Xã - thị trấn
Xã Nguyễn Trãi ở phía Tây Nam huyện, có diện tích tự nhiên 5,76 km2, dân số 9.841 người, đa số là người Kinh; phía Bắc giáp xã Văn Phú, phía Nam giáp xã Dũng Tiến, phía Đông giáp xã Quất Động, phía Tây giáp xã Tân Minh.
Xã gồm 8 thôn và 01 xóm: Mễ Sơn, Đình Tổ, Lộc Dư, Hòe Thị, Vĩnh Mộ, Gia Khánh, Gia Phúc, Mai Sao và xóm Bến thuộc thôn Đình Tổ. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, các thôn của xã Nguyễn Trãi vốn là các xã thuộc hai tổng La Phù (xã Đình Tổ, Mễ Sơn, Gia Phúc, Gia Khánh, Lộc Dư, Hòe Thị và thôn Mai Sao và Đông Cứu) và Đông Cứu (xã Vĩnh Mộ). Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, qua hai lần tách nhập các xã, đến tháng 10/1948, xã Nguyễn Trãi được thành lập gồm 11 thôn: Thụy Ứng, Vân Trai, Yên Phú, Tả Môn, Lộc Dư, Hòe Thị, Đỉnh Tổ, Mễ Sơn, Gia Khánh, Gia Phúc, Vĩnh Mộ. Năm 1956, xã Nguyễn Trãi tách thành 2 xã: Nguyễn Trãi và Văn Phú. Xã Nguyễn Trãi (mới) gồm 8 thôn, một xóm như ngày nay.
Người dân Nguyễn Trãi sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, và chăn nuôi. Trong quá trình phát triển kinh tế, người dân Nguyễn Trãi mở mang thêm một số nghề thủ công như: nghề mộc, nề, thêu ren, nghề làm bánh kẹo. Ngày nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp giảm còn 21%. Tỷ trọng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đạt gần 79% (năm 2015).
Xã có 05 di tích được công nhận, trong đó có 03 di tích cấp Quốc gia (Chùa Đậu được công nhận năm 1964, đình làng Đình Tổ được công nhận năm 2008, đình làng Gia Khánh được công nhận năm 2015) và 02 di tích cấp tỉnh, thành phố (chùa Vĩnh Mộ, đền làng Vĩnh Mộ được công nhận năm 2003).
Danh nhân có Dương Trực Nguyên đỗ tiến sĩ năm 1490; Dương Hạng đỗ tiến sĩ năm 1532; Lê Kính đỗ tiến sĩ năm 1544; Đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh.