Xã - thị trấn
-
Xã Nghiêm Xuyên nằm ở phía Nam huyện Thường Tín, có diện tích tự nhiên là 6,01 km2, dân số 6.451 người, đa số là người Kinh, theo truyền thống thờ cúng tổ tiên, một số ít gia đình thuộc thôn Nghiêm Xá theo đạo Thiên Chúa; phía Bắc giáp xã Dũng Tiến, phía Nam giáp xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên), phía Đông giáp xã Tô Hiệu, phía Tây giáp xã Châu Mai (huyện Thanh Oai).
Xã Nghiêm Xuyên hiện nay gồm 3 thôn: Nghiêm Xá, Cống Xuyên, Liễu Viên. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, các thôn của xã Nghiêm Xuyên thuộc tổng Triều Đông (Liễu Viên, Nghiêm Xá) và tổng Đông Cứu (Cống Xuyên). Tháng 4 năm 1946, xã Cống Xuyên hợp nhất với xã Ba Lăng thành xã Ba Xuyên; xã Liễu Viên hợp nhất với xã Nghiêm Xá thành xã Nghiêm Viên. Các xã Đông Cứu, Cổ Chất, Cao Xá hợp nhất thành xã Đông – Cao – Cổ. Tháng 6/1948, các xã Ba Xuyên, Nghiêm Viên, Đông Cao Cổ hợp nhất thành xã Dũng Tiến gồm 7 thôn: Cống Xuyên, Ba Lăng, Liễu Viên, Nghiêm Xá, Đông Cứu, Cổ Chất, Cao Xá.
Giữa năm 1956, xã Dũng Tiến được tách thành hai xã: Dũng Tiến và Quyết Tiến. Xã Dũng Tiến gồm 4 thôn: Ba Lăng, Cổ Chất, Đông Cứu, Cao Xá. Xã Quyết Tiến gồm 3 thôn: Nghiêm Xá, Cống Xuyên, Liễu Viên. Từ năm 1971, xã Quyết Tiến đổi tên thành xã Nghiêm Xuyên, gồm 3 thôn như ngày nay.
Đường Tỉnh lộ 429 (đường 73 cũ) đi qua địa bàn của xã nối đường lộ 22 phía Tây với Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam để ngược Hà Nội hoặc xuôi các tỉnh phía Nam và theo đường 22 về quận Hà Đông, hoặc qua huyện Mỹ Đức đi tỉnh Hòa Bình. Sông Nhuệ nằm ở phía Tây của xã, chảy theo hướng Bắc Nam, xưa kia là đường giao thông quan trọng, có thể từ xã đi Hà Đông, Hà Nội và xuôi Phủ Lý – Hà Nam. Với hệ thống giao thông thuận lợi, xã Nghiêm Xuyên có điều kiện giao lưu, phát triển kinh tế xã hội; đồng thời là một địa bàn quan trọng về quốc phòng - an ninh.
Nhân dân Nghiêm Xuyên sống chủ yếu bằng nghề nông, giàu kinh nghiệm thâm canh cây lúa, trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá. Nơi đây cũng sớm phát triển một số nghề thủ công, như ươm tơ, nghề mộc, nề...
Xã có 3 di tích cấp Quốc gia (đình làng Cống Xuyên, đình làng Nghiêm Xá, đền Liễu Viên được công nhận năm 1993) và 2 di tích cấp tỉnh, thành phố (Nhà Lưu niệm Bác Hồ về thăm Thường Tín được xếp hạng năm 2008 và nhà thờ họ Hoàng được xếp hạng năm 2014).
Danh nhân có Nguyễn Hữu Dục đỗ Tiến sỹ năm 1544; Nguyễn Văn Hiệp, đỗ tiến sỹ năm 1484; Nguyễn Hoan đỗ Hoàng giáp năm 1487; Nguyễn Trác đỗ Hoàng giáp năm 1490; Nguyễn Ước đỗ Hoàng giáp năm 1526; Bùi Văn Hưu đỗ Tiến sỹ năm 1602; Nguyễn Hữu Trác đỗ Tiến sỹ năm 1602…
-
Tượng Bác Hồ trong khuôn viên nhà truyền thống - nơi Bác về thăm và đông viên nhân dân chống hạn năm 1963,