Di tích lịch sử

ĐÌNH HẠ, ĐÌNH THƯỢNG
Publish date 02/02/2018 | 11:19  | View count: 3728

Đình Hạ, đình Thượng thuộc xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

Theo truyền thuyết, thần phả và các đạo sắc phong còn lưu lại thì hai đình thờ Chử Đồng Tử (một trong tứ bất tử của người Việt) cùng hai phu nhân là công chúa Tiên Dung và nàng Hồng Vân. Sau khi công chúa Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử làm chồng, hai người đã học được phép tiên trị bệnh cứu người và cùng dân làng cải tạo, mở mang đất đai, trồng trọt, chăn nuôi lập nên xóm làng trù phú. Vua Hùng nghe tin, cả giận sai quân lính bắt về triều đình để trị tội. Biết tin đó, Chử Đồng Tử và Tiên Dung hóa phép bay về trời, mang theo nàng Hồng Vân của đất Tự Nhiên. Nhân dân biết ơn lập đền thờ.

Đình Thượng và đình Hạ là hai công trình kiến trúc nằm song song, có niên đại tương đồng nhau, được khởi dựng vào thời Hậu Lê; tôn tạo, tu sửa làm Hậu cung vào cuối triều Nguyễn. Có điểm khác nhau là Đại bái đình Thượng không có tích “Rồng mẫu tử” mà có tích “Độc long”. Đình Thượng có 69 đạo sắc phong nhiều hơn đình Hạ 03 sắc phong.

Lễ hội của làng Tự Nhiên diễn ra vào ngày mồng 01/4 (âm lịch). Vào ngày này, dân làng tổ chức lễ rước Long Ngư bao gồm 07 cỗ kiệu của ba đình: Đình Thượng, đình Hạ, đình Thủy tộc để tái hiện lại thiên tình sử mấy ngàn năm về trước của Chử Đồng Tử và Tiên Dung.

Hai ngôi đình đều được xếp hạng di tích cấp Quốc gia: Đình Hạ xếp hạng năm 1988, đình Thượng  xếp hạng năm 2002.

Quang cảnh khu di tích đình Hạ, đình Thượng

Đình Hạ

Đình Thượng

Ngọc Lâm