Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống

Đình Vĩnh Lộc

Ngôi đình này mang tên của làng, gọi là đình Vĩnh Lộc. Thế kỷ XIX về trước gọi làng là Chương Lộc, đầu thế kỷ XX gọi là Vĩnh Lộc. Nay thuộc xã Thư Phú, huyện Thường Tín.

Theo thần phả do Hàn lâm các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1592) thì đình Vĩnh Lộc thờ thành hoàng là Thiên Cương đại vương. Sự tích truyền rằng: Thời nhà Lý, theo đường đê sông Nhị Hà (sông Hồng), với 5 vạn quân trong tay, nhà vua theo đường thủy đến bãi Tự Nhiên thì trời nổi phong ba bão táp. Nhà vua cho quân sĩ lên bờ nghỉ. Lý công Uẩn lại vào làng Vĩnh Lộc (Cách bãi Tự Nhiên vài nghìn mét) nghỉ lại một đêm trong miếu cổ. Vua Lý Thái Tổ được thần báo mộng Thiên Cương sẽ âm phù cho nhà vua đánh tan giặc Chăm Pa đang kéo sang đánh phá kinh thành Thăng Long.

Sáng hôm sau, nhà vua tiếp tục xuất quân chinh phạt giặc ngoại xâm. Sau khi thắng trận, Lý Công Uẩn ban cho dân làng 5 hốt vàng để xây dựng miếu thờ Thiên Cương đại vương. Nền miếu sau này dân làng xây dựng ngôi đình hiện nay.

Hiện tại, đình Vĩnh Lộc kiến trúc kiểu chữ nhị (=) bao gồm một tòa Đại bái và Hậu cung, hai bên có hai dãy tả Hữu mạc. Phía ngoài đình có hệ thống cột trụ, tường bao đắp vẽ công phu.

Đại bái đình Vĩnh Lộc là công trình kiến trúc có quy mô khá to lớn, với chiều dài 18m, rộng 9m được chia làm 5 gian với 24 cột gỗ lim to lớn, chu vi trung bình mỗi cột 1,42m. Đây là công trình kiến trúc thời hậu Lê.

Trên câu đầu bên tả còn khắc chữ Hán “Cảnh Hưng tứ thập lục niên đại tu cốc nhật lượng thời Kiến trúc thượng lương” (1785). Kết cấu vì kèo ở Đại bái theo lối chồng rường. Phía trước cột còn viết tích chỗ xưa kia lắp sàn. Về điêu khắc, các bức cốn đều theo tích “Ngự long hý thủy” hoặc “Tứ linh truyền bát” con rồng, rùa, cá chép, sóng nước... đều được chạm khắc khá công phu, bố cục hài hòa tinh xảo.

Năm Cảnh Hưng thứ 46 (1785) là năm đại tu đình Vĩnh Lộc. Đây là lúc phong trào Tây Sơn đã đánh tan quân Xiêm ở Rạch Gầm, Soài Mút và đang chuyển mục tiêu đấu trang ra đàng ngoài. Ngày 21/4/1786, quân Tây Sơn tiêu diệt họ Trịnh giải phóng kinh thành Thăng Long, xóa bỏ triều Lê mục nát, khí thế oanh liệt của phong trào Tây Sơn và ngọn lửa đấu tranh của nông dân đã tác động mạnh vào tư tưởng, tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân đàng ngoài, phải chăng đã ảnh hưởng đến những người thợ đã xây dựng ngôi đình này. Có thể nói đình Vĩnh Lộc là công trình kiến trúc – tôn giáo mang niên hiệu cuối cùng của triều Lê.

Hậu cung đình Vĩnh Lộc có chiều dài xấp xỉ tòa Đại bái và gần sát Đại bái. Mái sau Đại bái và mái trước Hậu cung chảy chung một máng nước. Trên máng này trong kháng chiến chống Pháp là nơi trú ẩn bí mật của du kích và cán bộ kháng chiến tỉnh huyện. Hậu cung chia làm ba gian về kiến trúc thiên về bền chắc bào trơn đóng bén. Hậu cung là nơi dân làng bài trí và lưu giữ nhiều di vật thời Lê.

Có thể nói đình Vĩnh Lộc là một công trình kiến trúc thời hậu Lê còn khá nguyên vẹn và khang trang đẹp đẽ. Do vậy, Bộ Văn Hóa thông tin đã cấp bằng di tích lịch sử văn hóa công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật theo quyết định số 112VH/QĐ ngày 15/6/1987.

Xã Thư Phú