DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Đình Nghiêm Xá
Ngày đăng 25/02/2019 | 00:00  | Lượt xem: 26

Đình Nghiêm Xá mang tên của làng Nghiêm Xá, thuộc xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín. Làng Nghiêm Xá có tên nôm là Kẻ Ngườm, xưa thuộc tổng Triều Đông, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng.

Căn cứ vào 10 đạo sắc phong và dòng chữ hán ghi trên bài vị hiện lưu tại di tích thì đình Nghiêm Xá thờ thành hoàng là 12 vị Tiên hiền đỗ đăng khoa (tiến sĩ) và trạng nguyên Nguyễn Hiền. Đó là các vị Hàn lâm viện tham chính Nguyễn Lộc, Đệ nhị tháp Ngô Ước, nhập nội hành khiển Dương tướng công, Đô ngự sử Ngô Hoán, Hàn lâm viên tham chính Nguyễn Hạp, Hiến sát sứ Nguyễn Hữu Tác, Công bộ tả thị lang Bùi Văn Khụy, Hàn lâm tham chính Ngô Thầm, Hoàng giáp Nguyễn Trạc, Đại thành trí Tuyên vương và trạng nguyên Nguyễn Hiền.

Đình không còn thần phả, chỉ còn cuốn văn tế bằng chữ Hán. Văn tế cũng ghi tên và chức tước các vị đỗ đại đăng khoa nói trên. Đó là các vị khoa bảng thời Trần và thời Lê, quê quán và triều đại khác nhau nhưng đều đỗ đăng khoa trước thế kỷ XVII.

Sự tôn vinh các vị học hành đỗ đạt cao làm thành hoàng làng là một hiện tượng độc đáo khi nghiên cứu về văn hóa làng. Đó là truyền thống đề cao việc học, tôn trọng nhân tài đã có công lao mang kiến thức giúp vua, giúp nước. thông qua việc tế lễ một hình thức tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ đối với nhân tài, mà những nhân vật lịch sử này xuất thân vốn thành đạt từ đèn sách – người xưa hẳn muốn đề cao việc học của tiền nhân cho những lớp người sau. Cổ nhân còn xây cả mộ trạng nguyên Nguyễn Hiền, đỗ khoa Đinh Mùi niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình (năm 1247) đời Trần Thái Tông, ở cạnh làng Liễu Viên. Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên năm đó mới 13 tuổi, nhà vua phải cho về quê ba năm “chờ bổ dụng”.

Đình Nghiêm Xá là một công trình tưởng niệm các thần văn độc đáo hiếm thấy ở tỉnh Hà Tây cũ (nay đã sáp nhập vào TP. Hà Nội) về mặt niên đại xây dựng và kiến thức kiến trúc. Nếu coi đình Tây Đằng (Ba vì) là một trong những ngôi đình cổ nhất ở Việt Nam – qua việc nghiên cứu truyền thống và văn hóa người ta đã đoán định niên đại vào khoảng thế kỷ XV – XVI thì đình Nghiêm Xá, niên đại tạo dựng còn giữ được rành rành dòng chữ Hán khắc trên thượng lương: “Vĩnh Trị nhịn niên Đinh Tỵ thập nhị nguyệt cốc nhật thượng lương bắc thượng tôn ngũ giáp” (ngày lành tháng 12 năm Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh trị thứ hai, giáp Bắc thượng dựng thượng lương). Đó là năm 1677.

Trải qua biết bao biến động lịch sử hơn ba trăm năm qua, đình Nghiêm Xá vẫn “ trơ gan cùng tuế nguyệt”. Tòa Đại bái vẫn giữ nguyên cấu trúc theo hình thức bốn hàng chân gỗ và vì nóc giá chiêng – kẻ suốt. Những dấu ấn kiến trúc, điêu khắc đặc trưng của thế kỷ XVII được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Đại bái được chia thành 3 gian 2 dĩ. Gian giữa còn dấu tích ban thờ gắn trên hai cột cái và cột quân phía trong, vì khởi thủy, ở thế kỷ này, đình Nghiêm Xá vốn xây dựng kiểu chữ nhất (-). Hơn hai năm sau làng mới xây thêm tòa Hậu cung ở phía sau. Ở Đại bái, hai vì kèo ở đầu hồi với những kẻ suốt bằng gỗ lim 4,35m đã tạo nên độ dốc của mái và sự liên kết của bộ khung chịu lực.

Về điêu khắc, các bức cốn cổ xưa còn khá nguyên vẹn. Nghệ nhân xưa đã chạm nổi các tích “Độc long” – một con rồng miện loe, mắt lồi, tai dơi, râu tóc hình tia lửa, đao mác. “Cá hóa rồng” là bức chạm sinh động; Đầu rồng nhưng đuôi vẫn là đuôi cá, lại có cả những bức rồng đang bắt sóc. Tay rồng có đủ các ngón, chộp một chú sóc con. Ba bốn chú sóc khác phải ngấm nghé đứng nhìn ái ngại. Độc đáo nữa là bức chạm nổi “Lưỡng long tranh châu”. Nghệ nhân xưa chạm nổi hai con rồng tranh nhau một viên ngọc nhưng một con vật thứ ba xuất hiện: một con sóc cũng nhảy ra cùng “nói chuyện” với các “đấng tối thượng” các yếu tố hoa văn truyền thống, cung đình và văn hóa dân gian đan xen đến mức tuyệt mỹ. Đó cũng là sự biểu hiện, sự phản ánh trung thực đời sống tư tưởng và tình cảm của người lao động hồi thế kỷ XVII – lúc chính quyền thống trị đang bị sa sút, văn hóa nghệ thuật dân gian với sức sống mãnh liệt độc đáo, khôi phục nền văn hóa dân tộc bước vào giai đoạn phát triển mới.

Vì những giá trị lịch sử văn hóa ấy, đình Nghiêm Xá đã được Bộ Văn hóa công nhận từ năm 1993 và ngày nay đang được nhiều người quan tâm bảo vệ và nghiên cứu.

 

Xã Nghiêm Xuyên