TIN TỨC - SỰ KIỆN NỔI BẬT
Di sản Văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Xác định tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Xuất phát từ ý nghĩa đó và trước yêu cầu tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Theo đó, việc tổ chức Ngày Di sản Văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nét cổ kính Tam quan chùa Hưng Hiền, xã Hiền Giang
Thường Tín là huyện có truyền thống văn hóa lâu đời. Theo danh mục kiểm kê, hiện nay, Thường Tín có 123 di tích đã được xếp hạng (61 di tích cấp quốc gia, 62 di tích cấp thành phố), trong đó có 25 ngôi chùa, 16 ngôi đền, 63 ngôi đình, 9 nhà thờ, 1 trường học, 1 nhà lưu niệm, 1 miếu, 1 bến, 2 lăng đá và 1 văn chỉ). Trong những năm qua, được sự quan tâm của Thành phố, UBND huyện và chính quyền cơ sở, sự ủng hộ của Nhân dân, các nhà hảo tâm, nhiều di tích trên địa bàn huyện được tu bổ, tôn tạo. Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích được thực hiện theo đúng quy dịnh. Các công trình tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Ngoài ra, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong công tác quản lý, tu bổ tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; hằng năm, thực hiện việc khảo sát, kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di tích với mục tiêu gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá một cách bền vững, tạo nguồn lực để phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu văn hóa tại nơi các di sản văn hóa phi vật thể được công bố, góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; triển khai đồng bộ công tác bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu để đánh giá giá trị của từng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, khai thác giá trị phù hợp và đạt hiệu quả thiết thực, phục vụ công tác giáo dục truyền thống của nhân dân địa phương.
Cùng với các giá trị văn hóa vật chất như hệ thống di tích đình, chùa, đền, quán, miếu, nhà thờ danh nhân... huyện Thường Tín còn có những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như: kho tàng tục ngữ, dân ca, các sinh hoạt lễ hội, các tích trò dân gian đậm nét nhân văn: Kéo lửa nấu cơm thi, các cuộc thi võ cổ truyền, hát trống quân, tuồng, chèo, chầu văn...Trong đó, hệ thống lễ hội dân gian là giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương từ bao đời nay.
Kiến trúc độc đáo đình Nghiêm Xá, xã Nghiêm Xuyên
Hàng năm, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành bám sát, chỉ đạo, định hướng và thực hiện có hiệu quả. Hoạt động lễ hội trên địa bàn cơ bản đã đi vào nề nếp, ổn định, tạo không khí vui tươi, lành mạnh. Phần lễ được tổ chức gọn nhẹ, trang nghiêm, tiết kiệm; nội dung phần tế, nghi lễ rước kiệu thực hiện theo nghi thức truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Phần hội gồm các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao được tổ chức phong phú tạo được không khí vui, phấn khởi cho du khách và nhân dân dự hội.
Kỷ niệm 76 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/1945 – 23/11/2021) trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, huyện đã tạm dừng tổ chức lễ hội truyền thống năm 2021, lễ đón nhận các danh hiệu văn hóa năm 2020; các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch không tổ chức đón khách để phòng chống dịch theo quy định. Song song đó, những người làm công tác quản lý, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản Văn hóa trên địa bàn huyện cần tích cực, chủ động thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa Việt Nam và các văn bản pháp quy về tu bổ, tôn tạo di tích, kiểm kê, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời có những việc làm thiết thực nhằm góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn huyện.
Hoài Thu
TIN TỨC - SỰ KIỆN
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
- Phòng chống cháy nổ, tội phạm
- Phòng Chống tham nhũng
- Kỷ niệm 190 năm Huyện Thường Tín
- Hướng tới Đại hội đảng toàn quốc
- Công khai ngân sách
- Quy hoạch, xây dựng đô thị
- 70 năm đảng bộ thường tín
- Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
- Đầu tư công
- Thông tin tuyển dụng
- An toàn thực phẩm
- Người tốt việc tốt