TIẾP CẬN THÔNG TIN
HNP - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 7/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Tham dự thảo luận có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Phạm Thị Thanh Mai, cùng các đại biểu Tổ đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội.
Quang cảnh thảo luận tổ
Tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu bày tỏ thống nhất với sự cần thiết trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), nhằm phục vụ cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy các cấp.
Cho ý kiến về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị nhấn mạnh thêm quan điểm sửa đổi luật nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nền công vụ, đội ngũ cán bộ công chức minh bạch, hiệu quả; lưu ý rà soát thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung, hoàn thiện các quy định về cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, đảm bảo tính liên thông trong hệ thống chính trị, liên thông với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan; có các quy định ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý cán bộ, nhất là số hóa quy trình tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức, giảm thủ tục phiền hà, rườm rà.
Góp ý quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức tại mục 3 Chương 4 của dự thảo luật, có ý kiến đề nghị nghiên cứu đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn. (Luật hiện hành đã có quy định này, nhưng trong quá trình triển khai còn lúng túng). Bởi vị trí việc làm bao gồm cả ngạch công chức, do đó để đảm bảo tính khả thi, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục đánh giá, quy định rõ ràng cụ thể, trong đó có cơ chế vị trí chức danh, ngạch công chức và chỉ tiêu biên chế.
"Đối với quy định về đánh giá cán bộ công chức tại Điều 19 của dự thảo Luật, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể việc áp dụng các cơ chế đánh giá dựa trên KPI, đánh giá dựa trên ý kiến phản hồi của người dân và doanh nghiệp… Từ đó đảm bảo công tác đánh giá cán bộ, công chức minh bạch, rõ ràng hơn", đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị.
Các đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ
Cùng với đó, đại biểu đề nghị rà soát các quy định tạo động lực cho cán bộ, công chức, trong đó có chính sách lương, thưởng, gắn với hiệu suất và điều kiện làm việc; nghiên cứu hệ thống lương đảm bảo quyền lợi và động lực cho cán bộ công chức làm việc.
Các ý kiến cũng thống nhất với quy định của dự thảo Luật về một số nội dung mang tính nguyên tắc về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ và giao Chính phủ quy định khung chính sách; người đứng đầu Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Góp ý hoàn thiện dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các ý kiến cho rằng, dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và các nội dung đang được dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 2013, cụ thể hóa các yêu cầu, định hướng về thực hiện mô hình địa phương 02 cấp; sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đại biểu đồng tình với chủ trương chuyển phần lớn nhiệm vụ, quyền hạn cấp huyện về cấp xã; tăng thêm thẩm quyền, tổ chức, bộ máy cho cấp xã, nhất là các công việc nhằm giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân. Tuy nhiên, các quy định của dự thảo luật còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm của cấp tỉnh – cơ quan trực tiếp theo dõi, đánh giá khả năng thực hiện nhiệm vụ của cấp xã.
Các đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ
"Trong khi đang kiện toàn tổ chức bộ máy, cần có cơ chế để cấp tỉnh cử cán bộ trực tiếp xuống xử lý công việc, hoặc đưa nhiệm vụ từ cấp xã lên tỉnh để xử lý, để giảm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và xã hội", đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu quan điểm.
Về mô hình tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các xã, một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định về mô hình tổ chức Ủy ban nhân dân linh hoạt đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, vùng miền và đúng với tinh thần tinh gọn bộ máy tổ chức. Tương tự, đối với mô hình của Hội đồng nhân dân cấp xã, không nên quy định cứng trong luật, mà giao cho cơ quan có thẩm quyền quy định mô hình tổ chức, hoặc điều chỉnh lĩnh vực hoạt động của các Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Bùi Huyền Mai cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền cấp xã như Tờ trình của Chính phủ sẽ đủ cơ sở pháp lý để vận hành trơn tru, hiệu quả cao; đồng thời đề nghị cân nhắc mở rộng thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể linh hoạt trong tổ chức các cơ quan chuyên môn; kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố chủ động bố trí cán bộ công chức phù hợp với yêu cầu và quy mô dân số.
Về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp tại Chương 3, dự thảo luật đã đề cập đến các quy định về phân cấp, ủy quyền - đây là cuộc cách mạng về cách thức vận hành chính quyền cấp xã, từ chỗ thụ động thực hiện nhiệm vụ công việc do cấp huyện giao, sang chủ động tổ chức thực hiện các công việc được phân cấp, ủy quyền.
"Về thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân tại Điều 31, tôi thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, theo đó Thường trực HĐND được quyết định chế độ chi ngân sách để thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể trên địa bàn hoặc thực hiện nhiệm vụ cấp bách theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền", đại biểu Bùi Huyền Mai cho biết.
Về quy định chuyển tiếp tại Điều 54 của dự thảo Luật, một số đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát quy định chuyển tiếp của dự thảo Luật và các quy định khác có liên quan để bao quát hết các trường hợp cần chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn, công việc của chính quyền cấp huyện khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp (không tổ chức cấp huyện), tránh bỏ sót, trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn làm ảnh hưởng đến tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của chính quyền địa phương, cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo hanoi.gov.vn
TIN TỨC - SỰ KIỆN
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
- Phòng chống cháy nổ, tội phạm
- Phòng Chống tham nhũng
- Kỷ niệm 190 năm Huyện Thường Tín
- Hướng tới Đại hội đảng toàn quốc
- Công khai ngân sách
- Quy hoạch, xây dựng đô thị
- 70 năm đảng bộ thường tín
- Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
- Đầu tư công
- Thông tin tuyển dụng
- An toàn thực phẩm
- Người tốt việc tốt