TIN TỨC KHÁC TIN TỨC KHÁC

Phê duyệt dự án Nâng cấp đường tỉnh 427
Ngày đăng 14/04/2025 | 09:00  | Lượt xem: 67

Theo Quyết định số 1953/QĐ-UBND ngày 09/4/2025 về việc phê duyệt dự án Nâng cấp đường tỉnh 427 theo quy hoạch trên địa bàn huyện Thường Tín đoạn từ Cầu Chiếc (Km8+500) đến cầu vượt Dương Trực Nguyên (Km11+566) – Ngã ba Ga – Cầu Dừa.

Dự án nhằm tạo ra một tuyến đường giao thông có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và đi lại của nhân dân trong khu vực. Nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu giao thông trên tuyến tỉnh lộ 427 và kết nối thông suốt với các đường trục giao thông chính trong khu vực; Cải thiện các biện pháp tổ chức giao thông, an toàn giao thông nhằm tạo nên một tuyến giao thông thông suốt và hiệu quả; Góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông thành phố Hà Nội theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/03/2016; Tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và nâng cao mức sống của người dân huyện Thường Tín, góp phần vào sự phát triển chung của Thành phố.

Đây là dự án nhóm B; Cấp II; Loại công trình giao thông đường bộ do UBND huyện Thường Tín làm chủ đầu tư với quy mô tổng chiều dài khoảng 3,59km bao gồm 5 đoạn với các hạng mục: Giải phóng mặt bằng; Xây dựng nền mặt đường, hè đường, cầu vượt kênh, thoát nước mưa, thoát nước thải, hệ thống an toàn giao thông, kè nền đường, PCCC, hoàn trả mương thủy lợi, chiếu sáng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khác…

Tải trọng trục xe tính toán tiêu chuẩn thiết kế đường là 10T; Tải trọng thiết kế cống và công trình: HL93; Kết cấu áo đường mềm, mặt đường bê tông nhựa. Mô đun đàn hồi yêu cầu Eyc ≥ 140 MPa đối với đoạn 1 và Mô đun đàn hồi yêu cầu Eyc ≥ 155MPa đối với đoạn còn lại (nằm trong thị trấn Thường Tín).

UBND huyện Thường Tín sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chuẩn xác của khối lượng, kinh phí; Kết quả tính toán kết cấu và tính hợp pháp của hồ sơ trình phê duyệt; Năng lực của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, lập dự án đầu tư. Quá trình triển khai tiếp theo cần tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Thủ đô, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu... các quy định hiện hành của Nhà nước và UBND Thành phố về thực hiện dự án đầu tư; Đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường... theo đúng quy định.

Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng theo lộ trình tại các Quyết định: số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ; số 2029/QĐ-UBND ngày 17/4/2024 của UBND Thành phố. Mức độ chi tiết của mô hình thông tin công trình (BIM) đảm bảo các quy định tại Quyết định số 5835/QĐ-UBND ngày 08/11/2024 của UBND Thành phố nhằm nâng cao chất lượng công trình xây dựng.

Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp thiết kế ứng dụng giao thông thông minh (ITS) phục vụ quản lý điều hành giao thông phục vụ điều tiết việc đi lại của phương tiện trên đường, chống ùn tắc, nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống giao thông trên địa bàn, đảm bảo kết nối đồng bộ về trung tâm quản lý Công an Thành phố và Trung tâm điều hành giao thông thông minh.

Tổ chức quản lý dự án đầu tư và lựa chọn nhà thầu thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu.

Phối hợp với chủ đầu tư các dự án đầu tư liên quan để thống nhất phương án thiết kế các hạng mục đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực dự án đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh trùng lắp, lãng phí; Có biện pháp tổ chức thi công phù hợp, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và giảm thiểu ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân tại khu vực dự án đầu tư,...