các bước xin chủ trương của UBND Thành phố đầu tư công trình cầu vượt Dương Trực Nguyên, bắc qua Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam, nối liền tỉnh lộ 427 theo hướng tuyến mới. Công trình Chỉnh trang cửa ngõ phía Tây tỉnh lộ 427 huyện Thường Tín đang được tập trung đâu tư xây dựng, tạo nên diện mạo mới cho các xã phía Tây... Các dự án, công trình đang góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thực hiện mục tiêu sớm đạt tiêu chí Quận của Thủ đô Hà Nội.

Văn hóa xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, hiện nay, 100% thôn, cụm dân cư, tổ dân phố được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, 26 xã có sân thể thao, 3 xã xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao xã, 100% các cơ sở đều có Khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân. Các nhà trường được đầu tư xây dựng phòng học và các phòng chức năng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng giảng dạy và học tập được nâng cấp. Hiện nay toàn huyện 79/88 trường đạt chuẩn Quốc gia. Huyện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây mới, sửa chữa, nâng cấp Trạm y tế xã, thị trấn đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.

Năm 2020, huyện Thường Tín được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2019, Thường Tín 100% xã về đích Nông thôn mới. Hiện nay, toàn huyện có 5 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Dự kiến trong năm 2021 sẽ có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trong dịp kỷ niệm 190 năm huyện Thường Tín tỉnh Hà Nội xưa – Thành phố Hà Nội ngày nay; Huyện Thường Tín vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động Hạng ba, vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Huyện Thường Tín đón nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020

Phát triển trở thành quận của Thành phố Hà Nội.

Đảng bộ huyện Thường Tín lần nhiệm kỳ 2020-2025, đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, phấn đấu cơ bản các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý, gắn với bảo vệ môi trường; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Đến năm 2030, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển kinh tế bền vững; phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí quận của Thủ đô Hà Nội.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, cùng với việc triển khai mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, Thường Tín tập trung vào hai định hướng lớn. Thứ nhất, phát triển thành quận của Thủ đô trong tương lai, một đô thị làng nghề trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực văn hóa của đất trăm nghề, trong đó chú trọng việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội… tạo động lực mới phát triển kinh tế nông thôn. Thứ hai, phát triển đô thị kết nối trên cơ sở tận dụng tối đa thế mạnh của Thường Tín là đầu mối giao thông, có hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy thuận lợi, làm nơi trung chuyển hàng hóa giữa trung tâm Hà Nội và các tỉnh phía Nam…

Phát huy truyền thống 190 năm huyện Thường Tín tỉnh Hà Nội xưa – Thành phố Hà Nội ngày nay, Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Thường Tín tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, để đảm bảo xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục; xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại; môi trường sinh thái trong lành; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê; an ninh, trật tự xã hội đảm bảo; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, xây dựng huyện Thường Tín ngày giàu đẹp, văn minh hiện đại, làm rạng danh “vùng đất danh hương” “khoa bảng” “trăm nghề”, huyện Thường Tín Anh hùng.

 

   Tô Quý, Xuân Tiến