Xã - thị trấn

XÃ VĂN PHÚ
Publish date 10/03/2017 | 10:00  | View count: 5640

Xã Văn Phú nằm sát trung tâm huyện Thường Tín về phía Tây, có diện tích tự nhiên là 3,08 km2, dân số 7.835 người, đa số là người Kinh; phía Bắc giáp xã Văn bình, phía Nam giáp xã Nguyễn Trãi, phía Đông giáp thị trấn Thường Tín, phía Tây giáp xã Hòa Bình.

Xã Văn Phú hiện nay gồm 2 thôn: Văn Trai và Yên Phú. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, các thôn của xã Văn Phú ngày nay là các xã Vân Trai, Yên Phú và Tả Môn phố thuộc tổng Thượng Cung. Đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, các thôn Vân Trai, Yên Phú, Tả Môn thuộc tổng Nhị Khê. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Về tổ chức hành chính, chính phủ quyết định bỏ cấp phủ, tổng thay vào đó là cấp huyện, xã. Theo đó tổng Nhị Khê đổi thành xã Thượng Hiền gồm các thôn: Vân Trai, Yên Phú, Tả Môn và Thụy Ứng. Tháng 10/1948, các thôn: Vân Trai, Yên Phú, Tả Môn, Thụy Ứng (thuộc xã Thượng Hiền) cùng các thôn: Đình Tổ, Mễ Sơn, Lộc Dư, Hòe Thị, Gia Khánh, Gia Phúc (thuộc xã Minh Đăng), thôn Vĩnh Mộ (xã Minh Đức) hợp nhất thành xã mới, lấy tên là xã Nguyễn Trãi.

          Sau cải cách ruộng đất, xã Nguyễn Trãi tách thành hai xã: xã Nguyễn Trãi và xã Văn Phú. Xã Văn Phú gồm ba thôn: Tả Môn, Văn Trai, Yên Phú. Thôn Thụy Ứng cắt về xã Hòa Bình. Đồng thời, thôn Tả Môn đổi tên thành thôn Trần Phú. Ngày 19/3/1988, thị trấn Thường Tín được thành lập. Thôn Trần Phú thuộc xã Văn Phú chuyển về thị trấn Thường Tín. Xã Văn Phú còn lại hai thôn: Văn Trai và Yên Phú như ngày nay.

Đường tỉnh lộ 427 chạy giữa xã, nối quốc lộ 1A với quốc lộ 21B ở phía Tây. Nằm sát thị trấn Thường Tín có ga tàu hỏa Thường Tín, bến xe khách Thường Tín; có chợ Vồi, chợ Bằng là những đầu mối thương mại của huyện. Do đặc điểm nêu trên, Văn Phú có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là địa bàn quan trọng về quốc phòng – an ninh của huyện Thường Tín và thành phố Hà Nội.

           Người dân Văn Phú từ xưa sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, thạo trồng lúa, rau màu, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cùng với nghề nông,Văn Phú phát triển một số nghề thủ công, chế biến thực phẩm, buôn bán. Những năm gần đây, một số nghề như nghề mộc, chạm khảm, thêu ren, dịch vụ may mặc, xây dựng nhà cửa, vận tải cũng được phát triển. Cơ cấu kinh tế hiện nay: sản xuất nông nghiệp đạt 16%; thủ công nghiệp – xây dựng đạt 50%; thương mại – dịch vụ đạt 34%.

Xã có 1 di tích cấp Quốc gia (đền làng Văn Trai được công nhận năm 1990) và 1 di tích cấp tỉnh, thành phố (đình làng Yên Phú được công nhận năm 2004).