Tin tức - sự kiện nổi bật

Những đạo sắc phong của thần đồng cổ còn lưu giữ ở Đình Đông Thai – Xã Vân Tảo
07/11/2018 | 10:14

Theo truyền thuyết kể rằng, thần Đồng Cổ hay còn gọi là thần trống đồng, là vị thần được thờ ở đền Đồng Cổ thuộc núi Đồng Cổ (còn gọi là núi Khả Phong), tỉnh Thanh Hóa, xưa thuộc Bộ Cửu Chân. Thần đã có công phù giúp Vua Hùng đánh giặc ở Hồ Tôn. Sau khi thắng trận trở về, Vua Hùng vào đền làm lễ tạ ơn Thần và cho đúc trống đồng và phong cho thần là “Đồng Cổ Đại Vương".

Sách “Việt Điện U Linh” (soạn từ thế kỷ XIV), truyện Minh chủ linh ứng chiêu cảm bảo hựu đại vương ghi rằng, "Theo Báo cực truyện chép: Vương là thần núi Đồng Cổ ở Thanh Hóa, tục gọi là núi Khả Phong" và có chép về việc: Năm 1020 khi Thái tử Lý Phật Mã theo lệnh vua cha Lý Thái Tổ đi đánh Chiêm Thành. Khi đến Trường Châu (bờ phải sông Mã, nay thuộc xã Yên Thọ), một đêm, thần Đồng Cổ báo mộng cho Lý Phật Mã rằng: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin thái tử sang đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập chút công nhỏ”. Sau khi thắng trận trở về, Lý Phật Mã qua Trường Châu làm lễ tạ ơn và xin được rước linh vị của thần Đồng Cổ về kinh đô thờ phụng để giữ nước hộ dân. Về đến Thăng Long chọn đất lập đền, đêm hôm ấy Thần lại báo mộng rằng: “Xin lập đền ở bên hữu, trong Đại La thành, sau chùa Thánh Thọ”. Thái tử theo lời, cho hưng công xây dựng, không bao lâu đền dựng xong (nay là số 353 đường Thụy Khuêquận Tây HồHà Nội). Đây là nơi tổ chức hội thề Đồng Cổ từ năm 1028 nhà Lý, sang đến nhà Trần. Sau này đến thời kỳ cách mạng đền bị lính Pháp phá hầu hết giai đoạn năm 1947, và chỉ còn sót lại hậu cung.

Làng Đông Thai, xã Vân Tảo, xưa là huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín (nay là huyện Thường Tín) cũng là một trong những địa phương xin rước linh vị, thần tích của ngài về phụng thờ, đình làng Đông Thai được xây dựng từ cổ xưa nơi đây còn lưu giữ được nhiều giá trị nghệ thuật kiến trúc và các hiện vật lịch sử quý như: thần tích về thần Đồng Cổ, 6 đạo sắc phong thời Nguyễn được phong qua các đời vua khác nhau, hệ thống đồ thờ tự như bát hương, hoành phi - câu đối, đỉnh đồng...

Đạo sắc đầu tiên được phong cho thần Đồng Cổ tại đình Đông Thai, thôn Đông Thai, xã Vân Tảo còn lưu giữ được là vào ngày 14 tháng giêng năm Tự Đức thứ 6 (tức năm 1853).

Sắc phong năm Tự Đức thứ 6 (1853) 

Sắc Hà Nội tỉnh Thanh Trì huyện Đông Thai xã nguyên tự thần hiệu vị hữu dự phong.

Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, đàm bố ân chiêm, đặc chuẩn cấp dư Thành hoàng chi thần sắc văn nhất đạo, tặng vi bản cảnh Thành Hoàng linh phù chi thần. Nhưng chuẩn cai xã y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.

Khâm tai!

Tự Đức lục niên chính nguyệt thập tứ nhật

Dịch nghĩa:

Sắc cho thôn Đông Thai huyện Thanh Trì tỉnh Hà Nội vốn là thờ thần chưa được phong hiệu.

Nay trẫm cả vâng mệnh lớn, ban ra ân huệ, đặc biệt chuẩn cho thần Thành Hoàng sắc văn nhất đạo, tặng cho thần là bản cảnh Thành hoàng linh phù. Vẫn chuẩn cho cai xã phụng thờ như cũ. Thần hãy che chở trợ giúp dân ta.

Kinh thay!

Ngày 14 tháng giêng Tự Đức thứ 6.

Cùng niên hiệu vua Tự Đức đình Đông Thai còn được phong thêm hai sắc phong vào những năm Tự Đức thứ 10, Tự Đức thứ 33. Sau đấy vào ngày mùng 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (tức năm 1887) thần Đồng Cổ lại được phong sắc và tặng thêm mỹ tự. Đến năm Duy Tân thứ 3 ngày 11 tháng 8 (tức ngày 24 tháng 9 năm 1909) đình Đông Thai lại được nhà vua ban cấp sắc phong và chuẩn cho việc phụng thờ thần Đồng Cổ như cũ.

Sắc phong năm Duy Tân thứ 3 (1909) 

Phiên âm hán việt:

Sắc chỉ Hà Đông tỉnh Thanh Trì huyện Đông Thai xã tòng tiền phụng sự Anh thanh Minh chiếu Đôn tín Tu mục Tủng bạt Dực Bảo Trung Hưng Đồng Cổ sơn chủ minh Trung Đẳng Thần , tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự.

Duy Tân nguyên niên, tấn quang đại lễ, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Đặc chuẩn y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.

Khâm tai!

Duy Tân tam niên bát nguyệt thập nhất nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc chỉ cho làng Đông Thai huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông trước đây phụng thờ Anh thanh Minh chiếu Đôn tín Tu mục Tủng bạt Dực Bảo Trung Hưng Đồng Cổ sơn chủ minh Trung Đẳng Thần, đã được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng sự.

Duy Tân năm thứ nhất, đại lễ đăng quang, đã ban bảo chiếu ra ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc. Đặc biết chuẩn cho phụng thờ như cũ, dùng để ghi nhớ ngày mừng của nước mà tỏ phép tắc thờ tự.

Kính thay!

Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3

(Ngày 24 tháng 9 năm 1909).

Sắc phong cuối triều Nguyễn phong cho thần Đồng Cổ tại đình Đông Thai là vào ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (tức ngày 28 tháng 8 năm 1924).

Sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924) 

Phiên âm:

Sắc Hà Đông tỉnh Thanh Trì huyện Đông Thai xã tòng tiền phụng sự nguyên tặng Anh thanh Minh chiếu Đôn tín Tu mục Tủng bạt Dực Bảo Trung Hưng Đồng Cổ sơn chủ minh Trung Đẳng Thần, hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự. 

Tứ kim chính trị Trẫm Tứ Tuần Đại Khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trứ gia tặng Khác tĩnh Thượng Đẳng Thần. Đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.

Khâm tai!

Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc cho làng Đông Thai huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông trước đây phụng thờ thần vốn được phong tặng là Anh thanh Minh chiếu Đôn tín Tu mục Tủng bạt Dực Bảo Trung Hưng Đồng Cổ sơn chủ minh Trung Đẳng Thần, bảo vệ cho nước che chở cho dân, linh ứng lâu năm, đã được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng sự.

Nay gặp dịp Tứ Tuần Đại Khánh của Trẫm, đã ban bảo chiếu ra ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc, tặng thêm mỹ tự là Khác tĩnh Thượng Đẳng Thần. Đặc biệt chuẩn cho phụng thờ, dùng để ghi nhớ ngày mừng của nước mà tỏ rõ phép tắc thờ tự.

Kính thay!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9.

(Ngày 28 tháng 8 năm 1924)

Những sắc phong do ông cha để lại có những giá trị đích thực vừa lưu giữ nét văn hóa riêng biệt cũng như giáo dục thế hệ con cháu, phát huy truyền thống tốt đẹp cho đời sau. Việc bảo vệ, gìn giữ được nhiều hiện vật quý trong đó có sắc phong, điều đó minh chứng cho việc bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa một thời của dân tộc nói chung và huyện Thường Tín xã Vân Tảo nói riêng, qua đó nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương.

         Bài và ảnh: Ngô Quynh