Hoạt động trong nước, Thành phố
HNP - Ngày 11/4, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tăng cường quản lý công tác văn thư, lưu trữ trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Ảnh minh họa
I. VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
Tăng cường quản lý công tác văn thư, lưu trữ trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Ngày 11/4, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tăng cường quản lý công tác văn thư, lưu trữ trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Văn bản số 414/BNV-VTLTNN ngày 19/3/2025 của Bộ Nội vụ về việc tăng cường quản lý công tác văn thư, lưu trữ trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị. Để bảo đảm công tác văn thư, lưu trữ được thông suốt, liên tục, bảo đảm quản lý an toàn tài liệu trước, trong và sau khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn:
Chịu trách nhiệm đảm bảo công tác văn thư, lưu trữ được thông suốt, liên tục, quản lý an toàn tài liệu trước, trong và sau khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy; thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng con dấu, chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ; bảo vệ bí mật nhà nước.
Tuyệt đối không để xảy ra việc chiếm giữ, chuyển giao, hủy trái phép tài liệu và cơ sở dữ liệu tài liệu; không làm hỏng, thất lạc tài liệu và cơ sở dữ liệu tài liệu; không được phép mang hoặc gửi tài liệu, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ bằng bất cứ hình thức nào ra khỏi nơi bảo quản tài liệu khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo các đơn vị, cá nhân thống kê, lập danh mục hồ sơ, tài liệu về các công việc đã hoàn thành; hồ sơ, tài liệu về các công việc chưa hoàn thành đóng gói, niêm phong và tập kết về phòng, kho bảo quản tập trung. Cần lưu ý tài liệu của cơ quan, tổ chức nào phải được thống kê, tập hợp theo phông lưu trữ của cơ quan, tổ chức đó; đối với hồ sơ, tài liệu về các công việc chưa hoàn thành tập hợp riêng và có ghi chú rõ ràng.
Chịu trách nhiệm bố trí phòng kho, trang thiết bị, nhân lực và các điều kiện cần thiết khác đáp ứng việc tập kết, bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu trong suốt quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy cho đến khi tài liệu được bàn giao cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý sau sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thực hiện nộp hồ sơ có thời hạn bảo quản vĩnh viễn đã được chỉnh lý hoàn chỉnh vào Lưu trữ lịch sử Thành phố theo quy định của pháp luật. Phối hợp với Trung tâm lưu trữ lịch sử Thành phố quản lý tạm thời tài liệu khác cho đến khi tài liệu được bàn giao cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Chỉ đạo đơn vị, cá nhân phối hợp với đơn vị vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê, khoanh vùng dữ liệu trên Hệ thống hoặc trích xuất ra thiết bị lưu trữ và bảo quản an toàn, toàn vẹn tài liệu và cơ sở dữ liệu tài liệu cho đến khi bàn giao cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sau sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đóng phông lưu trữ cơ quan, tổ chức kể từ ngày kết thúc hoạt động; cơ quan, tổ chức không ban hành văn bản hành chính theo thẩm quyền kể từ ngày có quyết định hợp nhất hoặc kết thúc hoạt động có hiệu lực.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thống kê, lập danh mục hồ sơ, tài liệu về các công việc đã hoàn thành, hồ sơ, tài liệu về các công việc chưa hoàn thành đóng gói, niêm phong, bố trí phòng kho, trang thiết bị, nhân lực và các điều kiện bảo đảm khác đáp ứng việc tập kết, bảo vệ, bảo đảm an toàn tài liệu của đơn vị.
Ngay sau khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính mới kịp thời chỉ đạo: Đăng ký mở mới hoặc mở lại tài khoản của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của Thành phố; Hệ thống dịch vụ công; đăng ký cấp con dấu, chứng thư số chuyên dùng công vụ theo quy định; phối hợp với Lưu trữ lịch sử Thành phố, các đơn vị quản lý vận hành hệ thống và các đơn vị có liên quan tiếp nhận tài liệu, cơ sở dữ liệu tài liệu theo thẩm quyền quản lý của pháp luật.
2. Sở Nội vụ:
Chủ trì, tham mưu ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch UBND Thành phố. Tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố, Bộ Nội vụ về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị theo quy định.
Chủ trì khảo sát, thống kê khối lượng, tình trạng bảo quản, đề xuất phương án bảo quản hồ sơ, tài liệu của các cơ quan, đơn vị trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Hướng dẫn UBND cấp huyện thống kê, sắp xếp, đóng gói, niêm phong, xác nhận khối lượng, tình trạng tài liệu giấy, tài liệu mang tin khác (nếu có), tiếp nhận và phối hợp bảo quản tại chỗ đối với tài liệu của các cơ quan, đơn vị cho đến khi bàn giao cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Phối hợp với đơn vị vận hành Hệ thống xây dựng phương án bàn giao tích hợp tài liệu và cơ sở dữ liệu tài liệu trong Hệ thống.
Phối hợp với Sở Tài chính bố trí đủ nguồn lực bảo đảm an toàn tài liệu tại các phòng, kho và cơ sở dữ liệu tài liệu của cơ quan, tổ chức trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy cho đến khi bàn giao cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý.
Chỉ đạo Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu có thời hạn bảo quản vĩnh viễn đã được chỉnh lý hoàn chỉnh của các cơ quan, tổ chức vào Lưu trữ lịch sử Thành phố quản lý; phối hợp với cơ quan, tổ chức tiếp nhận bảo quản tại chỗ toàn bộ tài liệu lưu trữ và bàn giao tài liệu cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý sau sắp xếp tổ chức bộ máy; tham mưu UBND Thành phố ban hành danh mục các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử Thành phố sau sắp xếp tổ chức bộ máy.
3. Sở Tài chính:
Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương lập dự toán kinh phí và thẩm định trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện công tác bàn giao, quản lý, bảo vệ tài liệu (thuê kho, trang thiết bị, dịch vụ bảo vệ ...) trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thẩm định trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện đề án, dự án xử lý nghiệp vụ đối với khối tài liệu của các cơ quan, tổ chức trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Rà soát, đề xuất phương án bố trí địa điểm làm kho lưu trữ tài liệu; bố trí kinh phí cải tạo, lắp đặt trang thiết bị bảo quản hồ sơ, tài liệu của các cơ quan, tổ chức sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
4. Đơn vị quản lý, vận hành Hệ thống:
Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố xem xét cấp mới, đổi tên, đóng mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND Thành phố phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Thành phố và với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành theo quy định; Tiếp nhận, bảo quản an toàn cơ sở dữ liệu tài liệu từ nguồn số hóa của các cơ quan, tổ chức cho đến khi bàn giao về cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sau sắp xếp tổ chức bộ máy.
Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố: Khoanh vùng dữ liệu trên Hệ thống Dịch vụ công; khoanh vùng, đóng gói dữ liệu Thủ tục hành chính theo từng tài khoản của cơ quan, tổ chức kết thúc hoạt động; có phương án đảm bảo các thủ tục hành chính dịch vụ công trên Hệ thống hoạt động thông suốt phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Văn phòng UBND Thành phố: Khoanh vùng cơ sở dữ liệu tài liệu theo từng tài khoản của cơ quan, tổ chức kết thúc hoạt động trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Thành phố ngay sau khi có quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về sắp xếp tổ chức bộ máy; đối với danh mục công việc chưa hoàn thành của cơ quan, đơn vị, cá nhân, xác định phạm vi dữ liệu và lập danh sách tài khoản, chuẩn bị phương án bàn giao khi có chỉ đạo; khoanh vùng dữ liệu đối với tài liệu vĩnh viễn theo từng tài khoản của cơ quan, tổ chức trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Thành phố chuyển giao cho Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố quản lý; mở tài khoản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân mới, bảo đảm kết nối với tài liệu, cơ sở dữ liệu tài liệu liên quan trước đó để bảo đảm không gián đoạn việc giải quyết công việc trên Hệ thống.
Các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống có phương án khai thác, sử dụng tài liệu và cơ sở dữ liệu tài liệu trong Hệ thống để phục vụ nhu cầu cấp thiết của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong suốt quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo thông suốt, không ngắt quãng.
5. Công an Thành phố:
Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong việc giải mật; bảo quản, thống kê, lập danh mục; bàn giao dữ liệu, tài liệu mật, thiết bị lưu trữ bí mật.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương bố trí nguồn lực bảo vệ an toàn tài liệu, phòng chống cháy nổ tại các phòng, kho bảo quản tài liệu tạm thời trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thực hiện thu hồi con dấu khi cơ quan, đơn vị kết thúc hoạt động; cấp con dấu, giấy đăng ký mẫu con dấu ngay sau khi cơ quan mới đi vào hoạt động để kịp thời giải quyết công việc và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Điều tra, xử lý khi phát hiện tình trạng cố tình chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu trái phép, mua bán, chuyển giao tài liệu trái phép trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Hội nghị gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Ngày 11/4, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND về tổ chức Hội nghị gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1945-30/4/1975).
Theo đó, Kế hoạch thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách; tôn vinh và tri ân những cống hiến, đóng góp to lớn của các đại biểu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cổ vũ, động viên cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách giữ vững và phát huy truền thống anh hùng cách mạng, cùng toàn Đảng, toàn dân chung sức đồng lòng, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
Theo Kế hoạch, Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; cơ quan chủ trì thực hiện là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp cùng Văn phòng Trung ương Đảng, Thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Giao Sở Du lịch bố trí đón tiếp đại biểu các tỉnh từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra dự kiến từ chiều ngày 14/4/2025 và sáng ngày 15/4/2025. Hội nghị gặp mặt chính thức vào 14h00 ngày thứ Ba 15/4/2025 tại Hội trường Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, số 8, đường Phạm Hùng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm với 330 đại biểu theo thành phần tại Kế hoạch của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.
Dự kiến mức quà bằng tiền mặt dành tặng 280 đại biểu là 2 triệu đồng/đại biểu. Mức chi vận dụng bằng mức tặng quà người có công của thành phố Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được Thường trực Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ thống nhất chủ trương tại Thông báo của Thành uỷ Hà Nội. Và mời cơm thân dự kiến 500 người bao gồm đại biểu Trung ương, đại biểu Thành phố, đại biểu dự Hội nghị gặp mặt và cán bộ phục vụ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu với mức chi là 1.000.000 đồng/suất theo quy định tại Nghị quyết của HĐND Thành phố.
Đề nghị Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy là đầu mối phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra rà soát, tổng hợp danh sách đại biểu dự Hội nghị.
Bộ Tư lệnh Thủ đô bố trí Hội trường, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức Hội nghị gặp mặt đảm bảo trang trọng, chu đáo; bố trí phòng khánh tiết đầu giờ đón tiếp đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thành phố tới dự Hội nghị.
Nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới
Ngày 10/4, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND về triển khai thực hiện Kế hoạch số 299-KH/TU ngày 20/02/2025 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư "về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới".
Kế hoạch triển khai thực hiện 05 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về tín dụng chính sách xã hội: Các Sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố; UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, đồng thời nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội là giải pháp sáng tạo, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và từng địa phương; thể hiện quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, lấy con người làm trung tâm; là động lực, nguồn lực để những người thụ hưởng chính sách xã hội tích cực, chủ động tham gia phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống.
Xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương hàng năm, giai đoạn 05 năm và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sở Khoa học và Công nghệ, Báo Hànộimới, Báo Kinh tế và Đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình, Trung tâm Truyền thông, Dữ liệu và Công nghệ số và các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn Thành phố; Trung tâm phục vụ Hành chính công Thành phố phối hợp với Chi nhánh NHCSXH và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội trên ứng dụng iHanoi và các kênh truyền thông của Thành phố.
2. Tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội: Đảm bảo nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH Thành phố thực hiện tín dụng chính sách xã hội được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của Thành phố, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, nhất là các đối tượng đặc thù được quy định tại Nghị quyết của HĐND Thành phố; các đối tượng yếu thế của xã hội; người lao động chưa có việc làm/bị mất việc làm, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm sau khi thực hiện chia tách sáp nhập địa giới hành chính, tinh gọn bộ máy quản lý trên địa bàn; đối tượng thụ hưởng chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, nhà ở xã hội… Chủ động tham mưu giải pháp về tín dụng chính sách xã hội gắn với bố trí ngân sách Thành phố để triển khai thực hiện trong các Chương trình, Kế hoạch của Thành phố về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội hàng năm và giai đoạn 5 năm phù hợp với bối cảnh thực tế của từng giai đoạn.
Trong giai đoạn 2025-2030, tập trung bố trí vốn từ ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH Thành phố khoảng 6.000 tỷ đồng để cho vay đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.
Trong đó, Sở Tài chính chủ trì tham mưu thực hiện nội dung bố trí ngân sách Thành phố chuyển bổ sung vốn ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH Thành phố hàng năm và giai đoạn 5 năm.
Sở Nội vụ chủ trì tham mưu thực hiện các nội dung về công tác rà soát nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Môi trường, Công an Thành phố, Sở Xây dựng, Chi nhánh NHCSXH Thành phố và các Sở, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu các nội dung liên quan đến cơ chế chính sách, xây dựng giải pháp về tín dụng chính sách xã hội đối với các đối tượng thụ hưởng trong các Chương trình, Kế hoạch của Thành phố.
3. Nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
4. Tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và từng địa phương trong bối cảnh mới.
5. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn: Chi nhánh NHCSXH phối hợp với UBND và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã nâng cao chất lượng hoạt động của các Điểm giao dịch tại cấp xã, tạo điều kiện cho nhân dân và các đối tượng thụ hưởng tiếp cận kịp thời với các thông tin tín dụng chính sách và giao dịch với NHCSXH.
Chi nhánh NHCSXH phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố; tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội triển khai các tiện ích, các ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, phần mềm hỗ trợ gắn với đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, số hóa quy trình quản lý và tổ chức thực hiện tín dụng chính sách, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân liên quan trong giao dịch với NHCSXH.
Các Sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố; UBND các cấp phối hợp với Chi nhánh NHCSXH hỗ trợ cơ sở vật chất và tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao để phục vụ tốt người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố.
Điều chỉnh một số nội dung Quyết định số 6830/QĐ-UBND của UBND Thành phố
Ngày 10/4, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 1980/QĐ-UBND về việc điều chỉnh một số nội dung Quyết định số 6830/QĐ-UBND ngày 19/12/2014 của UBND Thành phố.
Theo Quyết định, điều chỉnh nội dung Quyết định số 6830/QĐ-UBND ngày 19/12/2014 của UBND Thành phố về việc thu hồi 363m2 đất tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy; cho Công ty TNHH phát triển phần mềm và đào tạo (EDT) thuê 3.626m2 đất tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy để đầu tư xây dựng Văn phòng làm việc kết hợp Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin, cụ thể:
Điều chỉnh tên tổ chức thuê đất thành: "Công ty cổ phần phát triển phần mềm và đào tạo".
Lý do điều chỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần – mã số doanh nghiệp 0101060439 thay đổi lần thứ 12, ngày 15/01/2025.
Điều chỉnh nội dung đoạn 1 khoản 2 Điều 1 đã được điều chỉnh tại Quyết định số 779/QĐ-UBND ngày 18/02/2020 của UBND Thành phố thành:
"2. Cho Công ty cổ phần phát triển phần mềm và đào tạo thuê 3.626m2 đất tại ô đất ký hiệu X1, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, gồm: diện tích đất thu hồi tại khoản 1 Điều này và 3.263m2 đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân đã được UBND quận Cầu Giấy quyết định thu hồi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Văn phòng làm việc kết hợp Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin theo dự án đầu tư được UBND Thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000334 ngày 02/10/2009, điều chỉnh lần 01 ngày 22/8/2014; các Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 2329/QĐ-UBND ngày 15/5/2018, số 4955/QĐ-UBND ngày 23/11/2021, số 663/QĐ-UBND ngày 10/02/2025 của UBND Thành phố."
Lý do điều chỉnh: UBND Thành phố chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại các Quyết định số 4955/QĐ-UBND ngày 23/11/2021 và số 663/QĐ UBND ngày 10/02/2025.
Các nội dung khác tại Quyết định số 6830/QĐ-UBND ngày 19/12/2014 và Quyết định số 779/QĐ-UBND ngày 18/02/2020 của UBND Thành phố giữ nguyên hiệu lực.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Kiện toàn thành viên Hội đồng kiến trúc thành phố Hà Nội
Ngày 11/4, UBND Thành phố ban hành Quyết định 1984/QĐ-UBND về việc kiện toàn thành viên Hội đồng kiến trúc thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, Hội đồng gồm các thành viên sau: Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng; Ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội làm Phó Chủ tịch Hội đồng; 01 Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phụ trách nội dung lấy ý kiến Hội đồng; ủy viên: Ông Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội; Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; Ông Tô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội; Bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội; Ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; Ông Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; Ông Hoàng Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và đại diện Lãnh đạo địa phương có liên quan đến công trình, nội dung lấy ý kiến Hội đồng; 02 thành viên là chuyên gia độc lập của ngành, lĩnh vực được mời cụ thể theo liên quan tính chất công trình và đồ án quy hoạch.
Tùy trường hợp cụ thể, UBND Thành phố có yêu cầu mời thêm Thành viên mở rộng (3-5 người).
Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc là cơ quan thường trực giúp việc Hội đồng: Phối hợp với các cơ quan đơn vị, lập, ban hành thông báo và cập nhật kịp thời danh sách các thành viên thay đổi trong quá trình hoạt động. Các thành viên, cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản để cử người thay thế đối với các thành viên đã nghỉ hưu, chuyển công tác... gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc để ban hành thông báo kiện toàn danh sách thành viên Hội đồng...
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Ban hành 03 Quyết định về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 03 Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường
Ngày 11/4, UBND Thành phố ban hành 03 Quyết định: số 1986/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội; Quyết định số 1987/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội; Quyết định số 1988/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định số 1986/QĐ-UBND, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội (Chi cục) là tổ chức hành chính thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường. Chi cục có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và Môi trường theo quy định của pháp luật; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Chi cục có chức năng giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu cho UBND Thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật.
Chi cục thực hiện 14 nhiệm vụ với cơ cấu tổ chức gồm Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng và 05 phòng chuyên môn, 12 đơn vị.
Năm 2025, Chi cục được giao 291 biên chế, trong đó, công chức là 108, viên chức là 107 người; HĐLĐ theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP là 71; HĐLĐ theo Nghị quyết 26/NQ-HĐND là 05 biên chế.
Tại Quyết định số 1987/QĐ-UBND, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y là tổ chức hành chính thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường. Chi cục có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và Môi trường theo quy định; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Chi cục có chức năng giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu cho UBND Thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về chăn nuôi, thủy sản và thú y trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Chi cục thực hiện 14 nhiệm vụ với cơ cấu tổ chức gồm Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng và 06 phòng chuyên môn, 08 đơn vị.
Năm 2025, Chi cục được giao là 215 chỉ tiêu biên chế, trong đó có 104 biên chế công chức; 81 biên chế viên chức (NSNN); 05 chỉ tiêu lao động hợp đồng theo Nghị quyết 26/2024/NQ-NĐND; 25 chỉ tiêu HĐLĐ theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP.
Với Quyết định số 1988/QĐ-UBND, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (Chi cục) là tổ chức hành chính thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường. Chi cục có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và Môi trường theo quy định của pháp luật; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Chi cục có chức năng giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu cho UBND Thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về lâm nghiệp, kiểm lâm theo quy định của pháp luật.
Chi cục thực hiện 14 nhiệm vụ với cơ cấu tổ chức gồm Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng và 05 phòng chuyên môn, 10 đơn vị.
Năm 2025, Chi cục gồm 121 Công chức, 71 LĐHĐ theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP.
Cả 03 quyết định trên có hiệu lực kể từ ngày ký.
II. THÔNG TIN PHẢN HỒI BÁO CHÍ
1. Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo kiểm tra, xử lý thông tin Tạp chí điện tử Việt - Mỹ phản ánh về nhiều Câu lạc bộ Poker ở Hà Nội vẫn "sát phạt" thâu đêm, bất chấp Quốc tang.
Ngày 10/4, UBND Thành phố ban hành Công văn số 1356/UBND-TTĐT về việc kiểm tra, xử lý thông tin Tạp chí điện tử Việt - Mỹ có đăng bài viết "Bất chấp Quốc tang, nhiều Câu lạc bộ Poker ở Hà Nội vẫn "sát phạt" thâu đêm" phản ánh về Câu lạc bộ Royal Poker Club Hà Nội tổ chức giải đấu có thưởng trong 2 ngày Quốc tang là ngày 4 và 5/4.
Về việc này, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh giao UBND quận Đống Đa chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin Tạp chí điện tử Việt - Mỹ phản ánh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có); báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện trước ngày 15/4/2025.
2. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn chỉ đạo kiểm tra, xử lý thông tin báo Vnexpress phản ánh 2.000 dân chung cư Hà Nội không dám dùng nước máy vì "hôi tanh".
Ngày 11/4, Văn phòng UBND Thành phố ban hành Công văn số 4710/VP-ĐT về việc kiểm tra, xử lý thông tin Báo Vnexpress có đưa tin 2.000 dân chung cư Hà Nội không dám dùng nước máy vì "hôi tanh", phản ánh tình trạng thiếu nước sạch, nước sạch không đảm bảo chất lượng tại chung cư SDU, quận Hà Đông.
Về việc này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét thông tin báo chí nêu trên; khẩn trương xử lý các vấn đề liên quan để việc cung cấp nước sạch đảm bảo chất lượng, ổn định phục vụ Nhân dân; báo cáo kết quả thực hiện về UBND Thành phố trước ngày 20/4/2025.
Theo hanoi.gov.vn
TIN TỨC - SỰ KIỆN
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
- Phòng chống cháy nổ, tội phạm
- Phòng Chống tham nhũng
- Kỷ niệm 190 năm Huyện Thường Tín
- Hướng tới Đại hội đảng toàn quốc
- Công khai ngân sách
- Quy hoạch, xây dựng đô thị
- 70 năm đảng bộ thường tín
- Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
- Đầu tư công
- Thông tin tuyển dụng
- An toàn thực phẩm
- Người tốt việc tốt