Tin Xã, thị trấn

Làng Hướng Xá (Quất Động) - nơi để tìm về với những giá trị của thời gian
Ngày đăng 10/05/2022 | 08:49  | View count: 1304

Làng Hướng Xá, xã Quất Động, huyện Thường Tín, một làng quê êm đềm nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 25 km về phía Nam. Nét riêng của làng Hướng Xá chính là nghề thêu do ông tổ nghề Lê Công Hành truyền dạy từ xa xưa. Đây là niềm tự hào, là nét văn hóa truyền thống, những tinh túy của hồn Việt còn được lưu giữ và phát triển trong dòng chảy của đời sống hiện đại ngày nay.

Lịch sử phát triển của làng và nghề thêu truyền thống

Theo các cụ cao niên trong làng, trước kia một bộ phận họ Hồ từ làng Hướng Dương (xã Thắng Lợi) chuyển về đây sinh cơ lập nghiệp, đất lành chim đậu, lại được thế đất làng hình con rồng nên chỉ ít thời gian làng xóm đã đông đúc, trù phú, nhiều dòng họ tiếp tục theo nhau đến cư trú như họ Kiều rồi đến họ Vũ, họ Đặng… Bởi thế, để nhớ về nguồn cội, những cư dân đầu tiên đến đây đã đặt cho làng tên là Hướng Xá, hiểu nôm na là nơi cư trú tách ra từ làng Hướng Dương, xã Thắng Lợi.

Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành tại Đền Thờ Ngũ Xá

Lãnh đạo, cán bộ xã Quất Động dâng hương tại Đền Ngũ Xã

Làng Hướng Xá có từ khi nào không ai còn nhớ, các cụ trong làng cho biết làng là 1 trong 5 làng đầu tiên của huyện được ông tổ Lê Công Hành truyền dạy nghề thêu. Tương truyền, lúc sinh thời, ông từng đi sứ sang nhà Minh. Tại đây, ông đã học được nghề thêu và mang về truyền dạy cho quê hương. Ông từng được các triều Lê và Nguyễn phong 9 đạo sắc, trong đó đạo sớm nhất giữ được là của vua Lê Thần Tông phong năm Đinh Sửu (1637) niên hiệu Dương Hòa thứ 3.

Các cụ cao niên nghiên cứu các đạo sắc phong còn lưu giữ được

Từ khi được ông Lê Công Hành truyền nghề, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Hướng Xá phát triển mạnh nghề thêu, trở thành một nghề quan trọng trong đời sống cộng đồng. Tuy có thăng trầm theo thời gian, song nghề thêu ngày nay vẫn được Nhân dân lưu giữ và phát huy.

Trước thế kỷ XX, thợ thêu đều dùng chỉ thêu được nhuộm màu tự nhiên như: củ nâu, củ nghệ, lá móng hoa hòe, lá chàm, vỏ sò… Tới đầu thế kỷ XX có thêm chỉ thêu từ Pháp, Trung Quốc nên nghệ nhân thêu tạo được nhiều sản phẩm đẹp, mới lạ có giá trị nghệ thuật hơn. Sản phẩm thêu được dùng trong nhiều lĩnh vực, như: thờ cúng, nội thất, y phục, tranh phong cảnh, tranh chân dung…

Trải qua thăng trầm lịch sử, nghề thêu cũng có lúc mai một, song người dân Hướng Xá vẫn luôn trân trọng, gìn giữ, duy trì và phát triển nghề truyền thống của cha ông, đồng thời cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề, tạo ra các sản phẩm thêu có giá trị cao. Với chất liệu ngày một phong phú, qua những đường kim mũi chỉ và sự sáng tạo, nghệ thuật thêu của những người thợ làng Hướng Xá ngày càng lên một tầm cao mới.

Các thợ thêu Hướng Xá miệt mài với sản phẩm thêu tay truyền thống

 Các sản phẩm thêu phong phú của người thợ Hướng Xá đã vượt ra khỏi lũy tre làng, tỏa đi khắp dải đất hình chữ S. Thêu đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình ở Hướng Xá và trở thành ngành nghề thủ công quan trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương.

 

Những di tích biểu trưng cho nét văn hóa truyền thống của Hướng Xá

Đền Ngũ Xã là nơi thờ tự ông Lê Công Hành – Ông tổ nghề thêu. Ngôi đền nằm trên mảnh đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời. Đây là biểu trưng cho nét văn hóa truyền thống của Hướng Xá và nét cổ kính của  làng quê Bắc Bộ cổ xưa.

Đền Ngũ Xã là công trình tưởng niệm ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành do nhân dân xã Quất Động, Thắng Lợi, Dũng Tiến cùng thờ cúng. Ngôi đền có từ thời Lê Trung Hưng. Tuy nhiên quy mô kiến trúc hiện nay của ngôi đền mang dấu ấn đậm nét của những lần trùng tu vào thời Nguyễn. Tổng thể của đền Ngũ Xã gồm tiền tế và hậu cung tạo thành hình chữ nhị.

Trải qua thời gian và những biến động của lịch sử, đền Ngũ Xã hiện nay đã không bảo tồn được quy mô và kết cấu kiến trúc như xưa, song sự hiện diện của di tích mãi là chứng tích của quá trình hình thành và đánh dấu bước cải tiến vượt bậc của nghề thêu cổ truyền Việt Nam, mà người có công khai sáng là ông Lê Công Hành.

Ngoài đền Ngũ Xã, Hướng Xá còn có nhiều công trình văn hóa tiêu biểu, thể hiện bản sắc của người dân địa phương. Trong đó phải kể đến Đình làng Hướng Xá.

Không gian Đình làng và các hoạt động dịp lễ hội

Đình làng Hướng Xá thờ vị thành hoàng làng Đào Công Thắng. Cụ Đào Công Thắng là vị tướng văn võ toàn tài thời vua Đinh Tiên Hoàng khai quốc dẹp loạn 12 sứ quân, người phủ Thường Tín, huyện Thượng Phúc. Cụ đã giúp nhà vua thống nhất đất nước, làm đến đại tướng bình 12 sứ quân và được phong làm đại vương lục quốc triệu lễ bộ công, lần thứ 8, thứ 9 của triều đình. Nhân dân nhớ công ơn người, đã lập đình thờ người và tôn là Thành Hoàng đô hộ Hùng kế Đống Binh Đại Vương. Ngày nay, đình Hướng Xá còn lưu giữ được 4 đạo sắc phong của các đời vua Lê Hiển Tông, Tự đức, Đồng Khánh, Duy Tân và một đạo sắc phong đã bị mục nát phần ghi niên hiệu.

Đình làng Hướng Xá chính là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân thôn Hướng Xá

Ngoài Đình làng và Đền Ngũ Xã, Hướng Xá còn có một hệ thống các công trình kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo khác như: đền Vương Mạc Linh Từ, chùa, miếu Vực… Các công trình này luôn được nhân dân trong vùng gìn giữ, chính là nét riêng trong đời sống văn hóa của người dân Hướng Xá.

Diện mạo Hướng Xá đang ngày càng phát triển

Có thể nói, Hướng Xá hôm nay đang ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Cuộc sống người dân nơi đây đang ngày càng thay đổi, những sản phẩm thêu ngày càng được sáng tạo để tỏa đi xa hơn nhưng giá trị văn hóa truyền thống vẫn còn đó trong tranh thêu, trong những di tích biểu trưng cho nét văn hóa truyền thống của làng quê Việt. Bởi vậy, dù trải qua thăng trầm lịch sử, Hướng Xá sẽ vẫn luôn là nơi lưu giữ tinh hoa của hồn Việt và là nơi để tìm về với những giá trị của thời gian.

 

Xuân Tiến- Hiệu Hương