Xã - thị trấn

XÃ LIÊN PHƯƠNG
Publish date 10/03/2017 | 09:49  | View count: 6386

Xã Liên Phương nằm ở phía Bắc huyện Thường Tín, có diện tích tự nhiên 2,53 km2, dân số 8.562 người, đa số là người Kinh; phía Bắc giáp xã Duyên Thái và Ninh Sở, phía Nam giáp xã Hà Hồi, phía Đông giáp xã Vân Tảo, phía Tây giáp xã Văn Bình.

Xã Liên Phương ngày nay gồm 2 thôn: Bạch Liên và Phương Quế. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Bạch Liên, Phương Quế là hai xã thuộc tổng Hà Hồi, Phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Năm 1948, trước yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hai xã Bạch Liên, Phương Quế hợp nhất với các xã Giáp Hội, Bình Vọng thành một xã mới mang tên xã Cộng Hòa, gồm 5 thôn: Văn Giáp, Văn Hội, Bình Vọng, Bạch Liên, Phương Quế. Tháng 8/1956, xã Bạch Đằng được tách thành 02 xã: Bạch Đằng và Liên Phương. Xã Liên Phương gồm 02 thôn như ngày nay.

Xã có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, gần với Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam và đường thủy sông Hồng, với bến cảng Hồng Vân và nhiều bến đò sang Hưng Yên. Đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ chạy qua địa bàn xã. Đường Tỉnh lộ 427 phía Nam xã, nối đê sông Hồng với Quốc lộ 1A.

Nhân dân Liên Phương giỏi cấy lúa, trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong nhiều thế kỷ trước, sông Kim Ngưu rộng lớn chảy qua địa bàn xã, nhân dân phát triển nghề đánh cá, tạo nguồn thu nhập từ nông – ngư nghiệp. Ngoài nghề nông, nhân dân Liên Phương thạo nghề giao thương, buôn bán, phát triển một số nghề thủ công như bút lông, sáo trúc, làm lưỡi câu. Theo thời gian, do nhu cầu phát triển kinh tế, những nghề truyền thống này bị mai một dần. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong 30 năm (1986 - 2016), thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Liên Phương đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp giảm xuống còn 21%; tỷ trọng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp – thương mại, dịch vụ tăng lên 79%.

Xã có 02 di tích cấp Quốc gia (Đình làng Phương Quế được công nhận năm 2011, đình làng Bạch Liên được công nhận năm 2012) và 01 di tích cấp thành phố (nhà thờ Hoàng giáp Nguyễn Vĩnh Tích được công nhận năm 2008)

Danh nhân cóNguyễn Vĩnh Tích đỗ tiến sĩ khoa Mậu thìn (1448);  Lê Trữ đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1568); Nguyễn Đăng Sỹ đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670); Từ Bá Cơ đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1712). Từ Trọng Đĩnh đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu (1721).