TIN TỨC - SỰ KIỆN TIN TỨC - SỰ KIỆN

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bản hùng ca vĩ đại trong lịch sử Việt Nam
Ngày đăng 18/08/2022 | 00:00  | Lượt xem: 11

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã viết nên những trang sử vẻ hào hùng. Cách mạng tháng Tám năm 1945 được coi là một trong những mốc son chói lọi nhất - bản anh hùng ca vĩ đại của lịch sử dân tộc thế kỷ XX. Cùng với cả nước, cán bộ, nhân dân huyện Thường Tín đã có những đóng góp để đưa đất nước ta bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. 

Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội(ảnh tư liệu)

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt phát xít Đức tại Béclin. Ngày 9/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Sau đó, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão vào quân đội Nhật. Phong trào đấu tranh chống Nhật cũng bùng lên mạnh mẽ ở các nước phía Đông và Đông Nam châu Á.

Tại Việt Nam, năm 1945, phong trào cách mạng dâng cao. Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình trong nước và thế giới có lợi cho cách mạng Việt Nam, tháng 3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã kịp thời ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Lúc này, Đảng ta đứng trước một cơ hội lịch sử, giờ phút có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước.

Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội họp, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng: Nổi dậy giành chính quyền từ tay Nhật và bọn bù nhìn tay sai của Nhật trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Đại hội cũng quy định Quốc kỳ, Quốc ca, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu đồng bào ta đồng loạt đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Với sự chuẩn bị chu đáo về đường lối, lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và thời cơ ngàn năm có một, chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 - 28/8/1945), Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thường Tín đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển

(Trung tâm huyện Thường Tín)

Hòa cùng khí thế của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh, hàng nghìn nhân dân huyện Thường Tín đã vùng dậy đập tan bộ máy thống trị của chính quyền thực dân phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng trên phạm vi toàn huyện. Nhìn lại trang sử cách mạng của Thường Tín, đầu tháng 8/1945, toàn huyện có 12 làng có cơ sở cách mạng, với trên 100 quần chúng trong đoàn thể cứu quốc và hàng nghìn thanh niên thuộc tổ chức Thanh niên Xã hội đã được “Việt Minh hóa”.

Với không khí sôi sục của những ngày cách mạng tháng 8/1945, Tổ cứu quốc Hà Hồi do đầu mối cứu quốc ở Bạch Mai chỉ đạo đã vạch ra kế hoạch tổ chức một cuộc tuyên truyền lớn vào ngày 18/8/1945. Lịch sử ghi rõ: Tối 17/8/1945, Tổ Thanh niên cứu quốc Hà Hồi được cán bộ từ đầu mối chỉ đạo ở Bạch Mai,Hà Nội giao nhiệm vụ và hướng dẫn kế hoạch chuyển cuộc tuyên truyền dự kiến trước đây vào ngày 18/8/1945 thành cuộc vũ trang khỏi nghĩa giành chính quyền.

Suốt đêm 17/8/1945, Thanh niên cứu quốc Hà Hồi họp khẩn trương để chuẩn bị cho ngày hôm sau.Đúng 8 giờ sáng, ngày 18/8/1945, các đoàn thanh niên đã đến nơi quy định, thanh niên các làng Thụy Ứng, Văn Trai, Văn Hội và một số làng tập trung tại sân vận động (nay là Trường Trung học phổ thông Thường Tín); thanh niên các làng Bạch Liên, Phương Quế, Khê Hồi, Phú Cốc, Hà Hồi... tập trung tại sân đình Hà Hồi (lực lượng này có Thanh niên cứu quốc bí mật mang theo vũ khí). Đến 10 giờ sáng, các đoàn thanh niên ở hai nơi trên được lệnh cùng tiến lên tập trung ở bãi phủ.

14 giờ 30 cùng ngày, cuộc mít tinh bắt đầu. Cuộc mít tinh vừa bắt đầu được ít phút thì có hai cán bộ Việt Minh thuộc tổ chức Thanh niên cứu quốc Hà Nội đầu mối của lực lượng cứu quốc Bình Vọng mang súng đi thẳng lên diễn đàn. Lực lượng cứu quốc Bình Vọng thực hiện phương án giành diễn đàn, biến cuộc mít tinh thành cuộc biểu tình giành chính quyền huyện. Tổ Thanh niên cứu quốc Hà Hồi nhường diễn đàn cho lực lượng mới đến. Một trong hai người bước lên diễn đàn, kêu gọi Nhân dân và thanh niên hãy ủng hộ Mặt trận Việt Minh đứng lên khởi nghĩa lật đổ chính quyền tay sai phát xít Nhật, thành lập chính quyền cách mạng, giành độc lập, tự do, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Nói chuyện xong, đồng chí ra lệnh hạ cờ quẻ ly, kéo cờ đỏ sao vàng lên. Vừa lúc đó, nhóm Thanh niên cứu quốc Bạch Mai gồm 24 người có trang bị súng ngắn, tiểu liên về hỗ trợ cũng tới nơi. Cuộc mít tinh chuyển thành cuộc biểu tình tuần hành. Cờ đỏ sao vàng giương cao, lôi cuốn Nhân dân các xã xung quanh tham gia diễu hành rầm rộ qua các làng Bình Vọng, Khê Hồi, Phú Cốc, Hà Hồi, Phố Ga Thường Tín...

Đến 17 giờ, đoàn biểu tình tiến vào Phủ Đường. Việc chiếm Phủ Đường diễn ra thuận lợi, nhanh gọn. Việc thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện được thực hiện, gồm 7 ủy viên, trong đó Thanh niên cứu quốc Hà Hồi để cử 3 người, Cứu quốc hội Bình Vọng để cử 4 người tham gia Ủy ban lâm thời.

Lúc 18 giờ cùng ngày, trong cuộc mít tinh đông đảo Nhân dân tổ chức ngay ở bãi phủ, một cán bộ đại diện cho lực lượng khởi nghĩa lên tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai phát xít Nhật, thành lập chính quyền cách mạng. Ủy ban lâm thời cách mạng huyện Thường Tín đã ra mắt quần chúng. Tiếng hoan hô chào mừng thắng lợi, chào mừng chính quyền cách mạng của nhân dân vang lên như sấm dậy.

 77 năm qua, bản hùng ca Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã trở thành ngọn nguồn sức mạnh, là tiền đề quan trọng, động lực mạnh mẽ cổ vũ Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Thường Tín và toàn thể dân tộc Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, gian khổ, kiên cường đấu tranh, giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại. Từ đó, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Xuân Tiến