Hướng dẫn thực hiện pháp luật

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CHUNG CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
Ngày đăng 20/04/2020 | 15:19  | View count: 1823

 

1. Một số khái niệm cơ bản trong phòng, chống bệnh truyền, nhiễm

Để các quy định pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm được hiểu đúng, đầy đủ thì chúng ta cần phải hiểu một số khái niệm cơ bản trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Theo quy định tại Điều 2 Luật, phòng chống bệnh truyền nhiễm

- Bệnh truyền nhiễm: là “bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm”.

- Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm: là “vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm”

- N gười mắc bệnh truyền nhiễm: là “người bị nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có biểu hiện triệu chứng bệnh” 

- Người mang mầm bệnh truyền nhiễm: là người mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhưng không có biểu hiện triệu chứng bệnh.

- Người tiếp xúc: Là người có tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, trung gian truyền bệnh và có khả năng mắc bệnh

- Người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm: Là người tiếp xúc hoặc người có biểu hiện triệu chứng bệnh truyền nhiễm nhưng chưa rõ tác nhân gây bệnh.

- Dịch: là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định.

- Vùng có dịch: là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch.

- Vùng có nguy cơ dịch: là khu vực lân cận với vùng có dịch hoặc xuất hiện các yếu tố gây dịch.

- Cách ly y tế: là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

2. Phân loại bệnh truyền nhiễm: 

Hiện nay, theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì bệnh truyền nhiễm được chia thành 03 nhóm theo các mức độ nguy hiểm khác nhau:

- Nhóm A: gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

như bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola); bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh...

- Nhóm B: các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. 

Như bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh lao phổi; bệnh sốt rét...

- Nhóm C: gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh. Như  bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột...

3. Về Nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm: 

Phòng bệnh được xem là giải pháp cần thiết trong kiểm soát mọi dịch bệnh. Điều 4 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 xác định các nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm như sau:

Một là: Lấy phòng bệnh là chính trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Hai là: Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là: Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch.

Bốn là: Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch

4. Các hành vi bị nghiêm cấm

Theo quy định tại Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, những hành vi sau bị nghiêm cấm:

- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

- Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

- Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Các hành vi nêu trên đều mang tính chất nguy hiểm cho xã hội. Tuỳ thuộc vào tính chất vi phạm và mức độ nguy hiểm của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, kỷ luật hoặc trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm của mình.

5. Trách nhiệm chung của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Theo quy định tại Điều 7 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sau trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm:

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo chống dịch.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

6. Công bố dịch.

Theo quy định tại Điều 38 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm dịch bệnh thì mọi trường hợp có dịch đều phải công bố và việc công bố phải công khai, chính xác, đúng thẩm quyền. Theo đó trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đề nghị công bố dịch thì:

-  Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố về dịch (theo đề nghị của Giám đốc sở y tế) đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C;

- Bộ trưởng bộ y tế công bố dịch (theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh) đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch;

- Thủ tướng Chính phủ công bố dịch (theo đề nghị của Bộ trưởng bộ y tế) đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.

Nội dung công bố dịch gồm: Tên bệnh dịch; Thời gian, địa điểm và quy mô xảy ra dịch; Nguyên nhân, đường lây truyền, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch; Các biện pháp phòng, chống dịch; Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm.

7. Ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch (Điều 42, 43 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm)

Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Nội dung ban bố tình trạng khẩn cấp khi có dịch bao gồm: Lý do ban bố tình trạng khẩn cấp; Địa bàn trong tình trạng khẩn cấp; Ngày, giờ bắt đầu tình trạng khẩn cấp;Thẩm quyền tổ chức thi hành nghị quyết hoặc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

8. Các biện pháp chống dịch

Theo quy định Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Từ Điều 46 đến Điều 56) thì các biện pháp chống dịch bao gồm:

- Thành lập Ban chỉ đạo chống dịch.

- Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh

- Tổ chức cách ly y tế

- Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch

- Các biện pháp bảo vệ cá nhân

- Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch

- Kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A

 - Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch

8.1. Thành lập ban chỉ đạo chống dịch.

Ban chỉ đạo chống dịch được thành lập ngay sau khi dịch được công bố.

Ban chỉ đạo chống dịch quốc gia gồm đại diện của cơ quan y tế, tài chính, thông tin - truyền thông, ngoại giao, quốc phòng, công an và các cơ quan liên quan khác. Căn cứ vào phạm vi địa bàn được công bố dịch và tính chất của dịch, Thủ tướng có thể tự mình hoặc chỉ định một Phó Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng Ban chỉ đạo. Bộ Y tế là thường trực của Ban chỉ đạo;

Ban chỉ đạo chống dịch cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã gồm đại diện của cơ quan y tế, tài chính, thông tin - truyền thông, quân đội, công an và các cơ quan liên quan khác. Trưởng ban chỉ đạo chống dịch là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Cơ quan y tế cùng cấp là thường trực của Ban chỉ đạo.

Ban chỉ đạo chống dịch có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch và khắc phục hậu quả của dịch, thành lập đội chống dịch cơ động để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị và xử lý ổ dịch.

Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về thẩm quyền thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo chống dịch các cấ

8.2. Khai báo, báo cáo dịch:

Khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch.

Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch, cơ quan y tế phải báo cáo cho Uỷ ban nhân dân nơi xảy ra dịch và cơ sở y tế dự phòng để khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể chế độ khai báo, báo cáo dịch.

8.3. Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh

Ban chỉ đạo chống dịch chỉ đạo việc áp dụng các biện pháp sau đây để tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc bệnh dịch và người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch:

- Phân loại, sơ cứu, cấp cứu kịp thời người mắc bệnh dịch theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế;

- Huy động phương tiện, thuốc, thiết bị y tế, giường bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và bố trí cán bộ y tế chuyên môn trực 24/24 giờ để sẵn sàng cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh phục vụ chống dịch. Người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí;

- Căn cứ vào tính chất, mức độ và quy mô của bệnh dịch, Ban chỉ đạo chống dịch quyết định áp dụng các biện pháp sau đây:

+ Tổ chức các cơ sở điều trị tại vùng có dịch để tiếp nhận, cấp cứu người mắc bệnh dịch;

+ Điều động đội chống dịch cơ động vào vùng có dịch để thực hiện việc phát hiện, cấp cứu và điều trị tại chỗ người mắc bệnh dịch; chuyển người mắc bệnh dịch về các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Huy động các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh phục vụ chống dịch;

+ Áp dụng các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

8.4. Tổ chức cách ly y tế 

- Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly.

- Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.

- Cơ sở y tế trong vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo chống dịch. Trường hợp các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.

8.5. Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch

Các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế bao gồm:

- Vệ sinh môi trường, nước, thực phẩm và vệ sinh cá nhân;

b) Diệt trùng, tẩy uế khu vực được xác định hoặc nghi ngờ có tác nhân gây bệnh dịch;

- Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác là trung gian truyền bệnh.

Đội chống dịch cơ động có trách nhiệm thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế theo quy trình chuyên môn ngay sau khi được Ban chỉ đạo chống dịch yêu cầu.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền; trường hợp không tự giác thực hiện thì cơ quan y tế có quyền áp dụng các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế bắt buộc.

8.6. Các biện pháp bảo vệ cá nhân

Người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện một hoặc một số biện pháp bảo vệ cá nhân sau đây:

- Trang bị bảo vệ cá nhân;

- Sử dụng thuốc phòng bệnh;

- Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh;

- Sử dụng hoá chất diệt khuẩn, hoá chất phòng trung gian truyền bệnh.

Nhà nước bảo đảm cho người tham gia chống dịch thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này.

8.7. Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch 

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau đây:

- Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

- Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch;

- Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.

Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này.

8.8. Kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A

Các biện pháp kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A bao gồm:

- Hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế;

- Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch;

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;

- Các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng có dịch để thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này.

8.9. Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch

Việc thành lập Ban chỉ đạo chống dịch trong tình trạng khẩn cấp thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 46 của Luật này.   

Trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Trưởng Ban chỉ đạo có quyền:

- Huy động, trưng dụng các nguồn lực quy định tại Điều 55 của Luật này;

- Đặt biển báo hiệu, trạm gác và hướng dẫn việc đi lại tránh vùng có dịch;

- Yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch;

- Cấm tập trung đông người và các hoạt động khác có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

- Cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch;

- Tổ chức tẩy uế, khử độc trên phạm vi rộng;

- Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người;

- Áp dụng các biện pháp khác quy định tại Mục 3 của Chương này.

8.10. Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch

Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm và quy mô của bệnh dịch đe dọa đến sức khoẻ nhân dân, người có thẩm quyền được huy động người, huy động, trưng dụng cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc, hoá chất, vật tư y tế, cơ sở dịch vụ công cộng, phương tiện giao thông và các nguồn lực khác để chống dịch. Các phương tiện giao thông tham gia chống dịch được ưu tiên theo pháp luật về giao thông.

Việc trưng dụng quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Tài sản đã trưng dụng phải được vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trước khi hoàn trả.

Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định tại Luật này.

8.11. Hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch

Khi có dịch xảy ra, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định hợp tác quốc tế về trao đổi mẫu bệnh phẩm, thông tin dịch, chuyên môn, kỹ thuật, chuyên gia, thiết bị, kinh phí trong hoạt động chống dịch.

Trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các quốc gia, các tổ chức quốc tế hỗ trợ nguồn lực để chống dịch và phối hợp triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan.

 

HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT HUYỆN