Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu xã Thường Tín
Tham dự buổi tiếp xúc có các đại biểu: Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và ông Nguyễn Tuấn Thịnh, đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Tại Hội nghị, đại biểu Tạ Đình Thi đã thông tin tới cử tri kết quả Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Tiếp đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh đã báo cáo kết quả trả lời của các cơ quan có thẩm quyền về những kiến nghị của cử tri tại kỳ tiếp xúc trước.
Buổi tiếp xúc ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị tâm huyết, phản ánh những vấn đề dân sinh thiết thực, trong đó quan tâm đến những vấn đề khó khăn vướng mắc sau thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.
Cử tri xã Thường Tín kiến nghị, đề xuất với Đại biểu Quốc hội
Cử tri Nguyễn Tiến Tâm xã Thường Tín nêu vấn đề theo Công văn 09/CV-BCĐ của BCĐ sắp xếp ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp về định hướng số lượng biên chế khối chính quyền mỗi cấp xã bình quân tạm thời bố trí 32 biên chế; đối với cấp xã từ trên 16.000 dân, cứ tăng 2.000 dân được bố trí thêm 1 biên chế và bố trí không quá 50 biên chế/xã và quy định chỉ có 01 cấp phó của 3 cơ quan chuyên môn Văn phòng HĐND & UBND xã, Phòng VHXH, Phòng Kinh tế cấp xã. Từ thực tiễn sau 10 ngày vận hành chính thức, xã Thường Tín đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu ban hành quy định tăng thêm hệ số K thành 2 lần trở lên đối với đơn vị hành chính cấp xã thuộc Thủ đô Hà Nội để đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ; bởi ví dụ như hiện nay Phòng Văn hóa - Xã hội xã, nếu theo chuyên môn dọc là thực hiện sự hướng dẫn của 7 sở ngành chuyên môn cấp tỉnh, khối lượng công việc rất lớn. Kính đề nghị các đại biểu Quốc hội xem xét.
Cử tri Nguyễn Văn Kiên xã Thường Tín đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành quy chế làm việc mẫu của HĐND theo nội dung quy định tại Khoản 5, Điều 5. Luật tổ chức chính quyền địa phương số 72 thông qua ngày 16/6/2025. Ban hành quy định cụ thể về lĩnh vực phụ trách của Ban Văn hóa – xã hội và Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND xã. Ban hành hướng dẫn hoạt động của các Tổ Đại biểu HĐND xã như: hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân phù hợp với thực tế hiện nay khi số lượng đại biểu HĐND xã sau sắp xếp là rất lớn, ví dụ xã Phú Xuyên có gần 300 đại biểu, xã Thường Tín có 200 đại biểu HĐND xã.
Cử tri Vũ Văn Thư xã Thường Tín đề nghị Chính phủ, các bộ ngành và địa phương có liên quan sớm triển khai, đầu tư và đẩy nhanh thi công xây dựng dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, đồng thời quan tâm, hỗ trợ Thành phố Hà Nội sớm triển khai các bước để quy hoạch xây dựng, đấu nối đồng bộ hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng kinh tế kỹ thuật các khu vực tiếp giáp gần quy hoạch đường Vành đai 4, trục cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Quốc lộ 1A phía nam Thủ đô Hà Nội để thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đồng bộ hạ tầng kinh tế kỹ thuật, tạo xung lực mạnh cho sự phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam và làm thay đổi diện mạo, bộ mặt của cửa ngõ phía Nam của Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Cử tri Phạm Hoàng Long xã Chương Dương, nêu vấn đề bất cập trong phân định địa giới hành chính giữa các xã hiện nay, đề nghị Trung ương điều chỉnh lại địa giới hành chính cho phù hợp thực tế đảm bảo đời sống và phong tục tập quán địa phương...
Cử tri xã Hồng Sơn đề nghị Trung ương và Thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, điểm cụm công nghiệp để phát tiền KT-XH, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại buổi tiếp xúc
Phát biểu kết thúc buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội ghi nhận, tổng hợp đầy đủ để gửi đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 9 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử lập Hiến, lập pháp của Quốc hội khóa XV. Các quyết sách, đạo luật được thông qua tại Kỳ họp này có tính cách mạng, khởi đầu cho những cải cách thể chế một cách căn cơ, định hướng những nhiệm vụ cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Bà Nguyễn Phương Thủy cũng gợi mở và nêu một số vấn đề mà các xã cần thực hiện tốt, sau khi chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025. Hiện nay, Trung ương đang đẩy mạnh việc phân cấp phân quyền cho cấp xã nhiều hơn, với phương châm "Địa phương quyết - địa phương làm - địa phương chịu trách nhiệm" do đó cần nâng cao năng lực trình độ cán bộ cấp xã, thay đổi tư duy thói quen cũ, đổi mới cải tiến cách nghĩ, cách làm để thích nghi điều chỉnh phù hợp với yêu cầu công việc hiện nay.
Mong muốn cử tri các xã khắc phục những khó khăn thách thức ban đầu trong quá trình Vận hành mới hình chính quyền địa phương hai cấp. Những vấn đề khó vướng mắc lớn, đề nghị cấp ủy chính quyền cấp xã tập hợp, kịp thời gửi cấp trên để kịp thời có hướng giải pháp, điều chỉnh phù hợp.
"Với tâm thế, tư duy và tầm nhìn mới, các xã sẽ thực hiện thành công đại hội Đảng bộ xã lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030, hướng tới đại Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030" Bà Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.
Tô Quý